Máu và hàng tỷ USD bốc hơi: Giá đắt của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine

Phương Đăng (theo Reuters/TBS News) Thứ tư, ngày 23/08/2023 20:28 PM (GMT+7)
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine dẫn đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đã dẫn đến giá phân bón, lúa mì, kim loại và năng lượng tăng mạnh, gây ra làn sóng lạm phát và khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Bình luận 0
Máu và hàng tỷ USD bốc hơi: Giá đắt của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine - Ảnh 1.

Cụ bà ở thị trấn Chasiv Yar, Donetsk bật khóc vì không muốn sơ tán khỏi nhà của mình, vốn gần tiền tuyến khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ và ác liệt nhất tại khu vực miền Đông Ukraine ngày 2/4/2023. Ảnh Reuters.

Theo Reuters, cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời và gây ra bất ổn kinh tế trên toàn thế giới trong 18 tháng kể từ khi nó bắt đầu vào ngày 24/2/2022.

Cảnh đổ máu chưa từng thấy

Chiến tranh đã gây ra cảnh đổ máu ở mức độ chưa từng thấy ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.

Theo Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR), hơn 9.000 dân thường được ghi nhận là đã thiệt mạng và hơn 16.000 người khác bị thương vào cuối tháng 7. Tổ chức này cho biết họ tin rằng con số thực tế còn cao hơn đáng kể.

Theo tờ New York Times, cuộc chiến đã khiến gần 500.000 binh sĩ ở cả 2 bên tham chiến thiệt mạng hoặc bị thương.

Tờ báo dẫn lời các quan chức Mỹ, nước ủng hộ Ukraine mới đây cho biết có tới 120.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và 170.000 đến 180.000 người khác bị thương, trong khi lực lượng Ukraine thiệt mạng 70.000 người và có 100.000 đến 120.000 người bị thương.

Các quan chức Nga nói rằng các ước tính của Mỹ về thiệt hại của Nga là quá cao - và mang tính tuyên truyền. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 21/9/2022 cho biết 5.937 binh sĩ Nga đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến. Kể từ đó, Nga không đưa ra bất cứ thông tin cập nhật nào về tổn thất của họ trong cuộc chiến ở Ukraine. Ukraine cũng xem tổn thất trong cuộc chiến là một bí mật quốc gia.

Trước đó, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine bắt đầu vào năm 2014 sau khi một Tổng thống Ukraine thân Nga bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Maidan ở Ukraine và sự kiện Moscow sáp nhập Crimea, trong đó các lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn chiến đấu chống lại quân đội Ukraine.

Theo OHCHR, khoảng 14.000 người đã thiệt mạng vì cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine từ năm 2014 đến cuối năm 2021, trong đó có 3.106 thường dân.

Vấn đề tị nạn

Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc cho biết kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ năm 2022, hàng triệu người Ukraine đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa. Ukraine có dân số hơn 41 triệu người.

UNHCR cho biết, ước tính có khoảng 17,6 triệu người ở Ukraine cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, trong đó có hơn 5 triệu người phải sơ tán trong nước do chiến tranh.

Theo dữ liệu của cơ quan này, có hơn 5,9 triệu người tị nạn từ Ukraine được ghi nhận trên khắp châu Âu.

Ukraine

Theo Trung tâm Belfer tại Trường Harvard Kennedy, 11% lãnh thổ Ukraine đã rơi vào sự kiểm soát của Nga kể từ khi bắt đầu xung đột. Đó là một khu vực tương đương với bang Massachusetts, New Hampshire và Connecticut (của Mỹ) cộng lại.

Kể cả Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014, Nga hiện kiểm soát khoảng 17,5% diện tích Ukraine.

Ukraine đã mất một dải bờ biển, nền kinh tế bị tê liệt và một số thành phố đã bị biến thành đất hoang do giao tranh khốc liệt.

Nền kinh tế Ukraine giảm 30% vào năm 2022 và được dự báo sẽ tăng trưởng từ 1% đến 3% trong năm nay, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Không rõ Ukraine đã chi bao nhiêu tiền cho cuộc giao tranh. Hiện Ukraine chưa thể tiến hành các cuộc tấn công lớn để đánh bật quân đội Nga bất kể nước này đã phát động một cuộc phản công quy mô vào đầu tháng 6.

Nga

Chi phí của Nga cho cuộc chiến ở Ukraine là một bí mật quốc gia. Tuy nhiên, cuộc chiến đã gây ra một cú sốc lớn đối với nền kinh tế Nga bởi nước này phải hứng chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước đến nay của phương Tây.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm nay sau khi giảm 2,1% vào năm 2022 nhưng sự thịnh vượng được cho là còn lâu mới trở lại khi chính phủ Moscow tuyên bố sẵn sàng chi tiêu không giới hạn cho quân đội.

Người phát ngôn của IMF Julie Kozack bình luận: “Trong trung hạn, nền kinh tế Nga sẽ bị cản trở bởi sự ra đi của các công ty đa quốc gia, mất nguồn nhân lực, mất kết nối với thị trường tài chính toàn cầu và giảm đệm chính sách”.

Nga đã tăng gấp đôi ngân sách chi tiêu quốc phòng vào năm 2023 lên hơn 100 tỷ USD - một phần ba tổng chi tiêu công - một tài liệu của chính phủ được Reuters xem xét cho thấy. 

Khi chi tiêu quân sự của Nga tăng vọt và các lệnh trừng phạt siết chặt nguồn thu từ năng lượng, Moscow sẽ phải đối mặt với "cuộc chiến" nhằm kiểm soát thâm hụt ngân sách, các chuyên gia nhận định.

Nga đã mất phần lớn thị trường khí đốt châu Âu nhưng vẫn có thể tiếp tục bán dầu của mình cho thị trường toàn cầu, mặc dù Mỹ, châu Âu và các cường quốc khác đã hạn chế hoặc chấm dứt việc mua dầu của họ.

Nước này cũng đã bị loại khỏi thị trường tài chính phương Tây, với hầu hết các nhà tài phiệt của họ đều bị trừng phạt và đang gặp vấn đề trong việc tìm nguồn cung ứng một số mặt hàng như vi mạch.

Giám đốc CIA William Burns hồi đầu năm cho biết Nga có nguy cơ biến thành "thuộc địa kinh tế của Trung Quốc theo thời gian".

Giá cả

Cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã khiến giá phân bón, lúa mì, kim loại và năng lượng tăng mạnh, gây ra làn sóng lạm phát và khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Ả Rập Saudi và là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên, lúa mì, phân đạm và palladium lớn nhất thế giới.

Ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, giá dầu quốc tế đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ kỷ lục năm 2008.

Vũ khí phương Tây

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 43 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm các hệ thống phòng không Stinger, hệ thống tên lửa vác vai Javelin, pháo 155mm và thiết bị bảo vệ chống lại cuộc tấn công hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân.

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, những nước ủng hộ Ukraine lớn nhất về mặt danh nghĩa là Mỹ, Liên minh Châu Âu, Anh, Đức và Nhật Bản.

Nga cho rằng nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây đang khiến cuộc chiến ở Ukraine leo thang.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem