Lần đầu tiên Hậu Giang sẽ tổ chức lễ hội khóm Cầu Đúc, những sản phẩm OCOP nào từ khóm sẽ được quảng bá?

Hồng Cẩm - Anh Lam Thứ năm, ngày 13/07/2023 21:12 PM (GMT+7)
Hiện Hậu Giang có 9 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được chế biến từ khóm (dứa, thơm) Cầu Đúc. Tháng 7 này, lần đầu tiên Hậu Giang sẽ tổ chức lễ hội khóm Cầu Đúc nhằm kết nối tiêu thụ và giới thiệu, quảng bá hình ảnh khóm Cầu Đúc của Hậu Giang đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Bình luận 0

Khóm Cầu Đúc- Trái quê đặc sản Hậu Giang

Theo nhiều người dân, khóm Cầu Đúc xuất hiện trên vùng đất phèn mặn xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cách đây trên trăm năm. Cây khóm nơi đây đã trải qua nhiều thăng trầm do đất bạc màu, dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh… Nhờ có những bàn tay khéo léo, cần cù siêng năng, sáng tạo của những người nông dân, nhiều năm vẫn duy trì chăm sóc kết hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phèn mặn đặc trưng của vùng, đã tạo nên một loại trái cây đặc sản với hương vị ngọt thanh, đặc trưng của Hậu Giang.

Lần đầu tiên Hậu Giang sẽ tổ chức lễ hội khóm Cầu Đúc, những sản phẩm OCOP nào từ khóm sẽ được quảng bá? - Ảnh 1.

Cánh đồng khóm Cầu Đúc ở xã Hoả Tiến, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. H.C

Khóm Cầu Đúc đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước và là niềm tự hào của người dân địa phương. Trái khóm giờ không chỉ bán tươi mà còn thay áo mới thành những sản phẩm mới, độc đáo, sáng tạo góp phần đưa vị ngọt quê nhà vươn xa, đến với người tiêu dùng khắp mọi miền. Đến thời điểm này có thể khẳng định trái khóm Cầu Đúc đã góp phần làm đổi thay, nâng cao đời sống bà con vùng đất khó này.

Ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, qua thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện diện tích khóm của tỉnh khoảng 3.000ha, trồng tập trung nhiều tại TP.Vị Thanh và huyện Long Mỹ, với giống chủ lực là khóm Queen và được tỉnh chọn thương hiệu là "khóm Cầu Đúc Hậu Giang". Diện tích trồng khóm tập trung chủ yếu tại TP.Vị Thanh, với diện tích đang có khoảng 2.800ha. Hiện TP.Vị Thanh đã thành lập được 3 hợp tác xã là Thạnh Thắng, Thạnh Tiến và Thạnh Xuân hoạt động trong lĩnh vực trồng, kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ khóm… Ngoài ra, thành phố còn có các điểm du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc.

Theo anh Nguyễn Minh Toàn (45 tuổi, xã Hoả Tiến) chia sẻ: Ưu điểm của khó Cầu Đúc là ít xơ, vị ngọt thanh. Nét riêng của khóm Cầu Đúc so với các giống khóm khác là cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, hốc mắt hơi sâu. Trọng lượng trung bình từ 1,5 - 2kg/trái. Thời gian qua giá khóm loại 1 (từ 1kg trở lên) ở mức từ 10.000 – 13.000 đồng/trái. Với 1ha khóm, mỗi năm sau khi trừ hết chi phí người trồng bỏ túi trên 100 triệu đồng.

Lần đầu tiên Hậu Giang sẽ tổ chức lễ hội khóm Cầu Đúc, những sản phẩm OCOP nào từ khóm sẽ được quảng bá? - Ảnh 2.

Thu hoạch khóm Cầu Đúc. H.C

Ông Vu Suổi (50 tuổi) - Giám đốc Hợp tác xã Thạnh Thắng ở xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh, cho biết, hiện hợp tác xã có 39 thành viên với tổng diện tích khóm trên 110ha, đạt tiêu chuẩn VietGAP, đang nâng cấp lên tiêu chuẩn tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là đơn vị đạt danh hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang, hiện có đầu ra ổn định. "Từ đầu năm đến nay giá phân bón tăng cao nên lợi nhuận của nông dân trồng khóm giảm so với mọi năm. Trung bình mỗi công khóm bón hết ba bao phân NPK với chi phí 4,5 triệu đồng, trong khi giá khóm cũng chưa thực sự tốt nhất, hiện vào khoảng 7.000 đồng/trái loại một. Tuy vậy với giá này, người trồng vẫn lời khoảng 50%" – ông Suổi cho hay.

Sẽ có lễ hội quảng bá khóm Cầu Đúc

Khóm là một trong loại nông sản chủ lực của tỉnh theo chương trình phát triển nông nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng khóm 3.500ha, sản lượng 45.000 tấn/năm.

Hiện "Khóm Cầu Đúc Hậu Giang" đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa và được Sở Khoa học Công nghệ, Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang đầu tư nguồn giống, vốn để xây dựng các mô hình sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất khóm Cầu Đúc theo tiêu chuẩn VietGAP.

Lần đầu tiên Hậu Giang sẽ tổ chức lễ hội khóm Cầu Đúc, những sản phẩm OCOP nào từ khóm sẽ được quảng bá? - Ảnh 3.

Khóm Cầu Đúc Hậu Giang đã có 9 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. H.C

Theo Văn phòng Điều phối các chương trình MTQG tỉnh Hậu Giang, đến nay khóm Cầu Đúc Hậu Giang có 9 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, gồm: rượu khóm, 2 sản phẩm nước màu khóm, 2 sản phẩm mứt khóm, dưa chua củ hủ khóm, siro khóm, siro khóm củ dền và siro khóm củ gừng.

Dự kiến trong tháng 7/2023, tỉnh Hậu Giang sẽ tổ chức lễ hội khóm Cầu Đúc với chủ đề "Khóm Cầu Đúc - Hành trình mới, vươn tầm xa", nhằm kết nối tiêu thụ và giới thiệu, quảng bá hình ảnh khóm Cầu Đúc của tỉnh đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Theo ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang, việc tổ chức lễ hội khóm Cầu Đúc để đẩy mạnh quảng bá mặt hàng nông sản này là việc làm cần thiết. Đơn vị đã làm việc với các ngành liên quan, cũng như địa phương vùng khóm tính toán những công việc cần thiết để lễ hội khóm Cầu Đúc diễn ra thành công tốt đẹp.

Theo Văn phòng Điều phối các chương trình MTQG tỉnh Hậu Giang, đến nay khóm Cầu Đúc Hậu Giang có 9 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, gồm: rượu khóm, 2 sản phẩm nước màu khóm, 2 sản phẩm mứt khóm, dưa chua củ hủ khóm, siro khóm, siro khóm củ dền và siro khóm củ gừng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem