Lời kêu cứu từ vụ khủng bố 11/9

Thiên Lương Thứ bảy, ngày 11/09/2021 15:08 PM (GMT+7)
20 năm từ vụ khủng bố 11/9, con người vẫn không hiểu nổi nhau. Cảnh tượng 2 tòa tháp sụp đổ có lẽ cũng không thế so sánh với Covid-19, khi gần như toàn bộ loài người bị giam trong chính căn phòng của mình, với số nạn nhân lên đến hàng triệu người, nhiều nền kinh tế tê liệt, thậm chí bị đẩy lùi nhiều năm.
Bình luận 0

Vậy mà đã 20 năm trôi qua từ cái ngày 11/9 lịch sử ấy. Còn nhớ hôm đó tôi vừa đi học về thì cô bạn gọi điện đến, giọng thảng thốt, bảo bật TV lên đi. Hồi đó nhà còn dùng ăng ten chảo, bắt sóng vệ tinh. Mở TV lên thấy một cảnh tượng kinh hoàng hơn cả phim Hollywood: một chiếc máy bay đâm vào những tầng trên cao của một trong hai tòa tháp Trung tâm thương mại thế giới (WTC) ở New York, ngọt như dao cắm vào bơ.

Không lâu sau, chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp còn lại.

Không thể tin được rằng đó không phải là một cảnh phim. Nếu nó có thể tin được thì chỉ vì một lý do là nó không thể tin được. Không một bộ óc đạo diễn nào có thể hình dung ra được một thảm họa như vậy. 

TV chiếu đi chiếu lại cảnh đó đến khi cả hai cao ốc sụp đổ, tạo ra một cơn bão khói bụi gạch đá sắt thép khủng khiếp và làm bàng hoàng hàng tỷ người trên trái đất.  

Sau này mới phát hiện ra rằng đó là 2 chiếc máy bay thương mại cỡ lớn, với hàng trăm khách và phi hành đoàn, và cùng lúc đó còn có 2 chiếc máy bay khác cũng bị không tặc, một chiếc đâm vào Lầu Năm Góc, chiếc còn lại rơi xuống đất. Tuy nhiên, những cảnh kia không đủ ấn tượng như cảnh hai tòa tháp WTC sụp đổ, nên chúng ít phổ biến bằng.

Rồi thị trường chứng khoán toàn cầu bốc cháy, cả thế giới phát điên. Tất cả các kênh truyền hình liên tục quay đi quay lại cảnh tượng hai cao ốc WTC sụp đổ. Dường như người ta không còn biết nghĩ đến gì khác nữa. Sự tàn bạo, sự căm thù, sự đối lập, sự uất hận, sự dũng cảm… đã hiện hình trực tiếp trước mắt hàng tỷ người. Có thể lịch sử loài người từng có những giây phút bi thảm hơn, nhưng chưa bao giờ loài người được chứng kiến tận mắt như thế, nhờ công nghệ truyền hình kỹ thuật cao.

Báo chí khắp nơi đưa vô số thuyết âm mưu về những diễn biến có thể xảy ra sau này của chiến dịch khủng bố này. May thay, tuyệt đại đa số các thuyết âm mưu đó đều sai.

Lời kêu cứu từ vụ khủng bố 11/9 - Ảnh 2.

Khói lửa bốc lên từ toà tháp đôi WTC sau vụ khủng bố 11/9/2001. Ảnh: AP.

Tôi đã nghĩ thế giới sẽ không bao giờ còn như cũ nữa.

Và đúng là thế giới đã khác đi biết bao, nhưng không chỉ do vụ khủng bố đó, mà còn do sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự hồi phục của Nga.

20 năm trôi qua từ dạo ấy, Trung Quốc đã từ một nước có GDP 4,054 tỷ đô la vươn lên trở thành một siêu cường có GDP 24,142 tỷ đô la, đứng thứ nhất thế giới. Còn Mỹ thì từ một siêu cường có GDP 10,581 tỷ đô la, gấp 2.5 lần TQ, mà đến năm 2020 chỉ lên được đến con số 20,932 tỷ đô la, kém Trung Quốc khoảng 15%. 

Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến đẫm máu ở Afghanistan, và buộc phải rút quân sau 20 năm thất bại trong việc tìm cách áp đặt hệ giá trị của mình lên một trong những dân tộc bất khuất nhất thế giới.

Nước Mỹ vẫn thế thôi, và mọi sự trên đời vẫn thế. Chúng ta vẫn không hiểu nổi nhau, vẫn căm thù nhau, vẫn muốn người khác sống theo ý mình, vẫn không chấp nhận sự khác biệt, từ niềm tin tôn giáo đến màu áo sơ mi.

20 năm trôi qua mà con người chẳng học được gì. Virus corona đặt cả thế giới vào hiểm họa chung, không phân biệt sắc áo màu da, nhưng thế giới vẫn chia năm xẻ bảy, vẫn không thể đoàn kết bên nhau trong một cuộc chiến mà tất cả đều có một kẻ thù chung. Phương Đông và phương Tây, da trắng và da vàng, tiếng Anh và tiếng Hoa, Pfizer và Sinopharm,… vô tình hay cố tình, dường như con người cứ đẩy nhau vào tình thế phải chọn bên.

Trong khi lẽ ra nếu hiểu được nhau, nếu chấp nhận sự đa dạng văn hóa và tư tưởng, chấp nhận sự khác biệt và dung hòa điểm tốt xấu của nhau, nếu ngộ ra được rằng "Mà trong lẽ phải có người có ta" thì mọi chuyện chắc chắn đã không tồi tệ đến mức thế này.

Những cảnh tượng kinh hoàng của 2 tòa tháp sụp đổ có lẽ cũng không thế so sánh với cảnh gần như toàn bộ loài người bị giam trong chính căn phòng của mình, với số nạn nhân lên đến hàng triệu người, nhiều nền kinh tế tê liệt, thậm chí bị đẩy lùi nhiều năm.

Không biết có trùng hợp hay không, nhưng 911 cũng là số điện thoại khẩn cấp của Mỹ. Một lời cảnh báo và kêu cứu đã được đưa ra với toàn nhân loại, và 20 năm sau, nó vẫn còn nguyên giá trị. Con người học được rất ít từ các sai lầm của mình, và rất mau quên.

Cũng không thừa nếu hôm nay bạn xem lại bộ phim nổi tiếng Fahrenheit 9/11. Dù có đồng tình hay phản đối giả thuyết của đạo diễn, nó cũng được làm rất chuyên nghiệp, sẽ cho bạn vài giờ vui vẻ hơn và buồn chán hơn trong một ngày đáng để ngồi xuống ngẫm nghĩ về thế giới điên loạn này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem