“Xáo trộn” vì Covid-19, DN Bình Định gần 1.300 người, giảm còn 112 người!

Dũ Tuấn Thứ năm, ngày 19/03/2020 20:45 PM (GMT+7)
Hàng loạt doanh nghiệp ở tỉnh Bình Định đang lâm cảnh khốn đốn, thậm chí đứng trước nguy cơ dừng hoạt động, phải “kêu cứu” chính quyền… do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Bình luận 0

Chiều 19/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chủ trì cuộc họp bàn cách giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, của doanh nghiệp trên địa bàn.

Không dám đến nhà máy vì sợ bị cách ly

Theo Giám đốc Sở Công thương Bình Định Ngô Văn Tổng, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Đối với ngành chế biến gỗ, giữa tháng 2/2020 đến nay, khách hàng nước ngoài không dám đến nhà máy vì sợ bị cách ly và lo ngại dịch bệnh.

Các nhà máy phải tự kiểm hàng và chịu trách nhiệm về hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng lây lan dịch bệnh đang bùng phát ở các nước Đức, Anh, Pháp, Ý, Hoa Kỳ… đã gây ảnh hưởng đến khả năng nhận hàng và tiêu thụ đồ gỗ tại các thị trường lớn này.

Thậm chí, một số đơn hàng cũ năm 2019 doanh nghiệp làm xong nhưng khách hàng đề nghị tạm dừng giao hàng theo đơn hàng đã ký và cũng chậm thanh toán tiền hàng, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lượng hàng tồn kho lớn chưa xuất được.  

img

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chủ trì cuộc họp bàn cách giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, của doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ngoài ra, thị trường tiềm năng là Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch đã hoãn Hội chợ lớn nhất ngành đá là Hội chợ Hạ Môn vào đầu tháng 3/2020, điều này khiến các doanh nghiệp ngành đá không thể tìm đơn hàng cũng như khách hàng mới, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Ngô Văn Tổng, trong khi đó với đặc thù ngành dệt may - da giày, hầu hết nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc (chiếm trên 90%), nhưng do ảnh hưởng của dịch, các doanh nghiệp đều thiếu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất do nhà máy đối tác nguyên liệu Trung Quốc chưa hoạt động trở lại và không thể thay thế nguyên phụ liệu từ thị trường khác.

Dự kiến, cuối tháng 4/2020 các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu ngành may tại Bình Định không còn nguyên liệu dự trữ để sản xuất và nguy cơ phải tạm dừng hoạt động sản xuất.

img

Giám đốc Sở Công thương Bình Định Ngô Văn Tổng nêu khó khăn của doanh nghiệp. Ảnh: Dũ Tuấn.

Doanh nghiệp cần gì lúc này?

Là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, buộc phải “cầu cứu” chính quyền tỉnh Bình Định, Công ty CP Giày Bình Định cho biết, hiện nay số lao động tạm nghỉ việc tại đây lên đến 1.160/1.272 lao động, phải tạm ngưng sản xuất ít nhất 5 tháng kể từ tháng 2/2020, nhiều nhất là 12 tháng.

Công ty CP May Phù Cát cho rằng, trong lúc khó khăn này, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc dãn nợ thuế, bảo hiểm xã hội và giảm lãi suất cho vay, dãn trả nợ vay ngân hàng.

img

Trước khó khăn của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng trực tiếp đến tìm hiểu tại Công ty CP Giày Bình Định. Ảnh: Thùy Trang.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định Lê Minh Thiện đề nghị Chính phủ, Ngân hàng nhà nước xem xét đưa ngành chế biến gỗ và lâm sản vào nhóm các ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp từ dịch Covid-19. Vì đây là ngành định hướng xuất khẩu, có độ mở lớn, thặng dư thương mại rất lớn và giá trị kim ngạch thu về trên 11 tỷ USD từ hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ trong năm 2019, trong bối cảnh 5 thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc đều là điểm nóng bùng phát dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định mong muốn ngân hàng thương mại xem xét áp dụng các gói tín dụng ưu đãi. Bộ Tài chính, UBND tỉnh Bình Định xem xét miễn giảm và gia hạn nộp thế, tiền thuê đất, phí lệ phí cho các doanh nghiệp ngành gỗ. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam xem xét tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp ngành gỗ đến hết tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp.   

"Cùng đồng hành, nghĩ cách vượt qua"!

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nhận định, các ngành sản xuất chế biến của tỉnh này đều đang lâm cảnh khó khăn. Vì vậy, ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu tất cả ban ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt, cùng suy nghĩ tìm mọi cách tháo gỡ vướng mắc, giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua lúc khốn khó.

“UBND tỉnh sẽ thành lập Tổ làm việc, hướng dẫn cụ thể để các ngân hàng vào cuộc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện gói vay hỗ trợ của Chính phủ, ngân hàng không thực hiện phải bị gọi tên rõ ràng, báo cáo Thủ tướng. Tôi đề nghị ngân hàng nhà nước vào cuộc quyết liệt, không hướng dẫn chung chung. Bây giờ, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa và đang kêu cứu, nếu không tạo điều kiện thì cả đống nợ, đây là họ đang khó khăn cần giúp đỡ thực sự”, ông Hồ Quốc Dũng nói.

img

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Dũ Tuấn.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định cũng giao nhiệm vụ cho Cục Thuế tỉnh này, thành lập đoàn liên ngành làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, rà soát và tính toán phương án hướng dẫn tháo gỡ vấn đề liên quan đến tiền thuê đất.

Sở LĐ&TBXH tỉnh này cũng phải vào cuộc, giải quyết ngay trợ cấp thất nghiệp khi có hồ sơ đề nghị, tạo điều kiện giúp người lao động có tiền trong lúc khó khăn. Sở Tài chính làm việc ngay với Cảng Quy Nhơn, đề nghị giảm bớt các khoản phí, thể hiện thiện chí đồng hành cùng doanh nghiệp lúc khốn khó.

“Tỉnh không khuyến khích đưa khách du lịch về Bình Định lúc này vì gặp rủi ro rất cao. Tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp tập trung chống dịch, tuyên truyền quản lý người lao động đừng để trong công ty, xí nghiệp xảy ra ca dịch bệnh nào. Lúc này, doanh nghiệp phải coi việc an toàn cho người lao động là trên hết.

Với thẩm quyền của tỉnh, chúng tôi cam kết bằng mọi cách hỗ trợ hết mình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, những gì vượt thẩm quyền tỉnh sẽ báo cáo xin ý kiến Trung ương. Lúc này, phải cùng nhau đồng hành cầm cự trước khó khăn, đến tầm tháng 6/2020 chúng ta mới vượt qua được, sau đại dịch mong rằng kinh tế sẽ bước sang giai đoạn phát triển mới”, ông Hồ Quốc Dũng kỳ vọng.

   

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem