"Tử chiến"… siêu thị tiêu dùng nhanh

Minh Tú – Hoàng Bảy (Thế giới tiếp thị) Thứ năm, ngày 07/01/2016 11:15 AM (GMT+7)
Thị trường Việt Nam đang là chiến trường của ngành bán lẻ nhóm hàng tiêu dùng nhanh. Nhiều đại siêu thị, trung tâm thương mại sẽ xuất hiện.
Bình luận 0

img

Trung tâm thương mại Emart Gò Vấp thu hút khách hàng trong tuần khai trương. Ảnh: Minh Phúc.

Kẻ nhiều tiền chưa hẳn đã thắng trong cuộc chiến này nếu không có cách kinh doanh khôn ngoan.

Nằm ở vị trí trung tâm quận 4, toàn bộ mặt bằng của VinMart trước đây thuộc Vinatexmart, nay đã được VinMart thiết kế lại. Các quầy hàng được bố trí thành khu vực riêng biệt, ngăn nắp, rộng và thoáng, tạo cảm giác thoải mái cho khách mua sắm.

Cửa chính là khu vực hàng mỹ phẩm, bánh kẹo, thực phẩm khô. Bên trái là khu vực thực phẩm tươi sống, từ hàng rau củ quả, thực phẩm tươi, đến hàng đông lạnh… Bên phải dành cho thời trang. Hàng hoá ở VinMart quận 4 được chất đầy kệ, nhân viên VinMart với áo đồng phục màu đỏ có mặt ở khắp các gian hàng. Riêng chỉ có người mua là thưa thớt.

Vật đổi sao dời

Sáng 3.1, dù trong dịp nghỉ lễ tết dương lịch 2015, nhưng tại VinMart quận 4 chúng tôi đếm được… mười khách hàng. Minh, nhân viên tiếp thị một hãng dầu ăn có tiếng cho biết, ở đây ngày nghỉ, ngày lễ còn có khách vào mua, còn ngày thường vắng lắm.

Được công ty giao trách nhiệm “châm hàng” cho các siêu thị VinMart và VinMart+ khu vực quận 4, quận 7 và Nhà Bè, Minh nhận xét: “Đưa hàng lên từ đầu tuần, cuối tuần trở lại kiểm tra vẫn còn nguyên nhưng lúc nào cũng phải chất đầy kệ, cứ chưng như vậy hết ngày này đến ngày khác. Dầu ăn, bột ngọt, sữa, đường, mì tôm… là những thứ bán chạy nhất nhưng ở VinMart lại ế”.

VinMart Huỳnh Tấn Phát (quận 7) còn tệ hơn. Rảo hết gian hàng này tới gian hàng khác chỉ vài khách hàng. Hàng hoá chất cao ngồn ngộn, nằm im lìm như… đang giờ ngủ trưa. Vì vắng khách, nhân viên tiếp thị của một hãng sữa phụ ghi số xe cho khách. Cô nhân viên cười: “Vì siêu thị ế nên phụ ghi số xe cho đỡ buồn”.

Ế ẩm, vắng khách, bán không chạy… là những từ mà nhân viên tiếp thị của một hãng bột ngọt quen dùng khi nói về hệ thống siêu thị VinMart ở các quận vùng ven này.

Maximark vốn đã không đông khách, nhưng từ khi đổi chủ, lượng khách đã vơi khá nhiều. Tại Maximark Cộng Hoà (Tân Bình, TPHCM), vào buổi chiều của ngày cuối năm nhưng khách thưa thớt. Nhiều quầy đã trống hàng.

Một nhân viên tại đây cho biết, đang trong quá trình thiết kế lại vị trí quầy hàng, thanh toán công nợ nên nhiều nhà sản xuất đã rút hàng, chờ khi giải quyết xong sẽ trưng bày hàng trở lại?! Maximark 3.2 cũng trong tình cảnh như vậy.

Kể từ khi thông tin Big C sẽ bán lại hệ thống bán lẻ đang hoạt động tại Việt Nam, lượng khách cũng sụt giảm thấy rõ. Nhiều năm trước, vào dịp cuối năm, Big C Gò Vấp không có chỗ chen chân nhưng từ cuối năm ngoái cho đến đầu năm nay, đã không còn cảnh tượng trên. Khách thoải mái mua sắm trong rừng hàng hoá…

Một nhân viên có vẻ ngậm ngùi: “Năm nay sao mà vắng khách. Có lẽ khách hàng đổ xô về một đại siêu thị gần đây vừa khai trương. Xin anh đừng chụp hình”.

Đại siêu thị mà nhân viên Big C nhắc đến, đó là Emart nằm trên đường Phan Văn Trị (Gò Vấp) vừa khai trương vào những ngày cuối năm, 28.12.2015.

Theo ghi nhận của Thế Giới Tiếp Thị, từ khi hoạt động cho đến nay, đêm nào cũng chật ních khách. Khách đến mua sắm. Khách đến ăn uống và không ít khách đến dọ giá để tìm ra điểm có giá bán rẻ nhất.

Bà Hoài Anh (Bình Thạnh, TPHCM) nhận xét: “Hàng hoá chưa đa dạng như Co.opmart hoặc Big C nhưng mức giá trong thời gian khuyến mãi hấp dẫn, thu hút được nhiều khách hàng, nhất là khách hàng nội trợ”.

Theo bà Hoài Anh, so với những siêu thị khác, khoảng cách giữa các gian hàng của Emart rộng hơn nên thuận tiện cho việc mua sắm. Cũng theo vị khách hàng này, nhân viên ở đây thao tác chưa thành thạo nên khách hàng chờ đợi lâu hơn, thông tin khuyến mãi của các sản phẩm, gian hàng chưa có vị trí đẹp để khách hàng dễ thấy…

Cuộc chơi nguy hiểm

Năm 2015 đã đánh dấu một năm “trăm hoa đua nở” của hệ thống siêu thị ở Việt Nam. Dù là một quận ngoại thành của TPHCM nhưng Gò Vấp hiện đang bùng nổ siêu thị, trung tâm thương mại…

Con đường Phan Văn Trị (Gò Vấp, TPHCM), đoạn từ cầu Hang cho đến ngã tư Phan Văn Trị – Nguyễn Oanh, ước chừng 2km nhưng có đến ba đại siêu thị: Emart, cách đó vài chục bước chân là VinMart (nguyên là siêu thị Maximark nay được điều chỉnh lại theo thiết kế của VinMart, chuẩn bị khai trương) và cuối cùng là Co.opmart đã hoạt động trước đó bốn năm.

Song song với con đường Phan Văn Trị là Quang Trung xuất hiện ba đại siêu thị, đầu tiên là Big C, sau đó là Vincom và gần đó là Co.opmart. Lotte Mart trên đường Nguyễn Văn Lượng cũng đang được xây dựng.

Nổi đình đám nhất phải kể đến tập đoàn Vingroup. Với việc tự bỏ vốn mở siêu thị, đồng thời mua lại hàng loạt hệ thống siêu thị lớn khác như: Vinatexmart, Maximark…

Vingroup có tham vọng cân bằng ảnh hưởng với các đại gia bán lẻ trong và ngoài nước. Nhưng đó là chuyện chiến lược tương lai của Vingroup. Còn hiện nay, những gì mà Vingroup đã thể hiện, theo giới kinh doanh về bán lẻ, “rất xa với tham vọng đó, có thể họ sẽ sa lầy trong cuộc chơi bán lẻ vốn không chỉ cần có kinh nghiệm mà còn có cả say mê”

Tổng giám đốc tập đoàn Emart Lee Gab Soo cho biết, với vốn đầu tư 60 triệu USD, Emart Gò Vấp được thiết kế là một trung tâm thương mại với nhiều mô hình kinh doanh: bán lẻ (điện máy, điện gia dụng, thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm…), cho thuê mặt bằng kinh doanh các lĩnh vực: ẩm thực, càphê, phim…

Theo cam kết với các đối tác vào cuối tháng 3.2015 tại TPHCM, hiện 95% mặt hàng tại Emart là hàng Việt Nam, phần còn lại là các thương hiệu đến từ Hàn Quốc với nhóm sản phẩm gia vị, mì gói, nước chấm…

Theo quan sát của Thế Giới Tiếp Thị, với chính sách giá và không gian mua sắm, kể cả tâm lý chuộng “mới” của khách hàng, Emart sẽ thành công ở lĩnh vực bán lẻ, còn những dịch vụ khác… chắc sẽ không thể trụ được vì người dân Gò Vấp vốn là dân nghèo, công nhân, dân nhập cư. Nhưng Lee Gab Soo cam kết rằng, sau Emart Gò Vấp sẽ là Emart Tân Phú, Đà Nẵng, Hà Nội…

Trong những chuỗi siêu thị tiêu dùng nhanh, hệ thống Co.opmart đang được khách hàng nội trợ bình dân “tin dùng” vì không gian mua sắm thân thiện, tâm lý “quen”, dịch vụ chăm sóc khách hàng ngày càng hoàn thiện. Big C đang trên đà tụt dốc. Liên minh Aeon-Citimart vẫn đang ì ạch trong cuộc chơi…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem