Grab, Uber: Khi không còn cạnh tranh, họ mới "hạ gục" khách hàng?

Phi Long Thứ sáu, ngày 14/07/2017 12:02 PM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan chức năng để giám sát hoạt động của Grab, Uber.
Bình luận 0

img

Trả lời câu hỏi, Grab, Uber liên tiếp khuyến mại lớn cho khách hàng trong thời gian qua có xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh? Đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng: Trong thơi gian qua, sự ra đời của loại hình taxi mới là Grab, Uber đã mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, trước hết là người dân đã có nhiều những đánh giá tích cực. Bộ Công Thương cũng rất quan tâm tới loại hình kinh doanh mới mẻ này.

"Dù loại hình kinh doanh nào thì quan điểm của Bộ Công Thương, trước hết là phải có sự cạnh tranh lành mạnh, phải đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng", ông Hải nhấn mạnh.

Ngoài những đánh giá tích cực, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, đã có nhiều người tiêu dùng phàn nàn về phương thức thanh toán, phục vụ của 2 loại hình kinh doanh mới là Grab, Uber. “Với phản ánh cạnh tranh không lành mạnh, chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát cùng với Bộ GTVT và cơ quan chức năng để đảm bảo hoạt động của Grab, Uber hoạt động theo đúng quy định của pháp luật”, ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho biết, chưa thể khẳng định các doanh nghiệp có khuyến mại nhiều cho khách hàng là cạnh tranh không lành mạnh mà cần phải kiểm tra, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành.

Trước đó, đại diện các hãng taxi truyền thống đặt câu hỏi, có hay không việc cạnh tranh không lành mạnh của Grab và Uber với các hãng taxi truyền thống trong phương thức hoạt động kiểu “đốt tiền” của họ. 

Trao đổi với Dân Việt, ông Đỗ Việt Thắng – Phó Giám đốc hãng taxi Thành Công cho rằng, trong rất nhiều cuộc họp gần đây, mọi người nói nhiều về bất bình đẳng giữa hai loại hình  taxi  truyền thống và Grab, Uber thể hiện ở việc logo, số lượng xe hoạt động, việc gắn mui xe và xe của Uber, Grab không có đường nào bị cấm như xe taxi…Phải chăng đang có “vấn đề”.

Theo ông Thắng, các hãng này họ huy động nguồn vốn từ các quỹ đầu tư của nước ngoài, sau đó chiếm thị trường bằng cách “đốt tiền”  thu hút hết khách hàng của taxi truyền thống.

Đầu tiên, họ đưa ra các chương trình khuyến mại rất khủng kiểu “đốt tiền” cho các khách hàng. Các chương trình như đi 3 chuyến đầu giảm 30.000 đồng/chuyến hoặc giảm 50% giá cước. Hay giảm giá 50% vào các buổi sáng, giảm 30.000 đồng cho 3 chuyến kế tiếp nếu giới thiệu được thêm 1 người sử dụng dịch vụ của họ…

“Chắc chắn, khi họ đã “hạ gục” được các đối thủ là taxi truyền thống rồi thì các đợt khuyến mãi sẽ giảm dần và bắt đầu tăng giá cước. Khi taxi truyền thống chết hẳn thì chẳng còn ai cạnh tranh với họ, lúc đó lợi ích của người tiêu dùng mới bị thiệt thòi”, ông Thắng phân tích.

Theo ông Thắng, vấn đề này các hãng Grab và Uber sẽ còn gặp nhiều ở các nước bởi mô hình này còn quá mới mẻ và họ vẫn đang “lách” được nhiều quy định ở các nước khác nhau. Tuy nhiên, mới đây ở Rome, Ý  đã có một tòa án phán quyết, chấp thuận  khiếu nại của hãng taxi Union, buộc Uber dừng các hoạt động quảng bá cũng như hoạt động tại Ý trong vòng 10 ngày. Nếu như Uber không thực hiện theo yêu cầu sẽ phải chịu khoản tiền phạt là 100.000 euro mỗi ngày.

“Vậy các dấu hiệu của Grab, Uber ở Việt Nam đã vi phạm vào Luật cạnh tranh chưa? Các cơ quan quản lý có vào cuộc để làm rõ vấn đề này hay không?”, ông Thắng đặt câu hỏi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem