Tận dụng lợi thế WTO còn kém

Thứ hai, ngày 08/04/2013 06:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Không vào WTO (Tổ chức Thương mại thế giới) thì trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay Việt Nam sẽ còn gay go hơn.
Bình luận 0

"Còn tại sao vào WTO nền kinh tế Việt Nam yếu kém chính là do nội tại của chúng ta. Việt Nam đã quá chậm trong cải cách nền kinh tế...". Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên NTNN về kết quả sau 5 năm Việt Nam gia nhập WTO.

Chưa chuẩn bị kỹ cho hội nhập

Khi gia nhập WTO, chúng ta đã kỳ vọng rất nhiều sau 5 năm, tiêu cực lại nhiều hơn tích cực, ông lý giải điều này như thế nào?

- Những tiêu cực của nền kinh tế hiện nay tôi chưa dám nói có phải do việc gia nhập WTO đưa lại. Bởi chúng ta hội nhập trong bối cảnh không may là khủng hoảng kinh tế xảy ra, gần như cả thế giới bị "suy thoái". VN gia nhập WTO là một thành công rất lớn, nếu chúng ta không vào WTO thì nền kinh tế hiện còn khó khăn hơn. Chỉ có điều chúng ta hội nhập mà chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cũng như nỗ lực hết mình nên hội nhập đã không như kỳ vọng.

Vậy tại sao chúng ta lại chưa tận dụng được các cơ hội do WTO đưa lại?

- Chúng ta gia nhập WTO nhưng chưa chuẩn bị tốt cả về thể chế, nguồn lực và hạ tầng. Thể chế và chính sách đã không theo kịp, vẫn còn tồn tại những yếu kém như tính minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan hành chính, tính dự báo và tuân thủ chính sách... Nguồn lực đã yếu lại đang bị lãng phí lớn, nhất là trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp Nhà nước. Hạ tầng thuộc mọi lĩnh vực đều kém phát triển. Điều này dẫn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế kém, thể hiện là giá thành hàng hóa còn cao, phẩm cấp thấp so với chuẩn quốc tế, chất lượng phục vụ thiếu chuyên nghiệp.

img
Ngành thủy sản Việt Nam còn chưa tận dụng hết những lợi thế từ WTO.

Nhưng thưa ông, không thể phủ nhận là 5 năm qua, thương mại và đầu tư của VN đã tăng lên nhanh chóng nhờ việc mở cửa hội nhập. Là thành viên WTO, vị thế của VN cũng được nâng lên?

- Ai cũng thấy, cơ hội khi hội nhập là rất lớn. Vào WTO, VN có điều kiện để mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, trước hết là đối với các nước thành viên của tổ chức này. Một tác động nữa sau khi trở thành thành viên của WTO là các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn kinh tế lớn của các nước công nghiệp và dịch vụ phát triển yên tâm đầu tư vào VN những dự án lớn. Xuất khẩu tăng góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi để cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Thời gian này, VN cũng lần đầu tiên ra khỏi danh sách các nước nghèo của thế giới. Tuy nhiên, vẫn phải nói thẳng là năng lực tận dụng WTO của chúng ta không tốt. Những thành quả đạt được chỉ là "bề nổi", kinh tế VN vẫn chưa chuyển biến về chất. Ta vẫn chỉ có nền kinh tế "gia công", như vậy nhà đầu tư nào đến?! Nhiều chính sách chỉ có hiệu lực trên giấy. Chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số tham nhũng liên tục bị sụt giảm; giáo dục-đào tạo không được cải thiện...

Nông nghiệp chưa tận dụng được cơ hội

5 năm qua, lĩnh vực nông nghiệp đã đạt được những thành tựu đáng kể, có sức lan tỏa lớn với nền kinh tế hội nhập, dù không nhận được nhiều sự đầu tư, hỗ trợ, bảo hộ. Như vậy, đâu phải chúng ta không tận dụng được cơ hội của hội nhập, thưa ông?

“Sau khi gia nhập WTO, VN chịu sự cạnh tranh trực tiếp và gay gắt hơn, với nhiều "đối thủ" hơn, trên bình diện rộng hơn, sâu hơn. Đây là sự cạnh tranh giữa sản phẩm của VN với sản phẩm của các nước, giữa doanh nghiệp VN với doanh nghiệp các nước, không chỉ trên thị trường thế giới mà ngay cả trên thị trường nội địa do thuế nhập khẩu phải cắt giảm từ mức trung bình 17,4% trước đây xuống mức 13,4% và thấp hơn”.

- Đúng là sau 5 năm gia nhập WTO, vai trò của ngành nông nghiệp và xuất khẩu nông sản cho thấy một vị trí chiến lược quan trọng. Trong khi nền kinh tế suy giảm, thì tăng trưởng nông nghiệp được giữ vững, đã tạo thế ổn định cho cả nền kinh tế.

Nhiều năm qua, cán cân thương mại của VN luôn thâm hụt thì thương mại nông sản luôn thặng dư. Chính vào những thời điểm cam go của nền kinh tế, nông nghiệp và xuất khẩu nông sản thể hiện rõ nhất vai trò trụ vững và lợi thế cạnh tranh căn bản của VN trên trường quốc tế. Nhưng qua hội nhập cũng thấy rõ, nông nghiệp của VN quá yếu và "mong manh".

Chúng ta vẫn chỉ xuất thô nông sản, công nghiệp chế biến chưa có gì, đời sống đại bộ phận nông dân vẫn rất nghèo. Hội nhập, các nước bảo hộ nền nông nghiệp và sản xuất trong nước rất tốt, còn chúng ta lại chưa. WTO cho phép các nước dựng lên rào cản kỹ thuật, trong khi chúng ta chưa làm nổi cái móng làm sao xây hàng rào?! Lẽ ra chúng ta đã tận dụng được tốt hơn rất nhiều các cơ hội và kháng cự được các tiêu cực do WTO đưa lại...

Thưa ông tới đây, hội nhập sẽ không chỉ là việc cắt giảm thuế, tự do hóa thương mại, tăng đầu tư mà còn đòi hỏi VN mở cửa cả về thể chế, tiêu chuẩn, môi trường, lao động... Do vậy, cơ hội và thách thức còn lớn gấp bội. Chúng ta phải làm gì để có thể tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức?

- Những bài học của hội nhập WTO cho thấy VN cần phải có những điều chỉnh cả về mặt thể chế và chính sách. Chúng ta không còn thời gian để chậm trễ. Trước hết, VN cần tập trung và nhanh chóng đổi mới cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, xử lý các vấn đề lạm phát, thâm hụt thương mại, củng cố khả năng quản lý, sự năng động của hệ thống tài chính-tiền tệ. Tiếp đó là đầu tư, đổi mới công nghệ và năng lực quản trị kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ VN...

Sau 5 năm gia nhập WTO, đa số các doanh nghiệp nước ta đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ, 76% máy móc, dây chuyền công nghệ được sản xuất từ những năm 1950 - 1960; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% số thiết bị là đồ tân trang…
Báo cáo năng lực cạnh tranh DN VN

Vậy trước mắt, các ưu tiên VN nên thực hiện để giúp cho quá trình hội nhập hiệu quả hơn trong tương lai như thế nào, thưa ông?

- Trước mắt, VN rất cần xây dựng đội ngũ tư vấn về hội nhập để giúp cho các chiến lược hội nhập dài hạn và cả các phản ứng chính sách trong ngắn hạn dựa trên cơ sở khoa học, tránh các rủi ro và tổn thất không đáng có.

Phổ biến thông tin về WTO cho doanh nghiệp, không chỉ có các cam kết của VN mà cả các dự báo tác động nhập khẩu và cơ hội về mở rộng thị trường - giảm thuế thị trường nhập khẩu của các nước đối với hàng VN. Cần có phân tích đánh giá về tác động của việc mở cửa mạng lưới bán lẻ với tình hình nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Bên cạnh việc mở cửa thị trường thì việc bảo hộ một cách hợp pháp thị trường trong nước, các ngành, lĩnh vực yếu thế là vô cùng quan trọng, để VN tránh mọi sự đổ vỡ và tổn thất...

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem