Vì sao dự án đất vàng ven Hồ Tây "tắc" 6 năm?

Thái Bình Thứ năm, ngày 06/04/2017 07:00 AM (GMT+7)
Xuất hiện từ những năm 2011, dự án "Công viên cây xanh và nhà điều hành, tổ chức sự kiện phục vụ vui chơi giải trí công cộng Tây Hồ” đến nay vẫn trong quá trình...khởi động. Lý do căn bản dẫn tới tình trạng khắc khoải 2ha đất vàng tại Quảng An, theo tìm hiểu, đến từ khâu đền bù GPMB.
Bình luận 0

Giằng co mức giá đền bù

Định vị tại tổ 8, phường Quảng An, quận Tây Hồ, khu đất dự án rộng chừng 1,8ha nằm liền kề khu biệt thự Tây Hồ. Theo một số người dân tại tổ 8 (có đất thuộc diện GPMB phục vụ dự án), tình trạng người dân nơi đây phải túc trực, ngăn cản lực lượng phường, quận đến đo đạc, kiểm đếm đất đai tại tổ 8 đã diễn ra nhiều ngày qua.

img

6 năm, dự án vẫn dậm chân ở công đoạn đền bù, GPMB

Chị T., một hộ dân thuộc tổ 8 phản ánh: Nguyên lai khu đất này là ao trũng, độ sâu chừng 3 mét. Nhờ người dân đổ đất, cải tạo trong nhiều năm mới được như ngày hôm nay. Ở đó, chúng tôi trồng trọt và canh tác để tự nuôi sống mình bấy lâu nay. Nhưng khi dự án về, lại chỉ áp mức đền bù 1,5 triệu/m2 thì khó chấp nhận được.

Được biết, khu đất 1,8 ha (56 hộ dân sinh sống) đã có quyết định thu hồi của cơ quan chức năng và giao cho Công ty CP Đầu tư Thương mại Hà Nội Xanh để thực hiện dự án "công viên cây xanh và nhà điều hành, tổ chức sự kiện phục vụ vui chơi giải trí công cộng Tây Hồ”.

Năm 2011, dự án bắt đầu nhúc nhích bằng Thông báo 415/TB-UBND của UBND quận Tây Hồ về việc thu hồi khu đất. Tuy nhiên, do mức đền bù GPMB đất quá thấp nên các hộ dân liên quan đã không đồng ý – khiến việc triển khai dự án bị "tắc" ngay từ khâu đầu tiên.

Tới 13.3.2017, UBND quận Tây Hồ ra Quyết định số 657/QĐ-CTUBND về việc kiểm đếm (tài sản trên khu đất) bắt buộc đối với 56 hộ dân. 2 ngày sau, đơn thư của người dân cho biết, UBND phường Quảng An ban hành Quyết định 50/QĐ-CTUBND (TTrXD) về việc phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng của người dân tại khu đất 1,8 ha nói trên (đáng nói, đây đều là các lều bạt người dân dựng để trông coi cây cối).

Ngày 17.3, lực lượng cưỡng chế tiến hành tháo dỡ các công trình tạm, lều bạt trên khu đất. Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ dân, lực lượng cưỡng chế còn phá cả cây trồng, hoa màu, bất chấp phản đối của các chủ sở hữu.

img

Trong đêm 18/3, toàn bộ số cây cối (đã bị phá dỡ, đốn hạ) đã bị cháy sạch bởi một trận hỏa hoạn giữa đêm mưa (?).

Từ thời điểm này, người dân sở tại túc trực bên khu đất, cương quyết không cho lực lượng chức năng đo đạc, kiểm đếm với quan điểm rằng: "Nếu để đo diện tích, kiểm đếm xong thì chỉ còn nước nhận tiền, chấp nhận mức đền bù đó".

Dưới 2 triệu đồng/m2: Rẻ như đất ven Hồ Tây?

Toàn bộ khu đất 1,8 ha vốn là vùng ao trũng từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước được HTX nông nghiệp Quảng An giao cho xã viên canh tác. Trải nhiều năm san lấp, cải tạo, bồi đắp, khu ao sâu đã trở thành bằng phẳng và được sử dụng làm đất trồng quất cảnh. Loại cây trồng kinh tế này là nguồn thu nhập thường xuyên và duy nhất của 56 hộ gia đình (trung bình đạt 350 – 400 triệu đồng/sào/năm). Vì vậy, việc thu hồi phần diện tích này sẽ gây khiến người dân không còn kế sinh nhai, mất nguồn thu nhập duy trì cuộc sống.

Đơn thư của tập thể các hộ dân kiến nghị, khi thực hiện thu hồi đất, các cơ quan Nhà nước cần xem xét thực trạng đất, công sức đầu tư của người dân và cả tác động từ việc mất đất để đưa ra chính sách bồi thường phù hợp.

Hiện tại, đơn giá bồi thường được Thành phố tính theo công thức: 1m2 = tiền đơn giá 252.000 đồng + tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề (5 x 252.000 đồng) + tiền hỗ trợ ổn định đời sống (30 kg gạo x 4.500 đồng x số người x số tháng) + tiền thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng (3.000 đồng/m2). Tổng cộng hơn 1,5 triệu đồng/m2. Theo các hộ dân, đây là mức đền bù quá ...rẻ mạt (!)

Theo bảng giá đất của TP, 252.000 đồng/m2 là mức giá kịch trần của đất nông nghiệp tại các phường. Tuy nhiên, các hộ dân cho rằng, khu đất của họ phải được hưởng mức hỗ trợ 30% giá đất ở trung bình vị trí 3 tại khu vực (Quận Tây Hồ và Sở TN&MT đều thống nhất mức hỗ trợ này).

Bởi khu đất này có địa thế đẹp nằm cuối đường Đặng Thai Mai, xen kẹt giữa khu đấu giá 1,3 ha (đất ở) và mặt đường dạo kè hồ Tây; hai phía còn lại giáp trục chính vào khu vực Ban Tài chính Quản trị Trung ương và đường vào Phủ Tây Hồ.

Vì thế, đây cần được xem là khu đất vàng của Hà Nội (vị trí 1) nên không thể “đánh đồng” với các thửa khác tại các phường quận khác. Thậm chí, người dân cho rằng khu đất 1,8 ha này có thể ngang hàng với các diện tích đất ở vị trí 1 trong bảng giá đất hàng năm của UBND thành phố.

img

Người dân cho rằng, khu đất của họ phải được hưởng mức hỗ trợ 30% giá đất ở trung bình vị trí 3 tại khu vực

Đáng chú ý, tại các văn bản 935/UBND-BBT ngày 5.8.2016 gửi Ban chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội và văn bản 1181/UBND-BBT ngày 20.9.2016 gửi Sở TN&MT, UBND quận Tây Hồ cũng đã dựa vào khoản 5, Điều 23 Quyết định 23/2014/QĐ-UBND để đề nghị TP phê duyệt hỗ trợ khác cho 56 hộ dân. Cụ thể: hộ dân liên quan được hỗ trợ 30% giá đất ở trung bình vị trí 3 của khu vực (khoảng 5 triệu đồng/m2). Đồng thời, đây cũng là kiến nghị của Sở TN&MT gửi lên UBND thành phố. Tuy nhiên, UBND thành phố đã "bác" đề xuất này với lý do dự án chưa có phương án bồi thường hỗ trợ nào được phê duyệt trước 1.7.2014.

Ngược lại, theo người dân, từ tháng 8.2013, UBND quận Tây Hồ đã ban hành phương án tổng thể về việc bồi thường hỗ trợ và tái định cư đồng thời ra Quyết định hành chính 2597/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án này. Do đó, lập luận của Thành phố là chưa chính xác (?)

Dân Việt sẽ tiếp tục phản ánh tới bạn đọc về những tình tiết ẩn khuất phía sau dự án cây xanh do Công ty Hà Nội Xanh làm chủ đầu tư nhiều năm qua.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem