XKLĐ: Nhiều doanh nghiệp thu phí vượt khung

Thứ bảy, ngày 06/04/2013 08:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 5.4, bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã có buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Bình luận 0

Nhiều vấn đề thắc mắc của người dân liên quan đến lĩnh vực việc làm, đào tạo dạy nghề, đặc biệt là công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ)…đã được Bộ trưởng giải đáp.

Lao động Nghệ An bị tẩy chay?

Nhiều câu hỏi nóng về lĩnh vực xuất khẩu lao động đã được chuyển tới nữ Bộ trưởng. Chị Trần Thị Hạnh cùng một số lao động tại Nghệ An gửi câu hỏi thẳng thắn tới Bộ trưởng: Tại sao một số công ty XKLĐ sang Nhật Bản lại không nhận người Nghệ An?

img
 Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH

Cụ thể, chị Hạnh cho biết mình đã tham gia phỏng vấn tại hai nơi nhưng đều không nhận lao động Nghệ An. “Nếu thế, trước khi thi tuyển phải thông báo cho lao động biết, đằng này bọn em vẫn tham gia thi tuyển và được phía công ty báo về chờ kết quả. Mấy ngày sau, họ gọi điện thông báo không nhận lao động Nghệ An”.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin trên bởi theo bà được biết, đến thời điểm này các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tiếp nhận lao động Việt Nam từ bất kỳ vùng miền nào. Về trường hợp chị Hạnh nêu, Bộ trưởng cho rằng có lẽ đây chỉ là cá biệt. “Tôi sẽ giao Cục Quản lý lao động ngoài nước nắm thêm tình hình để làm rõ thông tin này” - bà Chuyền nói.

Trước thông tin phản ánh nhiều trường hợp tại Nghệ An bị lừa XKLĐ đi Angola, người đi được thì bị chủ lao động đánh đập, người chưa đi được thì mất trắng hàng chục triệu đồng phí môi giới, người đứng đầu Bộ LĐTBXH bày tỏ sự chia sẻ với người lao động. Bà Chuyền khẳng định: Đến thời điểm này, Việt Nam chưa có thỏa thuận lao động với Angola. Vì vậy, để hạn chế tình trạng bị lừa đảo, người lao động phải tìm hiểu kỹ thị trường đã hợp tác hay chưa, tổ chức đưa người lao động đi có hợp pháp hay không.

img
Người lao động làm thủ tục để đi XKLĐ tại sân bay Nội Bài.

“Các bạn nên liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước, kể cả về thị trường và phương thức đưa lao động đi. Bởi nếu bạn ra nước ngoài lao động mà không qua tổ chức hợp pháp thì sẽ gặp khó khăn trong việc được bảo vệ quyền lợi hợp pháp tại nước sở tại” - bà Chuyền khuyên.

Ngoài ra, đối với những người lao động ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, thì có thể đến phòng LĐTBXH tại địa phương để hỏi thông tin.

Loạn phí xuất khẩu lao động

Liên quan tới phí XKLĐ, tình trạng doanh nghiệp thu vượt phí so với quy định cũng được Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận. Bộ trưởng cho biết, tại mỗi thị trường XKLĐ, Bộ đều đã quy định mức phí cụ thể. Khoản phí này là để giúp chuẩn bị cho người lao động như học ngoại ngữ, kiến thức cần thiết khi sang nước ngoài làm việc, vé máy bay, bảo hiểm xã hội trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

“Vừa qua, ở chỗ này, chỗ kia có hiện tượng doanh nghiệp thu phí vượt khung, chúng tôi đã cho kiểm tra và rút giấy phép một số trường hợp” - bà Chuyền cho biết.

Trước đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, khó và nên thận trọng. Khi nâng tuổi nghỉ hưu, phải nghĩ tới thế hệ trẻ. Là cơ quan được Chính phủ giao thực hiện Nghị định hướng dẫn tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐTBXH đang mở rộng thông tin xin ý kiến hai chiều. “Có ý kiến cho rằng những người có kinh nghiệm, nhất là nữ nên kéo dài thời gian nghỉ hưu để phát huy năng lực và cũng là thực hiện bình đẳng giới. Nhưng theo luồng ý kiến khác, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu thì nghĩ gì đến thế hệ trẻ, những người được đào tạo cơ bản mà hiện nay không có việc làm?” - nữ Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Cũng về vấn đề này, ông Lê Văn Thanh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, giải thích thêm: Trong các văn bản quy định về phí môi giới XKLĐ hiện nay có quy định mức phí tối đa. Ví dụ như đi Đài Loan tối đa là 4.000 USD. Nếu doanh nghiệp nào thu vượt mức này sẽ bị xử phạt, thậm chí bị đình chỉ giấy phép. “Người lao động có thể thông báo cho Cục Lao động ngoài nước để xử lý các trường hợp thu vượt khung quy định” - ông Thanh nói.

Chính sách hỗ trợ cho người lao động vay vốn để đi XKLĐ cũng được nêu ra trong cuộc đối thoại. Độc giả Nguyễn Văn Hưng, trú tại thị trấn Và, Bắc Ninh hỏi: Năm nay tôi muốn làm hồ sơ đi XKLĐ, vậy có được hỗ trợ trong vấn đề học ngoại ngữ miễn phí cũng như nâng cao tay nghề miễn phí trước khi đi được không?

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, đối tượng được ưu đãi phải thuộc 62 huyện nghèo, ngoài ra nếu thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách thì cũng được vay từ các tổ chức tín dụng để đi XKLĐ với mức vay bằng 70% mức vay cơ bản. Người đi học ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghề được vay tối đa không quá 3 triệu đồng, và đối tượng chính sách thì được vay bằng 70% mức đó.

Về chỉ tiêu đưa 100.000 lao động ra nước ngoài trong năm 2013, Bộ trưởng nhận định: “Tới thời điểm này cũng đã thấy những tín hiệu tích cực như triển vọng đưa lao động là y tá, hộ lý sang Nhật Bản, Đức, hay một số thị trường Trung Đông. Nếu tình hình ổn định trở lại thì chúng ta có thể tiếp tục đưa lao động sang…Với thị trường Hàn Quốc, thực hiện thỏa ước lao động với chúng ta với việc tiếp nhận 15.000 lao động trong năm 2013 thì mục tiêu trên không phải là khó”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem