Vụ đại gia thuỷ sản ôm 80 tỷ biệt tăm: "Nông dân tự đi đòi nợ"

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 15/02/2017 18:53 PM (GMT+7)
Tại buổi làm việc giữa các bên có liên quan đến Dự án “Thí điểm chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra trên địa bàn tỉnh An Giang” được tổ chức tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang vào ngày hôm nay (15.2), người dân nuôi cá tra và phía ngân hàng cho vay đã bất đồng quan điểm.
Bình luận 0

Tại buổi làm việc, ông Phạm Sơn – Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh An Giang cho rằng, trong Dự án “Thí điểm chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra” trên, nông dân không phải vay tín dụng như những trường hợp vay đầu tư nông nghiệp bình thường mà là vay theo chuỗi liên kết.

img

Trụ sở Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Thuận An

Vì vậy, khi xảy ra sự cố (Lãnh đạo Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Thuận An Tafishco ôm 80 tỷ đồng tiền cá của 9 hộ dân trong dự án lặn mất tăm), các bên phải chia sẻ rủi ro với nhau.

Theo ông Sơn, nếu hộ dân nào vay tiền ngân hàng ít nhưng bán nhiều cá cho công ty thì không còn nợ nữa. Nếu hộ dân nào vay nhiều mà bán cá ít, tất nhiên sẽ còn nợ và phải có trách nhiệm trả cho ngân hàng.

Trước ý kiến trên, các hộ dân nuôi cá rất phấn khởi, cho rằng đây là cách giải quyết thỏa đáng và mong muốn cách này sớm được triển khai để bà con an tâm, tiếp tục đầu tư sản xuất cho vụ nuôi mới.

img

Vùng nuôi dự án thí điểm chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra trên địa bàn tỉnh An Giang

Tuy nhiên, theo người dân nuôi cá có tham gia buổi làm việc trên, phía ngân hàng cho vay không đồng tình và yêu cầu nông dân phải trả đủ tiền mua thức ăn đã vay trước đó thay vì đòi phía công ty.

“Phía ngân hàng đòi nông dân trả nợ vay, rồi người dân tự đi đòi công ty trả tiền cá. Nhưng lãnh đạo công ty này đã không còn trong nước nhiều tháng rồi. Vậy chúng tôi tìm ai để đòi?” - ông Nguyễn Văn Nghiệp – một trong những hộ nuôi cá tra trong dự án bức xúc hỏi.

Như Dân Việt đã thông tin, từ năm 2014, dự án thí điểm chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra trên địa bàn tỉnh An Giang được triển khai. Dự án này có sự tham gia giữa 3 bên gồm: Tafishco, các hộ dân nuôi cá tra và ngân hàng cho vay.

Trong đó, người nuôi cá tra được vay vốn từ ngân hàng nhưng không nhận tiền trực tiếp mà chỉ nhận thức ăn nuôi cá được phía ngân hàng trả tiền thay. Đến khi thu hoạch, người dân phải bán cho Tafishco, sau đó Tafishco sẽ thanh toán tiền cho người nuôi sau khi trừ đi khoản tiền mua thức ăn mà các hộ dân đã nhận trong vụ nuôi trước đó

Liên quan đến buổi làm việc trên, ông Phạm Sơn – Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh An Giang thông tin với phóng viên Dân Việt: Chúng tôi muốn tìm hiểu thông tin cụ thể nhất từ người dân và ngân hàng nên mới tổ chức buổi làm việc trong ngày hôm nay.

“Về cách xử lý, chúng tôi chưa chính thức đưa ra nhưng về mặt lý và cũng theo quy định trước đó, khi người dân bán cá cho công ty coi như là đã trả nợ vay xong. Phía ngân hàng nói chưa trả nợ là không phải, vì trước đây, sau khi mua cá, doanh nghiệp trực tiếp thanh toán tiền với ngân hàng chứ người dân không thanh toán” – ông Sơn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem