Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO: Nền kinh tế dễ tổn thương!

Thứ năm, ngày 04/04/2013 10:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Sau 5 năm gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho thấy rõ một thực tế Việt Nam là nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất”.
Bình luận 0

Đây là nhận định tại hội thảo công bố báo cáo đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội VN sau 5 năm gia nhập WTO, do Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội ngày 3.4.

Tăng trưởng ngày càng thụt lùi...

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan băn khoăn: “Phải chăng chúng ta chưa tận dụng được các cơ hội, nên sau 5 năm gia nhập WTO, tiêu cực lại nhiều đến thế?!”. Bà Lan dẫn chứng: Nhiều chính sách của Việt Nam (VN) đưa ra thiếu cơ bản, không có đánh giá tác động tới đời sống người dân nên chỉ “chạy theo” hoặc “đã đâm lao thì phải theo lao"”mãi.

Năm 2009-2010, VN đã đưa ra gói kích thích kinh tế tới 8 tỷ USD, gây quá nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Nợ xấu, đổ vỡ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã xảy ra từ số tiền kích cầu dễ dãi này. “Đưa ra gói hỗ trợ kinh tế này đã không đúng với thực tế chính sách hội nhập của VN”- bà Lan nói.

img
Sản xuất linh kiện xe máy ở một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Cũng về gói hỗ trợ kích thích kinh tế 8 tỷ USD này, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư Võ Trí Thành thừa nhận: Bài học của hội nhập 5 năm qua là “nhiều tiền quá cũng không tốt”, bởi trong thời điểm khó khăn, tiền hỗ trợ đã gây “mờ mắt, chủ quan, không tính đến các bất ổn”. VN đã bỏ ra 8 tỷ USD để đổi lấy 1% tăng trưởng trong thời kỳ khó khăn ấy là cái giá quá đắt, chưa kể đến các rủi ro trong những năm tiếp theo.

Bà Phạm Lan Hương - nguyên quyền Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM cũng cho biết, 5 năm qua, hội nhập đã khiến tăng trưởng của VN ngày càng thụt lùi (trung bình chỉ 6,5%/năm, trong khi từ năm 2007 trở về trước là 7,8%/năm). Nguyên nhân do khủng hoảng tràn vào kinh tế VN nhanh hơn. Mở cửa thương mại lớn nên khi các nước khủng hoảng, giảm nhập khẩu, VN đã bị ảnh hưởng nặng nề. “Tích cực đã tác động ít hơn tiêu cực, làm tăng trưởng của VN giảm đi” - bà Hương đúc kết.

“Bôi sơn hàng Trung Quốc”

“Xuất khẩu (XK) được coi là lợi thế của VN khi hội nhập, giúp VN tham gia sâu hơn vào thương mại toàn cầu nhưng 5 năm qua, XK hàng hóa của VN vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu trung gian, phần lớn là hàng Trung Quốc để sản xuất ra được sản phẩm XK cuối cùng” - ông Nguyễn Anh Dương - Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM phân tích. Ông ví von: “Chúng ta đang bôi sơn lên hàng Trung Quốc để thành hàng VN rồi XK”!

Sau khi hội nhập WTO, vốn FDI đổ vào VN đạt đến đỉnh điểm nhưng lúc đó, VN lại thiếu kinh nghiệm, chính sách để xử lý dẫn tới các cuộc "thoái trào" của các nhà đầu tư nước ngoài. Những năm ngay sau đó, các lúng túng trong chính sách tài khóa và tiền tệ đã dẫn đến các bất ổn vĩ mô; nền kinh tế nhiều phen chao đảo.

Đứng ở góc độ phân tích sâu hơn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng chỉ ra rằng, vào WTO đã không làm tăng XK của VN bao nhiêu, trước kia tăng 20% thì sau khi gia nhập WTO, vẫn chỉ xoay quanh con số này. “Hệ quả là do một thời gian dài, đầu tư đã dồn hết cho DNNN, tập đoàn kinh tế mà không mang lại giá trị XK, chỉ làm gia tăng nhập khẩu, cuối cùng chúng ta không có ngành và DN XK mạnh mà chỉ làm gia công. Các chuyên gia nói vui, công nghệ sản xuất hàng XK của chúng ta chỉ là “công nghệ đạp máy khâu (ngành dệt may), nối mối hàn (ngành đóng tàu XK)” mà thôi.

Và thực tiễn là xuất nhập khẩu gần đây đã rơi vào tay các DN FDI (trên 60% XK hiện do DN FDI thực hiện), trong khi các DN trong nước thụt lùi. “Nếu không có chiến lược cải thiện, một ngày đẹp trời, các DN FDI chuyển hướng đầu tư sang nước khác thì XK của ta gay go”-bà Chi Lan cảnh báo.

Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện CIEM: Sớm ổn định vĩ mô

Năm 2015, VN sẽ tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, lúc đó hội nhập sẽ không chỉ là việc cắt giảm thuế, tự do hóa thương mại, tăng đầu tư mà còn đòi hỏi VN mở cửa cả về thể chế, tiêu chuẩn, môi trường, lao động... Trong khi đó, hiện rủi ro vĩ mô của VN vẫn còn lớn, giữ lạm phát năm nay 6% không đơn giản do sức ép giá cả, cung tiền tệ, tín dụng không ra được (3 tháng tín dụng chỉ tăng 3,5%, trong khi năm 2012 tăng 22%). Việc quan trọng lúc này là phải ổn định kinh tế vĩ mô, để có điều kiện hạ lãi suất, giảm nợ xấu.

Ông Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế: Xem lại chính sách hỗ trợ, bảo hộ

Suốt 5 năm hội nhập, nông nghiệp đã tự thân phát triển mà không nhận được nhiều sự hỗ trợ và đã trở thành “điểm đỡ” cho nền kinh tế trong thời điểm VN khó khăn, các chính sách an sinh xã hội chưa được hoàn thiện tốt. Nông nghiệp được bảo hộ kém nhưng đã tự cạnh tranh vươn lên rất quyềt liệt và có sức lan tỏa lớn với nền kinh tế hội nhập, ngược lại những ngành có lợi thế, được bảo hộ lớn lại kém phát triển và sức lan tỏa yếu với nền kinh tế. Rõ ràng, bài học về bảo hộ và hỗ trợ khi hội nhập cần phải được xem lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem