Mất đất, mất môi trường ở Vĩnh Phúc

Thứ hai, ngày 25/11/2013 07:35 AM (GMT+7)
Chính quyền ồ ạt rải thảm mời chào nhà đầu tư, người dân buộc phải nhượng đất để đổi lấy những đồng tiền ít ỏi. Có ai ngờ đất mất, việc làm không có, môi trường thì bị ô nhiễm trầm trọng...
Bình luận 0
Đó là thực trạng diễn ra ở thôn Xuôi Ngành, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Ô nhiễm nghiêm trọng

Ông Ngô Văn Dũng – cán bộ tư pháp và môi trường xã Tam Hợp cho biết: Thôn Xuôi Ngành có 159 hộ với hơn 600 khẩu nằm cạnh Cụm công nghiệp Hương Canh, Bình Xuyên với 5 doanh nghiệp lớn hoạt động. “Năm 2010, Nhà máy Sản xuất gạch Hoa Cương bắt đầu đi vào sản xuất. Nhưng lúc này chỉ công bố quy hoạch chứ không hề có bất cứ công bố nào về đánh giá tác động môi trường. Hiện, ô nhiễm môi trường đã tác động không nhỏ tới khu vực dân cư” – ông Nguyễn Duy Tiến (54 tuổi, thôn Xuôi Ngành) nói.

Từ ngày mất đất, vợ chồng ông Tiến phải đi đặt đó, mò cua kiếm sống.
Từ ngày mất đất, vợ chồng ông Tiến phải đi đặt đó, mò cua kiếm sống.

Theo quan sát của chúng tôi, phía sau khu sản xuất của Nhà máy Sản xuất gạch Hoa Cương, một diện tích lớn hồ điều hòa đã bị bồi lấp không còn khả năng điều hòa. Bên cạnh đó, hơn 1ha đất trồng lúa bị bỏ hoang vì không còn khả năng canh tác. “Cá chết đầy đồng, ruộng thì không thể trồng vì ngập nước thải. Mà có cố trồng thì cũng chả ăn thua vì hạt lúa tới lúc thu hoạch bị nổ lốp hết” – ông Tiến rầu rĩ.

"Từ năm 2005 trở lại đây, các bệnh ung thư, bệnh đường hô hấp… trong thôn gia tăng. Môi trường ô nhiễm, bà con rất lo, mong cơ quan chức năng hỗ trợ điều tra, thăm khám sức khỏe cho bà con”.
Ông Phan Trú Chiêu - nhân viên y tế thôn Xuôi Ngành

Không chỉ sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, hồ đầm Xuôi chứa nước gần đó cũng bị công ty mua lại để xả thải lấp đầm khiến nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Nhiều hộ khác trong thôn cũng luôn bị tiếng ồn, khói bụi tác động. “Suốt ngày lúc nào chúng tôi cũng bị “tra tấn” bởi tiếng máy ép gạch ầm ầm. Nhiều khi ngộp thở, 1-2 giờ sáng tỉnh dậy thấy khói bụi nghi ngút. Có thể là công ty xả thải trộm” – bà Hoàng Đình Hiệp (52 tuổi, thôn Xuôi Ngành) nghi ngờ.

Nhà máy thoái thác

Sau nhiều cuộc điện thoại hẹn gặp không thành, PV đã tới Công ty Sản xuất gạch Hoa Cương. Ông Phạm Quang Hiếu – Trưởng phòng Tổ chức cho biết, nhà máy chính thức hoạt động từ năm 2010. Khi được hỏi, có hay không việc công ty xả nước thải và đổ rác lấp đầm Xuôi và xả trộm khí thải vào ban đêm, ông Hiếu khẳng định: “Hoàn toàn không có chuyện đó. Nếu có rác thải, thì chỉ có người dân đổ trộm”.

"Mất đất cho Cụm công nghiệp Hương Canh, Bình Xuyên (14ha), nhưng chỉ 15% lao động trong xã được tạo việc làm bởi chính cụm công nghiệp này, 85% lao động còn lại phải tự tìm việc làm”.
Ông Ngô Văn Dũng – cán bộ tư pháp và môi trường xã Tam Hợp

Khi phóng viên đưa ra những bức ảnh chụp ngay tại khu vực có rác thải là kim loại, gạch vỡ, và đường nước thải thì ông Hiếu mới thừa nhận. Không riêng khu đầm Xuôi, ngay cả hồ nước được cho là hồ điều hòa nước thải của công ty cũng bị rác thải chất thành núi.

Tận mắt quan sát, TS. Nguyễn Khắc Kinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định, Bộ TNMT cho rằng: “Có thể nước thải của nhà máy có chất phụ gia có chứa kim loại lắng cặn bẩn và thải trực tiếp ra môi trường. Đây là nguyên nhân chính khiến cá ở các hồ bên cạnh bị chết hàng loạt và diện tích đất lúa ven đó bị ô nhiễm không còn khả năng gieo trồng”.
Minh Nguyệt (Minh Nguyệt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem