TS Trần Đình Thiên: "Không thể xóa bỏ độc quyền của EVN trong thời gian ngắn"

Hoàng Thắng (thực hiện) Thứ hai, ngày 03/07/2017 10:18 AM (GMT+7)
“Thực tế, thị trường điện Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại. Với EVN, xã hội vẫn còn dư luận về tính công khai, minh bạch trong việc tăng giá điện. Cá nhân tôi cho rằng tính công khai, minh bạch của EVN đang ngày một tăng, chúng ta không nên nghĩ rằng họ che giấu thông tin”, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế , Viện Hàn lâm KHXH VN cho biết.
Bình luận 0

img

 "Tính minh bạch của EVN đang ngàymột tăng, chúng ta không nên nghĩ rằng họ che giấu thông tin”.

Theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện. Cụ thể, liên quan tới giá bán điện bình quân, trong trường hợp giá điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Tăng thêm sự chủ động cho EVN

Thưa ông, điện là mặt hàng đặc thù, đầu vào sản xuất của nhiều ngành nghề, tăng giá điện tác động tới giá nhiều mặt hàng khác. Cơ sở nào cho phép EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện trong khoảng từ 3-5%?

- Về bản chất, cần hiểu rõ đây không phải quyết định tăng giá điện, mà chính xác là quyết định liên quan tới cơ chế thực hiện việc tăng giá điện.

Theo ông dựa trên  cơ sở nào để đặt ra cơ chế này cho EVN ?

- Giá điện của Việt Nam đang thấp hơn giá điện của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Khi giá điện ở nước ta thấp hơn mặt bằng giá điện chung, cộng thêm những điều kiện khác khiến giá điện tương đối thấp.

Điều này khiến việc khuyến khích sử dụng điện trở nên không hiệu quả bởi nó đồng thời cũng khuyến khích những dự án đầu tư tiêu tốn năng lượng ở Việt Nam. Giá điện thấp cũng có nghĩa là không khuyến khích đầu tư, phát triển năng lượng bởi chi phí đầu vào phục vụ sản xuất thì cao, nhưng giá bán đầu ra lại thấp.

Vì vậy, trong vài năm qua, Nhà nước đã có chủ trương điều chỉnh lại giá năng lượng theo hướng càng ngày càng mang tính chất thị trường hơn. Cụ thể, tạo ra một tương quan giá cả bảo đảm cán cân cung - cầu (tiêu thụ - sản xuất) về điện hợp lý hơn.

Tới nay, chúng ta có thể thấy trên thị trường năng lượng, thị trường xăng dầu thể hiện tính chất thị trường tương đối rõ, nhưng thị trường điện thì chưa. Lần này, Chính phủ cho phép EVN chỉnh giá bán điện trong khoảng từ 3-5% là để tăng thêm sự chủ động cho EVN, bảo đảm tính linh hoạt của thị trường. Tôi cho rằng, chủ trương này của Thủ tướng chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế tại nước ta hiện nay.

Để tránh gây sốc, trong trường hợp EVN điều chỉnh giá bán điện từ 5% trở lên cần phải xin phép. Quy định này cũng không có nghĩa cho phép EVN có thể tăng giá bất kỳ lúc nào.

Thứ nhất, việc này liên quan tới thời hạn. Thứ hai, EVN cũng phải giải trình, đưa ra những cơ sở bảo đảm tính hợp lý của điều chỉnh tăng giá điện. Nhiều khi, chúng ta nói rằng: “Ai chả muốn tăng gía điện vì giá điện thấp”. Nhưng tăng giá điện cũng phải bảo đảm nguồn cung.

Lâu nay cùng với giá xăng dầu thì giá điện có ảnh hưởng rất lớn tới toàn xã hội, trong khi mặt hàng điện đang  gần như độc quyền thì việc cho phép EVN được chủ động tăng giá trong biên độ này và không phải xin phép thì liệu có ảnh hưởng gì tới người tiêu dùng?

- Tăng giá điện tất nhiên sẽ gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Trước đây, mỗi lần điều chỉnh giá, EVN đều phải trình và được Chính phủ cho phép. Điều này làm mất tính linh hoạt trên thị trường, nhiều khi gây ra những tổn thất kinh tế.

Giờ đây, EVN đã được quyền điều chỉnh giá trong khoảng từ 3% tới tưới 5%. Nhưng điều này không có nghĩa EVN được quyền tùy tiện điều chỉnh tăng giá trong khoảng trên.

Chính phủ có quyền giám sát, thanh tra với hoạt động của EVN. Nếu muốn tăng giá điện, EVN sẽ phải giải trình, đồng thời chịu sự thanh tra từ phía Chính phủ. Không hề có chuyện Chính phủ dễ dãi, phó mặc hoạt động điều chỉnh giá điện cho EVN.

Cũng không có chuyện Chính phủ bỏ qua đối tượng thu nhập thấp. Chính phủ vẫn phải bảo đảm ổn định đời sống cho những người thu nhập thấp.

Nhưng tôi cho rằng, thị trường cần phải gia tăng hoạt động giám sát độc lập với vấn đề điều chỉnh giá điện. Từ đó, tăng tính minh bạch, công khai trong vấn đề này. Thêm vào đó, hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng phải có tiếng nói sát sao hơn với vấn đề này. Giá năng lượng không chỉ đơn thuần mang tính chất kinh tế, mà còn cả tính chất chính trị - xã hội.

Theo tôi, tới đây sẽ có định hướng để phân biệt giữa giá điện tiêu dùng và giá điện kinh doanh trên thị trường. Hiện nay, chúng ta vẫn khuyến khích cho hoạt động sản xuất nên giá điện cho đối tượng sản xuất kinh, doanh cũng được ưu đãi. Phải bắt đầu thay đổi để thị trường công bằng hơn, cơ chế khuyến khích cần được áp dụng theo quy luật thị trường.

Cơ chế mới như trên sẽ cho phép EVN quyền tác động tới yếu tố này. Điều này sẽ bảo đảm những cái tốt cho tiêu dùng điện năng.

Liệu việc trao cho EVN tự quyết về giá trong biên độ tới 5% liệu có quá lớn?

- Con số 5% được đưa ra sau khi tính toán tới khả năng dao động, những biến động, các yếu tố tác động tới giá điện. Con số tối đa là 5% nhưng không phải lúc nào cũng điều chỉnh tới 5%. Cơ chế mới rất mềm dẻo, cho phép điều chỉnh giá trong khoảng từ 3 – 5%, tức là nới quyền điều chỉnh giá cho EVN.

Dao động giá trong khoảng từ 3 – 5% sẽ tác động tới tăng trưởng, giá tiêu dùng, mức sinh hoạt như thế nào đều đã được tính tới. Thời hạn thực hiện điều chỉnh này được kéo dài tới 6 tháng thì EVN phải đảm bảo được các yếu tố kể trên chứ EVN không được quyền tùy tiện điều chỉnh giá trong biên độ này.

Việc điều chỉnh giá phải bảo đảm nguyên tắc hợp lý chứ không phải lần nào cũng điều chỉnh giá tối đa. Chính phủ đưa ra khoảng từ 3 – 5% là trao cho EVN sự linh hoạt để điều chỉnh theo diễn biến thị trường. Và dao động giá ở đây có thể là dao động xuống, dao động lên. Không nên nghĩ rằng giá điện chỉ tăng chứ không giảm.

Xưa nay, ta đã quen với việc giá điện khi đã tăng sẽ khó giảm. Nhưng khi giá điện đã chịu tác động từ thị trường rồi, thì giá điện có lên sẽ có xuống. Đặc biệt là khi chịu sự giám sát từ dư luận và truyền thông, việc điều chỉnh giá sẽ minh bạch, hợp lý hơn rất nhiều.

Chúng ta không nên nghĩ rằng họ che giấu thông tin

Cá nhân ông thấy quyết định này của Chính phủ đã có hợp lý?

- Theo tôi, đây là một bước tiến về mặt cơ chế theo hướng hướng tới thị trường, để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm nhiều hơn.

Thực tế, thị trường điện Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại. Với EVN, xã hội vẫn còn dư luận về tính công khai, minh bạch trong việc tăng giá điện. Cá nhân tôi cho rằng tính công khai, minh bạch của EVN đang ngày một tăng, chúng ta không nên nghĩ rằng họ che giấu thông tin.

Có một vấn đề là cấu trúc giá điện rất phức tạp. Nó phức tạp tới mức nhiều khi chúng ta chỉ đưa ra những con số chung chung, không chuẩn xác không thể hiện đúng bản chất. Ví dụ, trọng số của mỗi loại giá điện lại khác nhau, nó được tính theo giờ, theo mùa, theo loại hình… Quan trọng là bộ phận phụ trách giám sát, thanh tra phải mang tính chuyên nghiệp, đáng tin cậy. Tôi cho rằng công cụ giám sát hiện nay cho phép thực hiện công việc hiệu quả hơn.

Ngoài ra, khi tính thị trường ngày càng thể hiện rõ nét hơn sẽ giúp việc sản xuất, tiêu dùng điện năng trở nên hợp lý hơn. Đây là một bước tiến về mặt cơ chế. Nên có cách tiếp cận bảo đảm được sự giám sát xã hội để hiệu quả thực thi chính sách tốt hơn.

Để giá điện vận hành đảm bảo lợi ích của người dân, khách hàng sử dụng điện đồng thời đảm bảo chi phí cho hoạt động của EVN có hiệu quả, theo ông, cơ chế điều chỉnh mức giá bản lẻ điện hiện nay có bất cập gì không, cần điều chỉnh gì?

- Ở đây có hai yếu tố. Một là trong cơ chế giá điện hiện nay, vai trò độc quyền của EVN vẫn còn rất lớn. Chúng ta đã có những nỗ lực để tăng tính chất thị trường của thị trường điện.

Nhưng thị trường điện là thị trường mang tính chất đặc thù, không thể xóa bỏ vị thế độc quyền của EVN trong một thời gian ngắn. Song những điều kiện hiện nay cũng cho phép rút ngắn thời hạn để có một thị trường điện mang tính cạnh tranh.

Với thị trường tiêu dùng, ở Việt Nam, phân bố giàu nghèo không đều. Về vấn đề tiếp cận nguồn điện, Nhà nước đã yêu cầu bảo đảm cho những đối tượng thuộc nhóm nghèo trong xã hội một mức cung cấp điện năng tối thiểu với mức giá thấp để bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho họ.

Các đối tượng không thuộc nhóm nghèo mới áp dụng tính giá điện theo giá thị trường. Lâu nay, chúng ta vẫn tranh luận nên áp dụng mức giá điện theo giờ hay theo loại hình (giá điện sản xuất, giá điện hộ gia đình). Nhưng chúng ta đang nỗ lực để xóa bỏ những ranh giới này theo nguyên tắc bảo đảm sự công bằng. Đồng thời, chúng ta cũng không khuyến khích những đối tượng tranh thủ giá điện rẻ để sản xuất bằng công nghệ thấp.

Thời gian tới, ngoài việc cho phép EVN điều chỉnh tăng giá trong khoảng từ 3 – 5%, chúng ta còn phải làm những việc trên nữa. Đảm bảo vừa gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường điện, vừa giữ được những ràng buộc về điều tiết giá điện và tiêu dùng năng lượng hiệu quả.

Xin cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem