Tiền hỗ trợ ăn trưa, xăng xe… không bị tính đóng BHXH

Minh Nguyệt Thứ ba, ngày 05/01/2016 21:46 PM (GMT+7)
Đây được xem là điểm nhấn trong Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH vừa được Bộ LĐTBXH ban hành vào cuối tháng 12.2015 vừa qua. Thông tư này quy định cụ thể về việc đóng BHXH.
Bình luận 0

Theo đó, thay vì việc tính đóng BHXH dựa trên tiền lương cơ bản như hiện nay thì từ 1.1.2016 các đơn vị sẽ phải đóng BHXH dựa trên tiền lương và thu nhập (phụ cấp).

Như vậy, ngoài lương, các doanh nghiệp còn phải đóng BHXH cho người lao động dựa trên cả các khoản phụ cấp “đầu vào” (là các khoản tính vào giá thành sản phẩm, ví dụ như tiền nhuận bút, tiền phụ cấp chức vụ, cấp bậc, tiền tăng ca, chuyên cần…).

Riêng các khoản phụ cấp như: Tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động sẽ không bị tính đóng BHXH bắt buộc.

img

Sẽ có hơn 200 nghìn doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp bởi cách đóng BHXH mới.

Thông tư 59 quy định lộ trình đóng BHXH bắt buộc cụ thể như sau:

Từ ngày 1.1.2016 đến ngày 31.12.2017, doanh nghiệp đóng BHXH dựa trên 2 nguồn chính là tiền lương, cộng các khoản phụ cấp. Tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương (theo quy định tại Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH).

Mức lương đóng BHXH là mức lương được tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương, được pháp luật quy định, do doanh nghiệp và lao động đã thỏa thuận. Đối với người lao động làm sản phẩm hoặc làm công nhật thì việc đóng BHXH được tính theo tiền lương dựa trên đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

Mức phụ cấp lương để tính đóng BHXH, là khoản phụ cấp đi kèm theo lương mà hai bên đã thỏa thuận. Cụ thể là các khoản phụ cấp để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ. Ví dụ như: tiền nhuận bút, tiền phụ cấp cấp bậc, chức danh quản lý, tiền tăng ca, tăng kíp…

Từ ngày 1.1.2018 trở đi, việc đóng BHXH sẽ được xác định dựa trên 3 nguồn chính. Tiền lương, cộng phụ cấp lương, cộng các khoản bổ sung khác theo quy định tại Thông tư số 47.

Ngoài ra, thông tư 59 cũng quy định cụ thể về mức tiền lương đóng BHXH bắt buộc cụ thể dựa trên từng lạo hình doanh nghiệp cụ thể.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 15.2.2016.                        

“Bộ LĐTBXH đã có hướng dẫn gửi tới các doanh nghiệp về việc thực hiện đóng BHXH bắt buộc. Theo đó, trong khi chờ thông tư 59 có hiệu lực, các doanh nghiệp vẫn sẽ thực hiện việc đóng BHXH như cũ. Sau khi thông tư 59 có hiệu lực (ngày 15.2.2016), đơn vị BHXH sẽ tiến hành truy thu khoản tiền đóng BHXH ở các doanh nghiệp này. Theo tính toán, sẽ có gần 200.000 doanh nghiệp đang tham gia BHXH và hàng triệu lao động bị tác động bởi việc đóng BHXH theo cách tính mới này”.

Ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem