Liệu nuôi hàu bằng fibro xi măng có khả năng gây ung thư?

Khải Huyền Thứ sáu, ngày 30/03/2018 09:35 AM (GMT+7)
Nhiều người dân ở các vùng ven biển như Long Sơn (Vũng Tàu) hay Cần Giờ (TP.HCM) bắt đầu mùa nuôi hàu mới, bằng cách thả tấm lợp xi măng xuống biển. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng lo lắng mức độ an toàn của hàu nuôi bằng tấm lợp fibro xi măng.
Bình luận 0

Đầu tháng ba là mùa hàu biển bắt đầu sinh sản, ngư dân các vùng ven biển phía Nam như Long Sơn (Vũng Tàu), Cần Giờ (TP.HCM) bắt đầu thả những tấm lợp làm bằng xi măng xuống biển để nuôi hàu.

Theo thống kê của UBND xã Long Sơn, hiện nay trên toàn xã có hơn 550 hộ nuôi hàu, với khoảng 90ha, trong đó có đến 80% người dân đang sử dụng tấm fibro xi măng để làm giá thể nuôi hàu.

Ước tính, mỗi vụ có khoảng gần 300.000 tấm fibro xi măng được thả xuống biển. Trong đó, hầu hết các tấm lợp sau khi sử dụng được thải loại trực tiếp ra sông và các bến bãi nơi phân loại hàu thương phẩm.

img

Việc nuôi hàu hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn giống tự nhiên.

Đặc biệt, các tấm lợp này có chứa amiăng, là chất mà vào năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định là nguyên nhân gây ung thư nghề nghiệp, ước tính gây ra một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. 

Trao đổi với Dân Việt, bác sỹTrần Văn Ký - phụ trách chuyên môn Hội khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, cho biết, nuôi hàu bằng tấm lợp có amiăng là phương pháp nuôi không tự nhiên, không đảm bảo an toàn cho cả môi trường và sức khỏe người sử dụng.

Cụ thể, các sản phẩm tấm lợp xi măng này là sản phẩm công nghiệp, nên chắc chắn sẽ có những chất không an toàn trong môi trường nuôi hàu, cũng không được khuyến cáo sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

img

Trong khi sản phẩm hàu tự nhiên rất bổ dưỡng thì hàu nuôi bám vào các tấm lợp xi măng bị cho rằng có nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng.

Theo BS Ký, trong tấm lợp fibrocement có thành phần asbestos (còn gọi là amiăng, thạch miên), là 1 chất được Viện nghiên cứu ung thư Quốc tế (IARC) cảnh báo có thể gây ung thư.

Amiăng có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường hô hấp, đường tiêu hoá do nguồn nước bị ô nhiễm và gây nên một số bệnh ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, vôi hoá bàn phổi...

Thời gian ủ bệnh sau khi tiếp xúc với chất asbestos thường kéo dài từ 20 - 30 năm, do đó, người tiêu dùng thường khó nhận biết khi tiếp xúc với các sản phẩm này ở thời gian đầu.

Trước tình hình này, Chi cục Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề xuất cơ quan chức năng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nhân tạo giống hàu cửa sông nhằm cung cấp nguồn giống ổn định cho người nuôi thay vì phụ thuộc vào nguồn giống hàu tự nhiên như hiện nay.

Đồng thời, khuyến khích các đề tài, dự án nghiên cứu thử nghiệm, ứng dụng các loại vật liệu nuôi mới, thân thiện với môi trường nhằm từng bước thay thế các loại vật liệu như hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem