Làng đúc đồng Ngũ Xã “đỏ lửa” chuẩn bị đón Tết

Thứ năm, ngày 08/01/2015 14:24 PM (GMT+7)
Làng đúc đồng Ngũ Xã được ví là một trong tứ trụ của tinh hoa làng nghề Thăng Long xưa: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, đúc đồng Ngũ Xã”. Trải qua những thăng trầm của thời gian, làng xưa nay chỉ còn 2 hộ gia đình “sống chết” với nghề. May mắn thay, nhờ cái tâm và cái tài của những nghệ nhân, đúc đồng Ngũ Xã duy trì và phát triển được cái hồn tinh túy. Càng về cuối năm, đúc đồng Ngũ Xã ngày càng đỏ lửa... 
Bình luận 0
Ít nhưng chất…

Làng đúc đồng Ngũ Xã nằm bên hồ Trúc Bạch xưa giờ đã lên phố. Đất chật, phố hẹp nên xưởng sản xuất của 2 gia đình còn “sót lại” của nghề là nghệ nhân Ngô Thị Đan và nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng di chuyển ra khu vực khác. Chỉ có phòng trưng bày các sản phẩm thì còn ở làng cũ.

Những ngày cuối năm, xưởng đúc đồng Ngũ Xã của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng ở Hồng Hà, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội ngày càng tấp nập. Với 30 thợ lành nghề bao gồm cả nam lẫn nữ, xưởng có sự chuyên môn hóa ở mỗi công đoạn như làm tượng,  làm khuôn, nấu đồng  hay hoàn thiện sản phẩm. Tiếng máy mài, tiếng cọ đồng vang lên trong không khí khẩn trương cho những sản phẩm đặt hàng cuối năm.
img
Xưởng đúc đồng Ngũ Xã của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng.
Nhanh nhạy với thời cuộc nên những vật phẩm của đúc đồng Ngũ Xã không chỉ là tượng Phật, chuông đồng, thạp trống đồng, đồ thờ truyền thống phục vụ cho nhu cầu trong nước mà còn nhiều sản phẩm được nước ngoài ưa chuộng ….

Càng về cuối năm, những đồ thờ cúng tâm linh như lư đồng mắt cua, bình hoa, bát hương, đôi hạc, thạp đồng càng chạy hàng. Nhiều người đến đây mua không chỉ phục vụ cho gia đình mà còn làm quà Tết độc và quý. Song, để có sản phẩm ưng ý và phù hợp, hầu hết khách khách phải đặt trước đó nhiều tuần mới có vì hàng làm ra tới đâu hết tới đó.

Nhiều người nghe danh đồng Ngũ Xã nên dù ở có xa mấy cũng liền tìm về tận xưởng  để có thể mua được đúng sản phẩm nơi đây. Sau khi nhìn tận mắt, chạm tận tay thì họ không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên trước sự tinh xảo, bóng bẩy của những sản phẩm nghề đồng danh bất hư truyền nơi đây. Tất cả là nhờ bàn tay tài hoa của người thợ lành nghề.
img
Sản phẩm đúc đồng tinh xảo Ngũ Xã.
Ở tuổi 60, ông Nguyễn Văn Ứng được biết đến như một nghệ nhân đạt đến trình độ cao của nghề đúc đồng. Có thể thấy rõ điều đó qua nhiều sản phẩm được trưng bày và những giấy khen, bằng khen Nhà Nước đã trao tặng cho ông.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng cho biết, những năm gần đây đời sống ngày càng cao hơn, nhu cầu sử dụng và “chơi “ đồ đúc đồng tăng mạnh nhờ đó xưởng làm không hết việc. Những tác phẩm đúc tinh xảo như tượng cỡ lớn, chuông, đồ thờ… của gia đình ông luôn được ưa chuộng. Nhiều khách quốc tế đến từ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Trung Quốc… tới thăm quan và đặt mua các sản phẩm đúc đồng mà họ yêu thích.Song, tạo doanh thu nhiều nhất cho ông là các “đại gia” mua về nhà chơi hoặc để tặng nhau.
img
Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng (Người được nhận giải thưởng bàn tay vàng năm 1999 của Hội Mỹ thuật Việt Nam) bên những sản phẩm đúc đồng hoàn hảo.
Ông Ứng không giấu nổi niềm tự hào khi kể về những biểu tượng minh chứng cho tinh hoa và sự hưng thịnh của làng nghề đúc đồng Ngũ Xã. Đó là tượng đồng Huyền Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh tượng cao khoảng 3,9m nặng khoảng 4 tấn. Cùng với đó là pho tượng Phật Adiđà cao 3,95m, chu vi tượng 11,6m, nặng hơn 10 tấn toạ trên một đài sen bằng đồng có 96 cánh ở chùa Thần Quang nằm ngay tại làng Ngũ Xã. Tất cả những sản phẩm đúc đồng Ngũ Xã càng để càng có giá trị và trường tồn mãi theo thời gian.

Trong bộ quần áo bộ đội giản dị, ông Ứng tâm sự, đúc đồng là sản phẩm của một tập thể. Không có người thợ giỏi ở tất cả các khâu thì không thể có sản phẩm đẹp. Yêu cầu trước hết của người thợ là sự kiên trì, cẩn thận, tỉ mỉ và kinh nghiệm trên từng công đoạn. Qua hàng trăm năm, khi các ngành nghề khác thay đổi chóng mặt vì sự phát triển của khoa học và công nghệ thì đúc đồng truyền thống cơ bản vẫn như buổi sơ khai, hầu hết làm thủ công. Có 4 công đoạn để tạo thành một sản phẩm đúc đồng hoàn chỉnh, đó là tạo mẫu, làm khuôn, nấu và rót đồng và hoàn thiện tác phẩm. Mỗi khuôn dù làm rất kỳ công nhưng chỉ dành cho một sản phẩm. Chỉ có công đoạn mài đồng là sử dụng những chiếc máy mài.

Đúc đồng Ngũ Xã trải qua nhiều thăng trầm. Từ sau khi giải phóng miền Bắc tới khi xóa bỏ chế độ bao cấp, đồng Ngũ Xã mới được “tháo cũi sổ lồng” rồi cứ thế “ầm ầm” phát triển. Đời sống con người càng khấm khá thì nhu cầu tâm linh và các vật phẩm đồng lại gia tăng nhanh chóng nên đồng Ngũ Xã vì thế mà được sống lại. Song, chỉ có một số ít gia đình như ông Ứng và chị dâu của ông -  bà Đan mới sống chết để giữ lấy tổ nghiệp. Một phần vì làng đã lên phố, nhiều gia đình giàu lên vì cho thuê đất hoặc kinh doanh…phở cuốn hơn là nghề đồng vất vả.

Hiện nay, 2 người con trai và 1 người cháu của nghệ nhân Ứng đã kế tục nghề, có thể làm tất cả các khâu. Còn gia đình bà Đan thì tất cả những người con của bà cũng làm nghề và có xưởng ở bên huyện Gia Lâm.
img
Những đồ thờ cúng càng về Tết càng được nhiều người đặt hàng.

Tạo  điều kiện cho việc khôi phục phát triển nghề đúc đồng Ngũ Xã, UBND TP.Hà Nộiđã dành tặng cho gia đình ông ngôi nhà 178, phố Trấn Vũ để ông Ứng có thể làm nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm đúc đồng Ngũ Xã cho các khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu về một nét tinh hoa truyền thống độc đáo của Việt Nam và thế giới.

Trăn trở với nghề…

Làng nghề còn duy trì được những tinh túy của cha ông là thế nhưng ông Ứng cũng không giấu nổi nỗi lo. Đó là vấn đề truyền nghề, ông bảo: “Đào tạo mãi mới được ngần ấy thợ đó, không phải đơn giản”.

Nhiều người tới đây học nhưng không phải mấy ai cũng trụ vững được. Ông khẳng định có lứa ông đào tạo, 10 người thì chỉ còn 2 người trụ vững và phát triển với nghề. Bởi lẽ đây là một nghề khó lại vất vả, yêu cầu người thợ cần có sự yêu thích, đam mê đầu tiên. Sau đó là sự chăm chỉ cần cù sáng tạo không ngừng, sự khéo léo cũng như con mắt nghệ thuật của người làm nghề. Khi làm việc cần thoải mái và toàn tâm toàn ý vào “đứa con” của mình.
img
Những người thợ trong xưởng đúc đồng Ngũ Xã miệt mài bên những tác phẩm của mình.
Khi làm những đồ thờ cúng tâm linh, không chỉ khéo mà còn cần có cái tâm nâng niu, trân trọng nó, khi làm không được văng tục chửi bậy khiếm nhã...Trải qua qua từ  5- 6 môn người thợ mới có thể làm được một sản phẩm từ đầu chí cuối nên ít người có thể hoàn hảo được ở tất cả các khâu.

Gia đình ông Ứng hết sức tạo điều kiện cho những ai có niềm đam mê với nghề đúc, vừa làm vừa học lại được trả lương. Ông Ứng vui vẻ nói “nghề này lâu giàu, lại khó, nên vừa dạy lại vừa phải dỗ ”.

Song, cũng có rất nhiều bí quyết trong nghề mà theo quy định trong họ tộc không truyền cho người ngoài.Ví như, việc chú trọng đắp khuôn bằng vật liệu đặc biệt kết hợp với nấu đồng và rót đồng nóng chảy vào khuôn. Đây là 2 kỹ thuật chính tạo ra tiếng chuông kêu trong, vang ngân. Nhiều làng nghề khác, do không giỏi ngón nghề này nên khi đúc ra chuông bị “câm” đánh không kêu vang. Ông Ứng cũng đã từng phải mời một vị khách nước ngoài ra khỏi xưởng do vị khách đến thăm xưởng để học lỏm kỹ thuật và vật liệu đúc khuôn của ông…
Ông tổ nghề đúc đồng

Theo tương truyền Minh Không Thiền Sư, tên thật là Nguyễn Chí Thành. Ngài là một bậc đạo sư thông tuệ Phật Pháp, một danh y nổi tiếng mà Thiền sư được các làng nghề đúc đồng suy tôn là ông tổ của nghề đúc đồng. Bởi ông chính là người đã sang Trung Quốc gặp triều đình nhà Tống quyên giáo đồng để đúc “An Nam tứ đại khí”. Đó là: tượng Phật Quỳnh Lâm, tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh.
 
Truyền thuyết kể lại rằng khi ông đúc chuông đồng cho ngôi chùa ở Hồ Tây, xong đem ra đánh thì tiếng chuông ngân xa khắp mọi miền. Trâu vàng trong kho của nhà Tống bên Trung Quốc tưởng tiếng trâu mẹ lồng chạy sang Hồ Tây tìm. Sợ hai nước xảy ra chiến tranh, nhà sư bèn đẩy quả chuông xuống hồ khiến cho trâu vàng tìm mẹ không thấy lồng lộn làm sụt cả bờ hồ, sau đó tưởng mẹ ở dưới nước nên nó cũng nhảy xuống theo. Sự tích trâu vàng Hồ Tây đã cho thấy kỹ nghệ đúc đồng thời Lý đã đạt trình độ cao trong việc chiết suất, pha chế đồng tạo ra các linh vật để trấn yểm những vùng đất linh thiêng của Thăng Long và quốc gia Đại Việt.
(Theo Ngày nay)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem