Tiếp thị nông sản thời... smartphone

Ngọc Bích (Thế giới Tiếp thị) Thứ hai, ngày 21/03/2016 11:47 AM (GMT+7)
“Bao bì đẹp, nhìn chắc chắn, sử dụng túi bạc zipper. Tuy nhiên, để thương mại tốt hơn thì nên có thêm QR hoặc GS1 barcode trên nhãn hiệu hay bao bì để kết nối với điện thoại di động, giúp khách hàng biết được thông tin về sản phẩm nhanh nhất”.
Bình luận 0

Đó là nhận xét của TS Nguyễn Thanh Mỹ, chủ tịch tập đoàn Mỹ Lan đối với bao bì trà khổ qua rừng của cơ sở Thuận Lộc tại toạ đàm “Ứng dụng công nghệ cao để tạo giá trị gia tăng cho nông sản Mekong” hôm 8.3, do hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) phối hợp với hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang tổ chức.

Ông Mỹ cho rằng việc khởi nghiệp nên gắn với với những tiến bộ của công nghệ và sự thay đổi xu hướng tiêu dùng. Câu chuyện bao bì kể trên của ông Mỹ là gợi ý việc cần chú ý tới sự thay đổi xu hướng tiêu dùng.

img

TS Nguyễn Thanh Mỹ, TS Nguyễn Quốc Vọng và ông Phạm Công Tạc, thứ trưởng bộ KH&CN trao đổi về những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ mới nâng cao giá trị nông sản Mekong”. Ảnh: Ngọc Bích.

“Không như thế hệ chúng ta trước đây, trò chuyện với nhau qua tin nhắn, điện thoại… ngày nay, người tiêu dùng 8X và 9X chiếm 43%, mười năm nữa chiếm 64%, Thế hệ 9X hình thành ăn, ngủ, đi chơi, đi học, mua đồ đều dùng điện thoại”.

Về tiến bộ công nghệ, ông gợi ý: canh tác cần khoa học hơn và đó là lý do phân bón thông minh ra đời. Phân bón hiện nay bón xong là tan trong nước liền, thất thoát đạm 60 – 70%, phân bón thế hệ mới tan chậm và cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây trồng.

Những nhà sản xuất làm ra các loại phân bón tan chậm có kiểm soát, các loại khoáng chất, vi lượng được bọc bởi loại vỏ bọc polymer. Thời gian tan 4, 6 hoặc 24 tháng.

Phân bón đẹp hơn, thân thiện môi trường hơn nhờ cơ chế: hạt phân thông minh phân huỷ do nắng trời, do vi khuẩn.

Phân bón thông minh có thể phát triển tại Việt Nam, sử dụng cho gia đình trồng nhỏ lẻ (trồng lan, rau…) vànhu cầu của nông dân.

Bón chỉ một lần cho một vụ, tiết kiệm lao động, lượng phân bón sử dụng ít hơn 40%, giảm thiểu thất thoát, sản lượng thu hoạch tăng 20% và giảm tối đa ô nhiễm môi trường.

Và chiếc smartphone có thể kiểm soát từ mức tiêu thụ, mức phải thanh toán, từ việc kiểm tra mã vạch, mã 2D… ngay trên smartphone.

Những điều kỳ diệu từ Mobile APP trên máy tính bảng và điện thoại di động kết nối internet, điện toán đám mây (NMRice APP) bắt đầu lan tới khu vực nông nghiệp, giúp quản lý dinh dưỡng cho lúa.

Philippines đã làm được, họ kết nối với những vùng khác, nông dân có bao nhiêu công đất, mùa rồi thu hoạch bao nhiêu, xài phân gì, đề nghị sử dụng phân gì…

Thiết bị đo nối với internet, điện toán đám mây sẽ giúp nông dân có ông bác sĩ nông học tại nhà, rất dễ làm. Ngày nay chế biến cần thiết bị. Phân phối cần thiết bị thông minh, thương mại điện tử phát triển có thể bán được sản phẩm trực tiếp tốt hơn nhờ điện toán đám mây, internet vạn vật, các APP…

Những tiến bộ đó bắt đầu được một số doanh nghiệp ứng dụng, nhưng điều đáng nói là chưa nhiều, chưa đủ để nói về một xu thế chuyển đổi, nhất là khu vực miền Tây.          

Sáu điểm yếu của tiếp thị nông đặc sản

Ông Trương Cung Nghĩa, giám đốc công ty Trương Đoàn đưa ra sáu điểm yếu về thực trạng sản xuất và tiếp thị của nông đặc sản Mekong, ngày 12/3, trong khuôn khổ các hoạt động của hội chợ HVNCLC An Giang do Hội DN HVNCLC, Mạng lưới sáng tạo khởi nghiệp phối hợp tổ chức:

1 – Mang tính chất cá thể, hộ sản xuất phải tự thân vận động ở hầu hết các khâu.

2 – Sản phẩm làm ra theo kinh nghiệm gia truyền hoặc học từ “một ông thầy” nào đó.

3 – Thiếu kiến thức hệ thống về nghiên cứu và phát triển sản phẩm, không xác định được nhu cầu thị trường, không cập nhật được thị hiếu người tiêu dùng.

4 – Thường định giá sản phẩm theo giá nguyên liệu và công lao động, đôi khi bỏ qua yếu tố giá trị chất xám và chi phí marketing.

5 – Các hoạt động quảng bá sản phẩm mang tính tự phát hoặc thụ động.

6 – Không chủ động được kênh phân phối, bị chèn ép.

“Tất cả đều cần xuất phát từ mô hình 4P kinh điển”, ông Trương Cung Nghĩa cho rằng Tiếp thị một cách dễ nhớ: 4P (Product – Price – Place – Promotion) và bốn vấn đề: 1/ Đặt tên – làm thương hiệu; 2/ Mô tả sản phẩm; 3/ Xây dựng hệ thống hình ảnh sắc nét, chú ý đến bao bì sản phẩm; 4/ Tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh khác nhau.

Trong trường hợp không xây dựng được thương hiệu sản phẩm, đôi khi chúng ta phải nghĩ đến việc gia công cho các nhãn hàng riêng của hệ thống các siêu thị, cửa hàng đặc sản”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem