Mê xuất khẩu, quên bán lẻ

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 15/11/2019 20:35 PM (GMT+7)
Theo thống kê gần đây của Bộ NNPTNT, bình quân mỗi năm cả nước sản xuất được khoảng 22,5 - 24 triệu tấn gạo, trong đó gạo dành cho xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn, gạo tự tiêu dùng (để ăn trong gia đình, làm giống và chăn nuôi) khoảng 11,5 triệu tấn, vậy lượng gạo tiêu thụ tại các đô thị khoảng 3,5 - 4 triệu tấn.
Bình luận 0

Gạo ngon, nhưng cung ít

Năm 2015, trong một báo cáo có tên “Thị trường lúa gạo Việt Nam: Cải cách để hội nhập, cách tiếp cận cấu trúc thị trường”, TS. Nguyễn Đức Thành, viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, giá gạo đến tay người tiêu dùng tại các thành phố lớn ở mức 10 - 12.000 đồng/kg. Vào thời điểm khảo sát, với mức giá trên, chất lượng gạo tiêu thụ tại các đô thị chỉ ở mức trung bình khá!

Còn trong một khảo sát mới đây của TS. Nguyễn Thị Trâm Anh (khoa Kinh tế, Đại học Nha Trang) và ThS. Trương Công Thành (Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Kiên Giang), dù không đưa ra khung giá gạo đang tiêu thụ tại các đô thị nhưng hai chuyên gia này cho rằng, “người tiêu dùng tại các thành phố lớn chủ yếu ăn thức ăn, nên lượng cơm tiêu thụ ít khi mua gạo họ không coi trọng giá mà quan tâm đến chất lượng gạo”.

Đại diện nhãn hiệu gạo Cỏ May xác nhận, giờ đây người dân thích ăn gạo ngon, nên chấp nhận giá cao hơn nhưng “lực của các doanh nghiệp tự sản xuất theo quy trình an toàn còn yếu nên chưa tạo xu hướng xài gạo Việt ngon”. Từ lâu, đã có vài doanh nghiệp thuê đất sản xuất gạo cao cấp như các nhãn hiệu: “ST” của ông Hồ Quang Cua, “Tâm Việt” của ông Võ Văn Tiếng, “Cỏ May” của ông Phạm Minh Thiện… nhưng do sản lượng còn quá ít nên độ phủ thị trường nhỏ, chi phí tiếp thị và quảng bá hầu như bằng “không” nên khó quảng bá gạo ngon đến với cộng đồng.

img

Khách hàng ở đô thị chọn gạo ngon, chấp nhận giá cao. 

Nhãn hiệu “đua mở”

Tại các kênh bán lẻ như Saigon Coop, BigC, Aeon Mall…, kệ hàng gạo trưng bày nhiều nhãn hiệu với bao bì bắt mắt, giá cả dao động từ 15.000 đồng/kg đến các loại cao cấp có giá gần 200.000 đồng/kg mang nhiều nhãn hiệu khác nhau, như: Trung An, TigiFood, Lộc Trời, Cỏ May, Gentraco… Saigon Coop và Satra còn có nhãn hàng riêng cho mặt hàng gạo. Gần đây, công ty Tân Long với nhãn hiệu A-An đầu tư hơn 20 chi nhánh bán gạo khắp thị trường Việt Nam.

Công ty lương thực Tiền Giang (TigiFood) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc phát triển thị trường gạo nội địa sau nhiều năm bôn ba “đánh chuông xứ người”. Đại diện Tigifood cho biết, cách đây vài năm, người tiêu dùng ở TP.HCM thường chỉ chọn gạo giá rẻ, nở nhiều, còn nay, tiêu chí chọn gạo của khách hàng đã có phần thay đổi. “Trừ những bếp ăn tập thể, hiện người tiêu dùng chọn gạo ở mức giá tầm trung, từ 18.000 - 25.000 đồng/kg. Nhiều người thích chọn gạo thơm, dẻo, được đóng túi cẩn thận. Dù chưa nhiều nhưng loại gạo an toàn hay gạo hữu cơ… có mức giá cao vẫn bán được hàng”, đại diện TigiFood nhận định.

Nắm bắt xu thế tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp như Lộc Trời, Cỏ May có những loại gạo cao cấp cho thị trường nội địa như các dòng gạo “lúa-tôm”, “organic”… với giá 26 - 27.000 đồng/kg. Loại gạo hữu cơ lúa tôm của Tigifood giá 27.000 đồng/kg, gạo đạt chuẩn GlobalGAP của ITA Rice giá khoảng 30.000 đồng/kg, gạo thơm của Gentraco đóng túi 2kg, giá khoảng 33.000 đồng/kg; một số dòng gạo sữa, gạo thơm giống Đài Loan của Tân Thành (Cần Thơ) có giá khoảng 30.000 đồng/kg nhưng vẫn được nhiều người chọn mua.

Nhiều khách hàng cho rằng, với mặt hàng gạo, vì khó thay đổi “gu cơm” nên người tiêu dùng không cần nhiều nhãn hiệu làm rối mắt mà chỉ cần chú trọng vào những loại gạo an toàn với sức khỏe con người.

Thiếu quan tâm ngay trên sân nhà

Hiện nay, chất lượng gạo tiêu thụ thị trường nội địa đã được chú trọng, lượng gạo cao cấp có xu hướng tăng, trong khi lượng gạo cấp thấp giảm khá nhanh. TS. Trâm Anh, căn cứ giá gạo đang tiêu thụ tại thị trường nội địa và giá gạo xuất khẩu, đã cho rằng: “Mức giá gạo bình quân tại thị trường nội địa đã cao hơn nhiều so với giá xuất khẩu vì xu hướng khách hàng chọn gạo ngon hơn, chấp nhận mức giá gần như gấp đôi so với vài ba năm trước”. Nhưng thực tế, nhà nông và nhà kinh doanh gạo đã thật sự quan tâm tới những loại gạo ngon để cung ứng nhu cầu cho thị trường nội địa?

Các chuyên gia về gạo chia sẻ, chất lượng gạo chịu ảnh hưởng rất lớn từ giống, phương pháp làm khô lúa, vận chuyển, tồn trữ và chế biến. “Chất lượng gạo là một trong những yếu tố quan trọng quyết định cạnh tranh của gạo nội địa so với gạo ngoại. Việc nâng cao khả năng cạnh tranh gạo tại thị trường nội địa phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược của từng công ty kinh doanh gạo”, TS. Trâm Anh nhận xét.

Theo nhiều nhà kinh doanh gạo, hiện gạo xuất khẩu được áp dụng mức thuế giá trị gia tăng là 0% trong khi gạo sản xuất tiêu thụ thị trường nội địa phải chịu thuế suất giá trị gia tăng 5%. “Giá gạo bán trong nước đã cao hơn so với gạo xuất khẩu giờ còn phải “đội” thêm phần thuế GTGT là bất hợp lý. Tại sao người tiêu dùng trong nước ăn cùng một hạt gạo do chính đồng bào sản xuất mà phải chịu giá cao hơn gạo xuất khẩu?”, một doanh nghiệp gạo bức xúc. Vì nghịch lý đó, phần lớn các kế hoạch sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, các cơ quan quản lý, công ty sản xuất, thu mua… chú trọng nhiều đến xuất khẩu thay vì phát triển và nâng cao chất lượng gạo tiêu thụ tại thị trường nội địa. 

Ông Nguyễn Ngọc Nam, chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, những năm gần đây, chất lượng gạo trong nước đã cải thiện đáng kể. “Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn đã quan tâm nhiều hơn mặt hàng gạo cao cấp. Họ hiểu rằng đã đến lúc cần làm hạt gạo riêng cho thị trường nội địa với gần 100 triệu khách hàng”, ông Nam nói.

(Theo Thế Giới Tiếp Thị)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem