Lũ kỷ lục ở Gia Lai, người dân vẫn ung dung chủ quan

Đăng Nhật Thứ sáu, ngày 16/12/2016 18:53 PM (GMT+7)
Mưa lớn diễn ra trong nhiều ngày cùng với việc thủy điện An Khê - Kanak xả lũ kỉ lục đã khiến cho nước sông Ba dâng cao, hàng ngàn người dân tại các huyện Đông Nam Gia Lai phải chạy lụt.
Bình luận 0

Lũ đến chân người dân vẫn ung dung

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Luỹ, Giám đốc nhà máy thuỷ điện An Khê - Kanak cho biết hiện lượng mưa trên lưu vực sông Ba quá lớn vượt mức kỷ lục nhiều năm trước. Theo đó, đỉnh lũ đổ về trên lòng hồ thuỷ điện An Khê - Ka Nak dự kiến tăng rất nhanh. Vào thời điểm 11h 16-12, thuỷ điện đang xả lũ ở mức từ 1.200m3/s đến 1.500m3/s. Dự kiến thuỷ điện sẽ xả lũ lúc 15h30 cùng ngày, việc điều tiết xả lũ hồ chứa sẽ tăng lưu lượng và đúng thời điểm đỉnh lũ là 4.800m3/s và giữ mức này khoảng thời gian khoảng 1h đồng hồ. "Mức xả lũ này gấp 2 lần đỉnh lũ năm 2013. Đây là lần đầu tiên thuỷ điện này xả lũ ở mức kỷ lục như vậy", ông Luỹ nói.

img

Mặc dù nhiều tuyến đường bị cô lập nhưng người dân vẫn khá chủ quan.

Mặc dù nước lũ đang ngày một dâng cao, các cấp chính quyền huyện Ia Pa liên tục vận động nhưng nhiều người dân vẫn ung dung vì cho rằng tình hình không nghiêm trọng.

Tại “rốn lũ” buôn Jứ Ma Uôk, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa (Gia Lai), quan sát cho thấy người dân có phần khá chủ quan trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp. Mặc dù nước lũ trên sông Ba lên rất nhanh nhưng trong sáng 16-12, chỉ có một số hộ dân tiến hành sơ tán rải rác trâu bò và các tài sản khác lên khu vực cao hơn. Tại buôn này còn khoảng hơn 130 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu. Đến 16 giờ chiều 16-12, nước lũ đã chính thức cô lập con đường duy nhất để vào buôn. Muốn đi ra bên ngoài, người dân trong buôn phải lội qua dòng nước lũ ở hai đập tràn chảy xiết rất nguy hiểm. Tại các đập tràn, lực lượng chức năng huyện Ia Pa đã có mặt để ngăn cản người dân không nên qua lại, tránh nguy hiểm.

img

Nhiều người dân trồng dưa hấu bị cô lập đã được di dời đến nơi an toàn.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng huyện Ia Pa cũng đã phải sử dụng ca nô, thuyền máy để cứu những người dân trồng dưa hấu bị cô lập tại các khu vực rẫy ở xã Ia Broăi, Ia Tul, Ia Trôk.

Ông Nguyễn Văn Sang (43 tuổi) cho biết: “Hiện tại vẫn còn hơn 20 người bị nước lũ cô lập tại ruộng dưa, chưa được di dời ra vùng an toàn. Các ruộng dưa của chúng tôi nằm gần bờ sông lại xa khu dân cư. Khi chính quyền thông báo lũ đến, chúng tôi không biết nên vẫn cứ làm lụng bình thường. Đến khi nước dâng lên cao mới biết mình bị cô lập".

Trong một diễn biến khác, nước lũ dâng cao cũng khiến Quốc lộ 25 có nguy cơ bị chia cắt. Tại đoạn qua xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa, nước sông Ba đã dâng cao quá mặt đường khoảng 50cm. Hiện lực lượng Cảnh sát giao thông thị xã Ayun Pa đã có mặt tại khu vực này để sẵn sàng ứng cứu trong hoàn cảnh cần thiết. Theo tin từ Hồ thủy lợi Ayun Hạ, bắt đầu từ 17 giờ chiều tại đây sẽ tiến hành xả lũ với lưu lượng 50m3/s vào sông Ayun rồi đổ ra sông Ba tại khu vực Ayun Pa và Ia Pa. Dự kiến nước sông Ba sẽ tiếp tục dâng cao trong đêm và rạng sáng 17-12.

Sẽ cưỡng chế những người “cố thủ”

img

Nhiều người dân vẫn đem xuồng đi đánh cá như không có chuyện gì xảy ra.

Trao đổi với Dân Việt, ông Võ Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Ia Pa, tỉnh Gia Lai cho biết, hiện lực lượng chức năng của huyện đã được huy động để di dời người dân tại các khu dự kiến sẽ ngập nước. Công tác vận động người dân chuẩn bị tinh thần di dời đã được tiến hành thông báo từ sáng nay.

Theo đó, những khu ngập lụt hoàn toàn đều sẽ di dời. Người già, tài sản đang được ưu tiên trước. Một số người lớn, huyện sẽ vận động di dời sau. Còn đối với những người "cố thủ" ở lại trong nhà, huyện sẽ yêu cầu lực lượng chức năng cưỡng chế.

img

Mực nước sông Ba lúc 16h đã trên mức báo động 3.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cũng cho biết, hiện đã chuẩn bị hai vị trí trường học và cung cấp nhu yếu phẩm như mì tôm, nước uống để hỗ trợ người dân trong khi trú ngụ tạm thời. Các cán bộ y tế của huyện cũng được điều động đến vị trí di dời của người dân để chăm sóc thuốc men. Lực lượng chức năng, dân quân quân tự vệ được yêu cầu đưa xuồng sẵn sàng ứng cứu người dân khi cần.

"Tinh thần là không để người dân ở lại trong khu vực bị ngập lụt. Công tác cứu hộ cứu nạn đang triển khai gấp rút. Ngoài, ra hệ thống loa phóng thanh cũng liên tục phát đi thông báo để người dân sẵn sàng di chuyển", ông Hùng khẳng định.

img

Nước lũ dâng cao khiến Quốc lộ 25 có nguy cơ bị chia cắt.

Đến chiều ngày 16.12, tại thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai, nhiều khu vực đã bị ngập sâu trong nước lũ, mực nước sông Ba trên mức báo động 3. Trước tình hình đó, UBND thị xã Ayun Pa đã chỉ đạo cho các xã, phường có nguy cơ ngập lụt gấp rút thực hiện các phương án nhằm đối phó với lũ.

Ông Hồ Văn Diện, Phó Chủ tịch thị xã Ayun Pa cho biết : "Khi nước sông Ba dâng cao, chắc chắn nhiều khu vực tại vùng hạ lưu sông Ba tại tỉnh Gia Lai sẽ bị ngập sâu trong nước lũ, trong đó có thị xã Ayun Pa. Chúng tôi đã tăng cường huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất xảy ra”.

Các lực lượng chức năng huyện la Pa cũng đã phải sử dụng ca nô, thuyền máy để cứu những người dân bị cô lập tại các khu vực rẫy ở xã Ia Broăi, Ia Tul, Ia Trôk. Trong chiều 16-12, đã có hơn 50 người cùng rất nhiều tài sản từ các nương rẫy bị nước lũ vây quanh được đưa đến khu vực an toàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem