Thí điểm thị trường bán buôn điện năm 2016: Có cạnh tranh sòng phẳng?

Hải Quỳnh Thứ hai, ngày 27/07/2015 13:33 PM (GMT+7)
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thị trường bán buôn điện cạnh tranh đang được chuẩn bị thí điểm trong năm 2016. Tuy nhiên, để có thể cụ thể hóa mục tiêu này, ngành điện nói chung, EVN nói riêng sẽ còn phải đối diện với không ít khó khăn, trở ngại.
Bình luận 0

“Quá mới và phức tạp”

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Thường trực Ban chỉ đạo cho biết: Mục tiêu của thị trường bán buôn điện cạnh tranh nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao cạnh tranh, đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu quả, không những vậy phải đảm bảo ngành điện phát triển bền vững nhưng giá điện phải hợp lý.

img

Thị trường bán buôn điện cạnh tranh dự kiến sẽ được triển khai thí điểm trong năm 2016. Ảnnh:  A0 cung cấp

Theo đó, bên bán điện là tất cả các nhà máy điện có công suất trên 30 MW bắt buộc phải tham gia thị trường điện. Các nhà máy thủy điện dưới 30 MW được phép lựa chọn tham gia thị trường khi đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, đưa các nhà máy điện BOT và nhà máy thủy điện đa mục tiêu tham gia chào giá và xét giá thị trường.

Còn bên mua điện, sẽ khác với thị trường phát điện cạnh tranh chỉ có một đơn vị mua buôn duy nhất, thị trường bán buôn điện cạnh tranh có nhiều đơn vị mua điện trên thị trường, bao gồm: 5 tổng công ty điện lực; khách hàng lớn có đủ điều kiện (các doanh nghiệp lớn có đủ điều kiện sẽ được mua buôn điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện); đơn vị mua buôn mới và công ty mua bán điện.

Ban chỉ đạo cũng xây dựng kế hoạch thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh được hình thành và phát triển theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (năm 2016) vận hành thí điểm bước 1 thị trường bán buôn điện cạnh tranh; giai đoạn 2 (2017 - 2018) vận hành thí điểm bước 2 thị trường bán buôn điện cạnh tranh; giai đoạn 3 (2018 - 2019) vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại, “các điều kiện cần và đủ chưa thực sự được hội tụ hết” có thể khiến thị trường bán buôn điện cạnh tranh gặp khó khi triển khai. GS Trần Đình Long- Phó Chủ tịch Hội Điện lực, phân tích: Muốn triển khai (thí điểm) được thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2 của thị trường điện), thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1 của thị trường điện) cần phải được hoàn thiện. Đến thời điểm hiện tại, thị trường phát điện cạnh tranh vẫn còn quá ít số lượng đơn vị tham gia chào giá trực tiếp và tính cạnh tranh vẫn còn thấp.

Ông Ngô Trí Long -nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cổ phần hóa các tổng công ty phát điện (GENCO) còn đang gặp không ít trở ngại thì làm sao có thể “cạnh tranh” sòng phẳng theo đúng nghĩa của thị trường?

Thực tế hiện nay, không phải đơn vị nào trong ngành điện cũng đã đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, kỹ thuật… theo đúng thiết kế của thị trường điện cạnh tranh. Chưa kể, nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng được với lĩnh vực mới và phức tạp của thị trường này.

Nỗ lực từ nhiều phía

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng - Trưởng Ban chỉ đạo cho biết: Chính phủ và Bộ Công Thương đã rất thận trọng trong việc xây dựng thị trường bán buôn điện cạnh tranh bắt đầu từ năm 2016, bởi việc xây dựng thị trường bán buôn cạnh tranh phải đạt được nhiều mục tiêu, trong đó quan trọng nhất là vẫn đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống điện. Chính vì thế, Bộ Công Thương xây dựng lộ trình từ nay đến 2019 sẽ vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh để trong quá trình triển khai cần theo dõi để điều chỉnh kịp thời.

“Cục Điều tiết Điện lực phải hoàn thiện báo cáo để Bộ Công Thương phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong tháng 7. Tuy nhiên, để làm tốt công tác này các đơn vị phải cùng Bộ Công Thương hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; hoàn thiện tái cơ cấu ngành điện; đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh và hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin” - ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam – ông Trần Viết Ngãi, khẳng định: Ngành điện (mà ở đây chủ yếu là EVN) sẽ phải “nỗ lực thần tốc” để có thể kịp vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh ngay trong năm 2016. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía, nhiều đơn vị khác nhau “mới có thể hình thành thị trường đúng nghĩa được”. Trước hết, đó là sự hoàn thiện về hệ thống quản lý, khung pháp lý và các văn bản liên quan đến thị trường. Đặc biệt là sự tham gia đông đảo của các đơn vị phát điện, đảm bảo tính cạnh tranh, sôi động, hấp dẫn cần thiết cho thị trường.  

 Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đối với EVN, công tác chuẩn bị cho thí điểm thị trường bán buôn cạnh tranh cũng đang được chuẩn bị rất khẩn trương. Một số nhiệm vụ như xây dựng kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin cho thị trường, đào tạo nguồn nhân lực sẵn sàng vận hành thị trường… EVN đang triển khai khá tốt. Đây là một trong những yếu tố cần thiết để đảm bảo cho việc thí điểm thị trường được triển khai thuận lợi, đúng lộ trình. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem