Thanh toán không dùng tiền mặt: Niềm tin của người dân rất quan trọng!

Thanh Xuân Thứ sáu, ngày 28/09/2018 13:46 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của các chuyên gia trong phiên thảo luận chuyên đề về giải pháp nào để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Bình luận 0

img

Thanh toán không dùng tiền mặt: Niềm tin của người dân là rất quan trọng (Ảnh: Trọng Hiếu)

60% nông dân đã sử dụng điện thoại thông minh

Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Hạnh (xã Đan Phượng - Hà Nội) đạt câu hỏi: Việc thanh toán không dùng tiền mặt có thuận lợi thế nào và có an toàn hơn dùng tiền mặt không?

Ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Chúng tôi khẳng định việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiện lợi hơn rất nhiều. Ví dụ, sử dụng thẻ ngân hàng ATM sẽ được toàn bộ các điểm chấp nhận thẻ trên toàn quốc với khoảng 300.000 điểm tiếp nhận thẻ, giúp cho người dân có thể dễ dàng chuyển tiền cho người thân, khách hàng…Mặt khác, sử dụng thanh toán tiền mặt có nguy cơ gặp phải tiền giả, mất trộm, mất cắp trong khi không dùng tiền mặt sẽ thuận tiện và an toàn hơn rất nhiều.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, thống kê hiện nay ở khu vực nông thôn có trên 60% người dân đã sử dụng điện thoại thông minh, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là phải mở rộng các điểm mạng lưới chấp nhận thẻ để giúp cho người dân cũng như điểm giao dịch nhỏ lẻ ở khu vực xa xôi. Ngoài ra, NHNN cũng cho phép các tổ chức phi ngân hàng làm các dịch vụ thu hộ, chi hộ…để đảm bảo cho người dân thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lựa chọn.

Ông Đào Quang Ánh (nông dân xã Đan Phượng - Hà Nội) cũng băn khoăn: Việc sử dụng công nghệ thanh toán cho các đối tác có thuận lợi hơn không? Thẻ ngân hàng giới hạn ở hạn mức thanh toán trong khi ngày nghỉ lại không được chuyển tiền thì sẽ không thuận tiện cho người dân thì có giải pháp nào khác?

Trả lời câu hỏi của ông Ánh, ông Sơn cho biết: Việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt như tôi phân tích có nhiều ưu điểm hơn so với tiền mặt. Đặc biệt là với xu thế mua bán hàng ở xa thì phải sử dụng dịch vụ ngân hàng để thanh toán, vì nó không có khoảng cách về không gian.

Liên quan tới hạn chế về định mức, đại diện NH Agrinbak cho biết:  Hạn mức rút tiền, chuyển tiền hiện nay liên quan tới quy định an toàn bảo mật thông tin trong ngân hàng. Theo quy định mà NHNN ban hành có 4 cấp độ bảo mật khác nhau: ATM là cấp độ thứ 2 nên hạn mức cũng tương ứng với mức độ bảo mật. Tương tự, các hình thức chuyển tiền Banking và các hình thức giao dịch không sử dụng tiền mặt khác cũng có hạn mức theo mức độ bảo mật.

“Một ngày Agribank có 2,5 triệu giao dịch khác nhau. Với số lượng giao dịch khổng lồ như thế, việc nâng cấp hệ thống trong thời điểm cao điểm là cực kỳ quan trọng. Tất nhiên, có thời điểm vào cuối ngày, dịp lễ tết có thể giao dịch bị gián đoạn nhưng chỉ mất một thời gian ngắn, sau đó khách hàng có thể giao dịch lại bình thường”, đại diện Agribank cho biết.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay vấn đề quan trọng nhất là niềm tin. Vừa qua, việc mất niềm tin của khách hàng chỉ là những vụ hi hữu và chỉ nằm trong số hàng chục triệu giao dịch mỗi ngày. "Cho dù nguyên nhân xuất phát từ đâu, do ngân hàng hay lỗi người sử dụng cũng khiến người dân lo ngại. Chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước sẽ luôn theo dõi sát các vấn đề này và khẳng định khi xảy ra sự cố phải đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân bị mất tiền”, ông Sơn nói.

Đồng tình với ý kiến ông Sơn, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay Lưu Quang Định nhấn mạnh: “Đúng như anh Sơn nói, muốn đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt ở nước ta, nhất là đối với nông dân ở vùng sâu, vùng xa…thì niềm tin của khách hàng là quan trọng nhất”.

Thói quen vô cùng quan trọng

Ông Đỗ Xuân Thắng – Giám đốc Quỹ hỗ trợ nông dân cho rằng: Là những người tham gia lĩnh vực tài chính, thanh toán, giải ngân, thu hồi vốn, qua hội nghị, được nghe ý kiến tham luận, ý kiến phát biểu của rất nhiều đại biểu tôi nhận thấy hiện có nhu cầu rất lớn của người dân cần chuyển sang hình thức thanh toán không tiền mặt. Chỉ riêng hội viên nông dân đã có hơn 10 triệu khách hàng tiềm năng và tới đây sẽ đẩy mạnh kết nạp các hội viên lên khoảng 14 triệu sẽ là khu vực khách hàng đáng mơ ước của nhiều tổ chức khác nhau, không chỉ riêng tổ chức tín dụng.

“Hiện nay, rất nhiều nước đã triển khai thành công thanh toán không sử dụng tiền mặt, trong đó có nước láng giềng Trung Quốc. Trong khi chúng tôi vẫn có tới hơn 10.000 điểm giao dịch cứ mỗi tháng phải chở ô tô mang tiền tới các điểm này. Do đó, xu thế thanh toán không sử dụng tiền mặt sẽ là xu thế tất yếu mà Việt Nam cần triển khai nhất là trong thời kỳ công nghệ 4.0 như hiện nay”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn tới triển khai thanh toán không dùng dụng tiền mặt vẫn chưa như kỳ vọng là do hiện nay nền tảng hạ tầng không đáp ứng được khiến cho người dân khó tiếp cận, trong khi đầu tư hạ tầng rất tốn kém. Mặt khác, “niềm tin” là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với khách hàng. Vừa rồi, mấy hội viên nông dân hỏi thanh toán có tiện lợi không, định mức có thoải mái không, có được thanh toán 24/24 không…nếu ngủ dậy mà thấy mất tiền ở trong tài khoản thì chắc chắn vẫn còn những trở ngại cho người dân.  

Ông Thắng cũng cho rằng, một vấn đề quan trọng nữa là phải xóa bỏ thói quen, nhưng để làm được thì không đơn giản và cần phải có một quá trình lâu dài.  “Mới đây, có đám cưới ở Hà Nội thanh toán bằng thẻ, đó là tiên phong, mới lạ và là tiền đề xóa bỏ thói quen. Thói quen vô cùng quan trọng, chúng tôi tiếp cận người nghèo và tại sao họ nghèo mãi vì họ có thói quen chấp nhận nghèo”, ông Thắng nhấn mạnh.  

Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiển mặt, bà Lê Thị Thúy Sen – Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông NHNN cho biết: “Vai trò truyền thông của thanh toán không dùng tiền mặt là rất quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 3 Đề án thanh toán không dùng tiền mặt và các nội dung tuyên truyền của chúng tôi cũng được xây dựng bán sát các đề án này.

Chúng tôi tập trung hướng tới các địa bàn là vùng sâu, vùng xa, giới trẻ… đều là những đối tượng ít hiểu biết về tài chính. Chúng tôi cũng lựa chọn hình thức đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, giúp bà con dễ tiếp cận nhất. Ngoài ra, chúng tôi còn giới thiệu dịch vụ ngân hàng tiết kiệm, vay vốn, thanh toán online, an ninh, an toàn, bảo mật…gần gũi nhất để truyền tải các tiện lợi của thanh toán không dùng tiền mặt tới người dân”, bà Sen nói.

Cũng theo bà Sen, tới đây, NHNN sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình, phối hợp nhiều hình thức tuyên truyền  để hướng dẫn cho người dân, đặc biệt là bà con nông dân về thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, đối với các kênh truyền hình cũng sẽ có các chương trình hướng dẫn cụ thể. Dự kiến trong tháng 10 NHNN sẽ làm chương trình “Ví tiền của bạn” trong chương trình chào buổi sáng trên VTV để hướng dẫn cho bà con cách thức  tiếp cận. Ngoài ra, NHNN cũng tìm hiểu thêm kinh nghiệm ở nước ngoài để thông qua facebook, google đẩy mạnh các kênh truyền thông, qua đó vừa tiết kiệm nguồn lực, tiếp kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả cho công tác tuyên truyền, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta.

Phát biểu kết luận tại phiên tọa đàm, ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh:  Những chia sẻ về khó khăn trong thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, cùng những kinh nghiệm của các diễn giả để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại các quốc gia khác sẽ là cơ sở để NHNN đưa ra những giải pháp phù hợp với điều kiện ở nông thôn, từ cơ sở hạ tầng, mạng lưới thanh toán, dịch vụ thanh toán... tiến tới một xã hội không tiền mặt như xu hướng tất yếu trên thế giới. Đây cũng là thực tiễn phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem