Lũ lên nhanh bất thường ở ĐBSCL: Do vỡ đập thủy điện ở Lào?

Đình Thắng Thứ ba, ngày 31/07/2018 10:17 AM (GMT+7)
Đập thuỷ điện ở Lào bị vỡ khiến nước lũ lên nhanh ở Campuchia, một số hồ đập ở khu vực này xả lũ, bên cạnh đó triều cường lên nhanh khiến cho lũ đến sớm bất thường ở Đồng bằng sông Cửu Long, đang uy hiếp tính mạng, tài sản của người dân tại đây.
Bình luận 0

Ngày 31/7/2018, tại Hà Nội, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp về Ứng phó với thiên tai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp.

img

Do lũ thượng nguồn về, trong 2 - 3 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh. Ảnh: IT

Thời gian qua, do diễn biễn bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác cát ở thượng nguồn,…cùng các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế-xã hội tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, tác động do vỡ đập tại Lào, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng, lũ từ thượng nguồn đổ về đang lên nhanh, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, mực nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long đang lên và còn diễn biến phức tạp. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên, mực nước cao nhất ngày 29.7.2018 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu là 2,87m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,38m. 

img

Một số tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Long An cần chủ động ứng phó bởi các tỉnh này có diện tích lúa lớn. Ảnh: IT

Do lũ thượng nguồn về, trong 2 - 3 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh, sau đó lên chậm do triều thấp. Đến ngày 8.8.2018, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,35m (dưới BĐ1 là 0,15m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,75m (dưới BĐ1 là 0,25m).

Trong 10 ngày tiếp theo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên và đạt mức cao nhất vào ngày 13.8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu lên mức 3,7m (trên BĐ1 là 0,20m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc lên mức 3,1m (trên BĐ1 là 0,10m), sau đó biến đổi chậm. 

Đến ngày 18.8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu ở mức 3,55m (trên BĐ1 là 0,05m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc ở mức 2,95m (dưới BĐ1 là 0,05m). Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Đỉnh lũ năm 2018 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ2 và trên BĐ2, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10.2018. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1 - 2.

Lý giải cho trận lũ bất thường này, TS Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam cho hay, đó là do vỡ đập thuỷ điện ở Lào kèm theo mưa ở khu vực này khiến lũ xuất hiện ở ĐBSCL. Sau vỡ đập Lào, nước lũ đổ về các hồ đập ở Campuchia,  một số hồ chứa ở khu vực này xả lũ nên mực nước Đồng bằng sông Cửu Long tăng lên. Tuần này lượng mưa ở Lào giảm so với tuần trước, tuy nhiên nước lũ vẫn tiếp tục tăng nhanh.

Còn nhớ sau khi vỡ đập thuỷ điện tại Lào, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhận định tác động không đáng kể ở ĐBSCL, khu vực này nước chỉ lên chưa tới 10cm. Tuy nhiên, hiện nay nước lũ tăng lên rất nhanh. Lý giải điều này, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho hay: “Sau khi vỡ đập thuỷ điện ở Lào, Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam tính toán và đưa ra nhận định nước lũ tăng lên không đáng kể.

Tuy nhiên sau đó, diễn ra mưa thượng nguồn, triều cường lên khiến cho nước lũ tăng nhanh bất thường. Chính vì vậy, thời điểm này không thể tính toán được lượng nước từ đập thuỷ điện Lào đổ về khu vực ĐBSCL là bao nhiêu.

Trước tình hình đó, TS.Trần Bá Hoằng cảnh báo một số tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An cần chủ động ứng phó bởi các tỉnh này có diện tích lúa lớn. Vấn đề di dời người dân đến nơi an toàn rất quan trọng để đảm bảo an toàn tính mạng người dân”.

Để đối phó với mực nước đang lên, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên và ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất; cảnh báo và di dời dân tại khu vực bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem