“Tiếng lúa” và “Dinh heo” bắt tay với Cỏ May

Thứ bảy, ngày 15/04/2017 07:00 AM (GMT+7)
Được hỗ trợ về kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ đầu ra, thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm, nhiều nông dân ở tỉnh Đồng Tháp đang “sống khoẻ” nhờ liên kết với công ty Cỏ May trong việc sản xuất nấm rơm sạch.
Bình luận 0

Làm “chơi” ăn “thiệt”

Trước đây, gia đình ông Tống Duy Thông, ấp Tân Bình, xã Hoà Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp chủ yếu sản xuất lúa. Thu nhập không cao khi mỗi năm chỉ được hai, ba vụ lúa.

Tuy nhiên, kể từ năm 2016, khi Cỏ May Essential triển khai trồng nấm rơm sạch, ông Thông được mời hợp tác, thế là nhà lại có của ăn của để.

img

Trải nghiệm thực tế, nghe những chia sẻ của đại diện doanh nghiệp Cỏ May và chính từ các hộ dân trồng nấm, nhiều bạn trẻ đã " mắt tròn mắt dẹt", ấp ủ kế hoạch sản xuất sản phẩm này trong thời gian tới.

Nhận lời, ông Thông được Cỏ May hỗ trợ xây dựng nhà trồng nấm cùng một số phương tiện phục vụ cho việc sản xuất. Ngoài ra, ông còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cũng như quy trình sản xuất nấm, đảm bảo chất lượng và năng suất cao. Hiện ông đã dựng được bốn nhà nấm với diện tích 12m2/căn trong vườn nhà. Vì có nhiều gỗ tận dụng được để làm nhà nấm, được Cỏ May hỗ trợ vải bạt để lợp mái và vây xung quanh, nên chí phí không đáng kể.

Ông Thông bộc bạch thêm rằng: việc sản xuất nấm khá đơn giản, nhẹ nhàng, có thể tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi. Tuy nhiên, yêu cầu về kỹ thuật phải tuyệt đối nghiêm ngặt, phải thường xuyên theo dõi sát các yếu tố về môi trường, nhiệt độ trong và ngoài nhà nấm để kịp thời có biện pháp điều chỉnh. Đặc biệt, khi liên kết với Cỏ May thì nguồn rơm phải sạch. Điều này đối với ông không khó khi gia đình tham gia sản xuất lúa sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật nên nguồn rơm được đảm bảo và được đơn vị liên kết tin tưởng.

Hiện nay, làm nấm ra nhập hàng cho Cỏ May, ông được tính giá khoảng 60.000 đồng/kg. Dù giá thấp hơn so với giá bán lẻ trên thị trường, nhưng các hộ dân liên kết với một đơn vị uy tín như Cỏ May không phải lo đầu ra, thu nhập ổn định và thường xuyên. Hiện bốn nhà nấm này giúp ông có khoản thu nhập từ 8 – 10 triệu đồng/tháng. Như vậy, mỗi năm, ngoài nguồn thu hàng từ sản phẩm lúa sạch, gia đình ông Thông làm “chơi chơi” lại có thêm trên dưới 100 triệu đồng nhờ trồng nấm sạch, số tiền không hề nhỏ đối với những nông dân chân chất, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ở vùng Đồng Tháp Mười này.

Chia sẻ với các bạn trẻ tại sự kiện Tiger@Mekong 2017, đại diện của Cỏ May, cho biết: việc sản xuất nấm sạch là một trong những phân khúc theo quy trình sản xuất gạo sạch, an toàn mà họ thực hiện từ đầu năm 2016. Để có được nguồn rơm sạch thì chắc chắn những nông dân sản xuất sạch, là đối tác cung cấp lúa sạch, an toàn cho đơn vị này trong nhiều năm qua nhận được sự tin tưởng tuyệt đối.

Việc sản xuất nấm trong nhà đảm bảo chất lượng dinh dưỡng cao, đạt điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, hương thơm tự nhiên. Trong khi đó, liên kết với nông dân, doanh nghiệp này luôn đồng hành, hậu thuẫn tốt đảm bảo được tính bền vững. Theo tính toán của Cỏ May, mỗi lứa nấm sản xuất trong khoảng ba tuần, mỗi tấn rơm sẽ cho khoảng 1,2 tấn nấm. Như vậy, với người nông dân, trồng nấm sạch sẽ “sống được” nếu họ thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, việc sản xuất nấm phải theo quy trình chung, nguồn rơm rạ, meo nấm và ngay cả vấn đề dịch bệnh đều phải kiểm soát chặt chẽ, trong đó meo nấm do chính đơn vị này cung cấp.

Hình thành startup “mẹ bồng con”?

Trải nghiệm từ thực tế, nghe những sẻ chia của đại diện doanh nghiệp Cỏ May và chính từ các hộ dân trồng nấm, nhiều bạn trẻ đã “mắt tròn mắt dẹt”, ấp ủ kế hoạch sản xuất sản phẩm này trong thời gian tới.

Trong đó, Đoàn Phan Dinh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, chủ dự án “Nuôi heo rừng”, người đoạt giải nhì tại cuộc thi “Dự án khởi nghiệp” lần 2 do trung tâm BSA tổ chức năm 2016, dự định sẽ liên kết với doanh nghiệp Cỏ May để sản xuất nấm sạch. Đây là ý tưởng không tồi khi “Dinh heo” tính gom hết rơm sạch của Võ Văn Tiếng, chủ nông trại gạo sạch Tâm Việt, đồng thời cũng là quán quân cuộc thi “Dự án khởi nghiệp lần 2” để làm nấm.

Dù bận rộn với hàng loạt điểm nuôi heo rừng thuộc hệ thống quản lý trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ và một số tỉnh, thành lân cận, nhưng Dinh vẫn khẳng định sẽ thực hiện được. Theo đó, Dinh sẽ liên kết, hợp tác với “chú ngựa ô can trường Võ Văn Tiếng”, hoặc sẽ thu mua rơm ở nông trại Tâm Việt để tự thực hiện.

Nói về nguồn rơm của “Tiếng lúa”, Dinh cho rằng đây là nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn để sản xuất loại nấm sạch như yêu cầu của Cỏ May. Không chỉ sạch và an toàn, không sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, nguồn rơm này còn chứa nhiều chất dinh dưỡng khác khi được Tiếng bón bằng phân hữu cơ. Điều làm chàng trai này phân vân là việc nông trại Tâm Việt có khoảng cách khá xa so với nơi “đóng đô” của Cỏ May, nên chi phí về logistics sẽ là việc cần tính toán.

Với ý tưởng này, sớm muộn việc liên kết giữa Cỏ May và Dinh – Tiếng sẽ thành hiện thực. Việc Dinh khai thác, tạo ra một startup trong chuỗi giá trị sản xuất lúa sạch của nông trại Tâm Việt sẽ là điều thú vị với các bạn trẻ hiện nay, đó là việc tạo ra một dự án khởi nghiệp mới trong một dự án khởi nghiệp khác theo kiểu “mẹ – con”.

Khai thác những giá trị gia tăng xung quanh hạt gạo thơm ngon, sạch và an toàn, doanh nghiệp tư nhân Cỏ May, Đồng Tháp đang hướng đến nhiều sản phẩm từ phụ phẩm của lúa, gạo mang tính ưu Việt. Nấm rơm sạch là một trong số đó. Đặc biệt hơn, việc liên kết, hợp tác với nhà nông trong việc sản xuất sản phẩm này không chỉ giúp họ tiết kiệm được nhiều chi phí, mà còn góp phần cải thiện thu nhập cho bà con ở đất “Sen hồng”.

Bài, ảnh Anh Tuấn (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem