Tây Ninh: Hiệu ứng tích cực từ cho vay qua tổ vay vốn của Agribank

Lê Thúy Thứ năm, ngày 28/11/2019 18:34 PM (GMT+7)
“Cái hay của công tác cho vay qua Tổ vay vốn là hỗ trợ các hộ, cá nhân có nhu cầu sản xuất, chăn nuôi, tiêu dùng… tại vùng nông thôn đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa giúp người dân phát triển sản xuất, không phải đi lại khó khăn, khách hàng sẽ yên tâm hơn khi giao dịch, thủ tục, hồ sơ đã hướng dẫn qua tổ và tạo thuận lợi nhiều hơn cho các cá nhân khi tiếp cận vốn vay...”.
Bình luận 0

Đó là lời giới thiệu của bà Trần Thị Ngọc Thủy, PGĐ Agribank Tây Ninh về công tác cho vay qua Tổ vay vốn đang được triển khai tại các chi nhánh trực thuộc Agribank Tây Ninh.

Bà Thủy cho biết, trên toàn tỉnh hiện có 1.335 tổ liên kết vay vốn, với 36.156 thành viên và dư nợ cho vay gần 2.500 tỷ đồng. Các tổ liên kết vay vốn đã giải quyết kịp thời nhu cầu của nông dân. Vốn vay qua các tổ được nông dân sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và hoàn trả rất tốt.

Câu chuyện của ông chủ trẻ 8X Phạm Thanh Bình tại, ấp Lộc Tân, xã Lộc Hưng là một ví dụ điển hình. Sinh năm 1986, chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, đồng vốn không nhiều. Thế nhưng, đến nay anh Bình đã là ông chủ của một trại chăn nuôi có quy mô tại địa phương.  

Khởi nghiệp từ năm 2012, anh Bình vay 200 triệu từ Agribank Chi nhánh Trảng Bàng, cộng với vốn liếng trong nhà, mua 20 con bò về vỗ béo. Đến lúc bán bò, thấy hiệu quả kinh tế cao hơn cả nuôi heo, gà, anh Bình tiếp tục vay vốn ngân hàng, mở rộng dần quy mô đàn bò. Đến nay, trong chuồng của Bình đang có 89 con bò lớn nhỏ. Bình thường mua bò loại 250 - 300 kg/con, về vỗ béo trong 6 tháng, đạt 400 - 500 kg/con là xuất bán. Bình quân, mỗi con bò mang về lợi nhuận từ 1 - 1,2 triệu đồng/tháng.

img

Ông Phạm Thanh Bình, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh

Để tận dụng hết diện tích của trang trại, anh Bình trồng rau rừng theo theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 7.000m2. Mỗi ngày, vườn rau rừng cho thu hoạch bình quân 50 - 60kg rau và được tiêu thụ bởi hệ thống Co.op Mart. Bên cạnh đó là khu chuồng trại nuôi chim trĩ, vịt xiêm, gà tre...

Anh Bình cho biết, các mô hình phát triển kinh tế của anh đều đem lại hiệu quả kinh tế tốt. Anh Bình đang dự tính sẽ tiếp tục vay vốn của Agribank, mở rộng quy mô đàn bò chăn nuôi trong thời gian tới. Bởi với số lượng bò nuôi hiện nay, trang trại chưa đáp ứng được nhu cầu thu mua, giết mổ của các thương nhân trong vùng. 

Có được quy mô chăn nuôi như hiện nay, anh Bình cho biết, nhờ có sự hỗ trợ đúng lúc, đúng thời điểm của Agribank thông qua tổ vay vốn tại địa phương. Thông qua các Tổ vay vốn, những người dân như anh có cơ hội được nói lên nguyện vọng, nhu cầu về vốn của mình. Với cách hỗ trợ đồng vốn trực tiếp cho bà con một cách làm linh hoạt, phù hợp của Agribank đã giúp người dân thoát nghèo và làm giàu thành công.

Câu chuyện của gia đình ông Trần Tấn Hiếu ở ấp Lộc Tiến (xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) cũng là một tương hợp như vậy.

Trang trại trồng lan của ông Trần Tấn Hiếu ở ấp Lộc Tiến có diện tích gần 1,2 ha. Sự đầu tư khá miệt mài và bài bản của ông Hiếu trong suốt 5 năm qua đã biến mảnh đất này từ một ruộng lúa có hiệu quả kinh tế không cao thành một thành một vườn lan kiểu mẫu.

img

Trang trại lan của ông Trần Tấn Hiếu (bên phải)

5 năm trước, nhận thấy cứ làm lúa sẽ khó giàu lên được, ông Hiếu đã bỏ thời gian đi học hỏi kỹ thuật trồng lan rồi mạnh dạn gõ cửa Agribank Chi nhánh Trảng Bàng, và được chấp thuận cho vay 500 triệu đồng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nguồn vốn vay đến một cách kịp thời, nhanh chóng, đã giúp ông Hiếu có thể bắt tay ngay vào trồng lan trên diện tích ban đầu là 5.000m2.

Lứa lan đầu tiên mang lại hiệu quả kinh tế tốt. Từ đó, ông Hiếu liên tục đầu tư mở rộng diện tích trồng lan bằng nguồn vốn tích lũy được và vốn vay từ Agribank. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa của gia đình ông đều đã chuyển sang trồng lan, với giống chủ lực là Dendro. Mỗi năm, trang trại đạt doanh thu 5-6 tỷ đồng và lợi nhuận là hơn 1 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Ngọc Thủy, PGĐ Agribank Tây Ninh

Trong 10 năm qua, doanh số cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chi nhánh đạt hơn 98.280 tỷ đồng, với gần 545.600 lượt khách hàng vay vốn. Hầu hết các đối tượng vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả và trả nợ lãi vay đúng hạn.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Hưng, cho biết, đến 30/9/2019, tổng dư nợ của Agribank thông qua 14 tổ liên kết vay vốn ở Lộc Hưng là 41,5 tỷ đồng, chiếm 36,5% tổng dư nợ của Agribank trên địa bàn. Thông qua các tổ, nguồn vốn đã đến tận tay người dân một cách nhanh chóng, kịp thời, giúp nông dân mua sắm các phương tiện sản xuất như máy phóng, máy kéo, máy cày, máy gặt đập liên hợp, chăm sóc bò, heo, gà... Nhờ vậy, nông dân đã phát triển được sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, từ đó tham gia đóng góp để thực hiện nhiều tiêu chí NTM trên địa bàn.

Nhận xét về hoạt động cho vay qua Tổ vay vốn, Chủ tịch Hội Nông dân địa phương cũng đánh giá cao cách làm của Agribank trong việc xây dựng và phát triển vay vốn qua tổ. Trong quá trình cho vay, cán bộ ngân hàng và các tổ vay vốn và người dân thường xuyên ngồi lại trao đổi, đánh giá tình hình hoạt động của Tổ vay vốn để hạn chế các tồn tại, rút kinh nghiệm và có phương hướng cho thời gian tiếp theo nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm của các bên; cũng như tạo điều kiện thúc đẩy phong trào sản xuất trong Hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem