Kỳ họp bất thường của Quốc hội: Quy mô Chương trình phục hồi kinh tế Chính phủ đề xuất “khủng” cỡ nào?

Huyền Anh Thứ ba, ngày 04/01/2022 09:44 AM (GMT+7)
Chương trình phục hồi kinh tế gồm hỗ trợ tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10.000 tỷ đồng và một số khoản khác. Chương trình này được áp dụng chủ yếu trong 2 năm 2022-2023.
Bình luận 0

Sáng nay (4/1), Quốc hội khai mạc kỳ họp bất thường, xem xét, quyết định 4 vấn đề cấp bách, trong đó có chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chi tiết gói chính sách tài khoá, tiền tệ qua đề xuất của Chính phủ tại kỳ họp bất thường

Theo dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ dự kiến quy mô của chương trình hỗ trợ thực hiện trong năm 2022-2023 tương ứng với từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Một là mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đầu tư nâng cao năng lực y tế (60.000 tỷ đồng).

Hai là bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53.150 tỷ đồng).

Ba là hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110.000 tỷ đồng).

Bốn là phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113.850 tỷ đồng).

Năm là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài NSNN khoảng 10.000 tỷ đồng.

Kỳ họp bất thường của Quốc hội: Quy mô Chương trình phục hồi kinh tế Chính phủ đề xuất “khủng” cỡ nào? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Quốc hội)

Về chính sách tài khóa, Chính phủ dự kiến tổng quy mô tài khóa là 291.000 nghìn tỷ đồng, gồm: Quy mô tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ NSNN là 240.000 tỷ đồng.

Trong số 240.000 tỷ đồng này, bao gồm: Miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí phải nộp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với quy mô 64.000 tỷ đồng (chưa tính đến tác động tích cực của Chương trình đến khả năng tăng thu NSNN); Chi trực tiếp từ NSNN là 176.000 tỷ đồng, chỉ sử dụng để chi đầu tư phát triển; Bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2021 khoảng 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; Tăng thêm 38.400 tỷ đồng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện 06 chính sách.

Về tiền tệ, Chính phủ khẳng định, sẽ điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, từ đó góp phần duy trì môi trường đầu tư kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp và người dân, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Đồng thời, điều hành đồng bộ các công cụ lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong 02 năm. Trường hợp rủi ro lạm phát tăng cao có sự điều chỉnh linh hoạt.

Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; điều tiết thanh khoản phù hợp để tạo điều kiện để tổ chức tín dụng đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất từ Chương trình.

Điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để việc huy động qua phát hành trái phiếu chính phủ không làm ảnh hưởng lớn đến mặt bằng lãi suất thị trường, tiết kiệm chi phí phát hành trái phiếu chính phủ cho NSNN.

Sử dụng khoảng 46.000 tỷ đồng từ nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch. Theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ để sẵn sàng bán can thiệp khi thị trường và tỷ giá có biến động để bình ổn tâm lý thị trường trong trường hợp Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ ngoại tệ trong nước.

Tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động. Cân đối giải pháp về tiền tệ hỗ trợ Chương trình với tổng thể phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Ngoài các chính sách trên, một số chính sách khác được Chính phủ báo cáo Quốc hội. Đó là sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để phát triển hạ tầng viễn thông, internet, thực hiện Chương trình "Sóng và máy tính cho em" (kinh phí thực hiện: 5.000 tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện Chương trình "Sóng và máy tính cho em" là 1.000 tỷ đồng).

Sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh... Kinh phí khoảng 5.000 tỷ đồng.

Kỳ họp bất thường của Quốc hội: Quy mô Chương trình phục hồi kinh tế Chính phủ đề xuất “khủng” cỡ nào? - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp bất thường của Quốc hội. (Ảnh chụp màn hình)

Giải pháp huy động nguồn lực

Để bảo đảm bù đắp được số bội chi NSNN tăng thêm từ Chương trình, phương án huy động nguồn lực được đề cập tại tờ trình như sau:

Một là, sử dụng tối đa, hiệu quả các nguồn lực trong kế hoạch trung hạn; tiết kiệm, tiết giảm tối đa các khoản chi, điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi. Phấn đấu tăng thu với một phần nguồn thu tăng thêm nhờ tác động tích cực của Chương trình, triệt để tiết kiệm chi NSNN; đẩy mạnh lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, triển khai hóa đơn điện tử, tận dụng các dư địa tăng thu NSNN; thu hồi các khoản kinh phí chi thường xuyên chậm phân bổ, chậm triển khai.

Theo đánh giá của Chính phủ, trong trường hợp không thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ, giả định tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 6,0%, năm 2023 đạt 6,5% và năm 2024-2025 tăng trưởng trở lại bình thường thì bình quân tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 ước đạt 5,4%/năm. Như vậy tăng trưởng kinh tế 05 năm sẽ không đạt mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Hai là, sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp để huy động thêm nguồn lực thực hiện Chương trình; đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước; rà soát lại các quỹ tài chính ngoài NSNN, năng lực đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để có kế hoạch huy động, sử dụng phù hợp.

Cụ thể: Phát hành trái phiếu Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ và đảm bảo các cân đối lớn. Ưu tiên phát hành trái phiếu chính phủ trong nước bằng nội tệ, trường hợp cần thiết có thể phát hành bằng ngoại tệ, vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ ngân sách. Sau khi đã triển khai các phương án huy động nêu trên, trường hợp vẫn chưa đáp ứng đủ nguồn lực từ NSNN hỗ trợ thực hiện Chương trình thì cho phép huy động các nguồn hợp pháp khác theo quy định, trong đó có thể vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính-NSNN hằng năm hoặc các nguồn khác theo quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem