"VAMC là củ sâm để TCTD ngậm từ nhà đến bệnh viện Bạch Mai"

Trần Giang Thứ tư, ngày 12/10/2016 19:00 PM (GMT+7)
TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia, nhấn mạnh xử lý nợ xấu tới lúc này không phải hô khẩu hiệu suông mà cần tiền thực, cần cả quan điểm và kỹ thuật thực.
Bình luận 0

Ông Phước hỏi: Không tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được không? Vì hôm nay chúng ta đang đặt ra chủ đề có trừng trị kẻ gây ra nợ xấu không? Đó là quan điểm tương đối phổ biến. Nếu nó còn tồn tại thì sẽ ảnh hưởng cách thức xử lý của ta.

Xử lý nợ xấu không phải vì mấy anh điều hành ngân hàng gây ra

Ông Phước cho rằng nếu còn quan điểm đó thì nền kinh tế phải gánh chịu. Lạm phát chỉ 0,5-0,6% mà lãi suất cho vay tới 5-6%, tỷ lệ sinh lợi trên tài sản hệ thống ngân hàng 5 năm trở lại đây giảm 3 lần từ 12% trên tài sản nay chỉ còn 4%. Chính điều đó làm lan tỏa chi phí vốn lên nền kinh tế. Đó là chi phí rất cao, thiệt hại lớn.

“Cho nên xử lý nợ xấu không phải vì anh điều hành ngân hàng gây ra. Xử lý nợ xấu trong giai đoạn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng 2016-2020 phải vì nền kinh tế chứ không phải vì vài ngân hàng. Chúng ta không thể xử lý nợ xấu bằng vài câu khẩu hiệu suông hay lấy tiền của người nghèo chia cho người giàu. Điều này rất nguy hiểm”, ông Phước bình luận.

imgTs. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia

Ông Phước cho rằng trong 5 năm vừa rồi chúng ta định tính nhiều quá và định lượng ít quá. Các hội thảo chúng ta bàn luận nhiều nhưng chương trình hành động thì chúng ta làm không đạt yêu cầu. Do đó hôm nay nói tới tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2015 – 2020, chúng ta ngiêng về chương trình hành động cụ thể.

Nếu không tát nhanh nước mưa từ trên trời vẫn rơi xuống

Ông Phước hỏi: Có ai biết 5 năm qua chúng ta đã dùng 12,4% GDP nguồn lực để tham gia quá trình xử lý nợ xấu không? Trong đó 15 tỷ USD xuất phát từ dự phòng rủi ro, thu nợ, cấn trừ nợ và 10 tỷ USD còn lại cho VAMC. Đó là nguồn lực tổng hợp, có thực nằm trên bảng cân đối.

“Tôi cho rằng cái này dù có muốn hay không cuộc đời vẫn có quy luật khắc nghiệt của nó buộc anh chấp nhận. Tất nhiên có cái triệt để, có cái nửa vời. Như VAMC là nửa vời. Đó là củ sâm để TCTD ngậm từ nhà đến “bệnh viện Bạch Mai”, chuyện đó chúng ta đều biết”, ông Phước phân tích.

Tuy nhiên vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, theo ông Phước, muốn thành công không thể đơn thương độc mã NHNN làm được.

“Giả sử tôi là Bộ trưởng Bộ tài nguyên môi trường, tôi chỉ phát biểu đề nghị các đồng chí làm đúng luật đất đai. Tôi là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tôi có thể cho các ngân hàng lấy tài sản và treo bảng để bán không?...

Ông Phước cho biết, Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia tính toán cần khoảng 25 tỷ USD để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

“Nhưng câu hỏi đầu tiên là tiền đâu? Phải có nguồn lực, cơ bản là các TCTD kích hoạt bằng nguồn lực bên ngoài”, ông Phước nhấn mạnh.

Ngoài ra, phải cần thêm nguồn lực khoảng chừng 8 – 10 tỷ USD để đưa hệ thống TCTD vào quỹ đạo. Nguồn lực này có nhưng phải tính toán cụ thể là lấy nguồn nào, NHNN hay ngân sách, tín dụng người dân hay các nhà đầu tư.

Theo tính toán, ở Việt Nam mỗi năm tỷ lệ nợ xấu phát sinh tự nhiên khoảng 1,25%. Cứ cho nền kinh tế thật tốt thì mỗi năm có khoảng 60.000 – 70.000 tỷ đồng nợ xấu phát sinh.

“Nếu không tát cái ao này thật nhanh thì nước mưa trên trời vẫn rơi xuống. Chẳng phải hồ ta đầy nước mà trời không mưa. Không phải nhà nước cho không nguồn lực mà cần các giải pháp kỹ thuật, tính toán cụ thể. Thời gian không cho phép chờ đợi nữa”, ông Phước bình luận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem