“Lấp ao vì cá rô đầu vuông” do chính quyền thiếu kiên quyết

Thứ năm, ngày 16/02/2012 09:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều người cho rằng, do chính quyền địa phương thiếu kiên quyết trong quản lý, quy hoạch nên việc phát triển quá “nóng” dẫn đến tình trạng cá rô đầu vuông liên tục rớt giá.
Bình luận 0

Xã đi năn nỉ...

Ngày 14.2, trao đổi với PV NTNN, ông Huỳnh Thanh Bình - nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang)cho biết: “Thời điểm cuối năm 2010 đầu năm 2011, khi tôi còn làm Chủ tịch UBND xã, phong trào nuôi CRĐV phát triển rất nóng. Trong xã, diện tích nuôi từ vài ha đã tăng lên 30 - 40ha. Thậm chí, nhiều nông dân chấp nhận đào ao khi lúa đang trổ đòng vì lợi nhuận rất hấp dẫn (lợi nhuận nuôi CRĐV lúc đó cao hơn từ 10 - 20 lần so với trồng lúa).

img
Con cá rô đầu vuông từng giúp nông dân thu nhập tiền tỷ, giờ đã khiến họ “ôm nợ”.

Thời điểm ấy, chính quyền địa phương phải nhờ đến các cấp, các ngành và đã ra sức ngăn cản, thậm chí “năn nỉ” nhưng dân vẫn không nghe…”. Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia cũng nhận định: “Quy hoạch vùng nuôi CRĐV chưa được các cấp, các ngành xử lý kiên quyết, triệt để nên phát triển tràn lan”.

Ông Nguyễn Minh Đức - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Hậu Giang (Sở NNPTNT Hậu Giang) cho biết: “Giống CRĐV thoái hóa nhanh do nhiều người bất chấp lợi nhuận cho sản xuất cá giống cận huyết dẫn đến mức đề kháng kém. Đây là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hao hụt lớn, nhiều nông dân thua lỗ”.

Cũng theo ông Đức, việc nuôi CRĐV ngày càng khó khăn hơn trước. Ngành nông nghiệp cần quản lý chặt chẽ chất lượng con giống để giảm thiệt hại cho nông dân, đồng thời tiến hành làm thủ tục để xây dựng thương hiệu CRĐV Hậu Giang. Thực tế, giống cá này có nhiều ưu điểm vượt trội so với giống cá rô thường như: Lớn nhanh, cá có trọng lượng lớn, thịt ngon… Muốn phát triển bền vững thì cần quy hoạch vùng nuôi một cách hợp lý. Phát triển phải gắn với nhu cầu thị trường để tránh cảnh “dội chợ, rớt giá”…

Quy hoạch vùng nuôi

Chính vì nuôi thông qua quy nên hậu quả đã cho thấy những nông dân được mệnh danh là “vua” nuôi CRĐV ở xã Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) cũng phải bỏ nghề vì quy luật nghiệt ngã của thị trường.

"Có thể dùng các biện pháp mạnh tay để tránh xảy ra tình trạng thả nuôi CRĐV tràn lan."

Ông Nguyễn Văn Khải ở ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây là người đầu tiên nuôi CRĐV cho biết: “Rất nhiều nông dân nuôi CRĐV đã phải bỏ nghề. Trước đây, 1kg CRĐV (loại 10 con/kg) có giá 35 - 45 nghìn đồng, giá thức ăn 260 nghìn đồng/bao (1 bao 35kg) thì nay giá chỉ còn 22 nghìn đồng/kg trong khi giá thức ăn đã tăng lên 340 nghìn đồng/bao. Giá bán cá thấp hơn giá thành dẫn đến nông dân thua lỗ”. Theo ông Khải, cá rớt giá là do chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp không quản lý chặt dẫn đến việc thả nuôi tràn lan, khiến cung cao hơn cầu. Nhiều vùng không có điều kiện thích hợp cũng ào ạt thả nuôi. Nhiều người thả nuôi thì dẫn đến “dội chợ, rớt giá” là đương nhiên. Gia đình ông Khải từ chỗ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi CRĐV giờ đã bỏ nghề chuyển qua nuôi cá sặt rằn, gà, rắn…

Ông Đặng Ngọc Giao – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hậu Giang cho hay, ngành nông nghiệp đang tiến hành quy hoạch lại vùng nuôi CRĐV. Chỉ những nơi có điều kiện thuận lợi mới phát triển nghề nuôi, đồng thời gắn với nhu cầu thị trường để tránh “dội chợ, rớt giá” như hiện nay. Bên cạnh đó, Sở sẽ có chuyên gia hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật để giúp nông dân hạ giá thành nuôi, giúp nghề nuôi ổn định và bền vững hơn. Những vùng không phù hợp với quy hoạch về nguồn nước, thổ nhưỡng thì kiên quyết không cho thả nuôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem