Phó Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện các Nghị định của Luật Nhà ở 2023

Thái Nguyễn Thứ tư, ngày 22/05/2024 07:10 AM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về sở hữu nhà ở, phát triển nhà ở, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở.
Bình luận 0

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cơ quan soạn thảo là Bộ Xây dựng cần tập trung làm rõ những nội dung, chính sách mới; báo cáo đầy đủ cách thức tiếp thu, giải trình về từng vấn đề còn ý kiến khác nhau. Nhiều nội dung, chính sách hiện hành và mới về nhà ở đã được thể chế hóa cụ thể, chi tiết, đầy đủ hơn trong dự thảo Nghị định. 

Cụ thể, nhóm thủ tục liên quan đến sở hữu nhà ở của người nước ngoài; trình tự, thủ tục xây dựng, điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở; thủ tục về phát triển, quản lý nhà ở công vụ, nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ. Bên cạnh đó là phương thức huy động vốn phát triển nhà ở; quy định chuyển đổi công năng nhà ở; hoạt động quản lý sử dụng nhà ở thuộc tài sản công; phân hạng, quản lý sử dụng nhà chung cư.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, việc xây dựng ban hành Nghị định nhằm cụ thể hóa các nội dung đã được quy định trong Luật Nhà ở được Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện các Nghị định của Luật Nhà ở 2023- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện các Nghị định của Luật Nhà ở 2023 (Ảnh: TN)

Việc xây dựng dự thảo Nghị định đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các văn các quy định pháp luật liên quan (như pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công, pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về xây dựng...); phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm của các cấp, chính quyền địa phương trong lĩnh vực phát triển và quản lý nhà ở.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, làm rõ quy định về việc sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân người nước ngoài và yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh; căn cứ xây dựng chương trình, kế hoạch nhà ở cấp tỉnh; tính đồng bộ, tương thích của các quy định về chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng nhà ở với pháp luật đất đai, đầu tư.

Đồng thời, các đại biểu đã thảo luận về cách thức thuê, thuê mua, mua nhà ở thương mại, bố trí nhà ở xã hội phục vụ tái định cư; trình tự, thủ tục xây dựng nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ thực hiện như dự án nhà ở thương mại; sự cần thiết của quy định phân hạng nhà chung cư cũng như yêu cầu bổ sung các tiêu chí xanh, thân thiện với môi trường; mối quan hệ giữa chủ đầu tư, người dân chia sẻ trách nhiệm và các điều kiện bảo đảm vận hành, quản lý chung cư…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nhằm giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến công tác quản lý, phát triển nhà ở, bảo đảm khi Nghị định ban hành sẽ thực hiện thuận lợi, thông suốt.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng làm việc với các bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Công an và Ngân hàng Nhà nước… để thống nhất phương án xử lý những vấn đề còn ý kiến khác nhau, bảo đảm kết nối, đồng bộ với pháp luật liên quan.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024; trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5 năm 2024) theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2023 và đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Chính phủ đề xuất 2 Luật này có hiệu lực ngay từ ngày 1/7/2024, sớm hơn 6 tháng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem