Mơ về Hà Nội có rạp chiếu bóng ngoài trời

Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự Thứ tư, ngày 05/02/2020 20:00 PM (GMT+7)
Tôi không sợ bị xếp vào diện hoài cổ khi ước mong Thủ đô sắp 1.020 tuổi sẽ phục hồi một vài rạp chiếu bóng ngoài trời, như đã nhiều người mong giữ lại xích lô và phục hưng tàu điện. Nhưng, Hà Nội quá tải dân cư, đường mở bao nhiêu vẫn tắc thì chỗ nào cho tàu điện; những cánh đồng còn bị xóa sổ liên tiếp để xây chung cư thì liệu lấy đâu ra đất trống cho rạp chiếu bóng của ký ức trở về?
Bình luận 0

Đam mê và tình yêu thực lòng

Tôi nghĩ, nếu có tàu điện và rạp chiếu bóng ngoài trời như vài chục năm trước, sẽ không thừa đâu. Thậm chí sẽ cực kỳ gây cảm hứng cho mọi tầng lớp người, bất kể người Việt Nam hay du khách. Đây sẽ là điểm nhấn của thành phố cổ kính nên thơ như Prague (Praha, Cộng hòa Séc) hay Warszawa (Ba Lan) mà tôi thân thuộc. Ở đó, vẫn còn hoạt động những tàu điện cổ kính và duy trì rạp chiếu bóng ngoài trời, và không chỉ có 2 thành phố này ở châu Âu. Sẽ nhiều người nói: Đầy rẫy rạp chiếu phim công nghệ 3D, 4D, phòng chiếu hiện đại, ghế ngồi thoải mái, máy lạnh trải thảm còn vắng khách, chủ yếu chiếu phim nước ngoài, sao lại mong về "ngày xưa" ấy?! Nhưng đấy là thời hoàng kim của Điện ảnh Việt Nam - thời mà công chúng tuy đói nghèo vật chất nhưng rất coi trọng nghệ thuật, nghệ sĩ. Thời ấy, mỗi dịp cuối tuần, ngày lễ, đợt nghỉ ngoài việc thăm thú người thân, họ hàng, người ta thường nghĩ đến việc đi xem phim kịch đầu tiên.

img

Xem phim ngoài trời - dấu ấn tuổi thơ của nhiều người Việt Nam. Ảnh: Văn Tâm

 Bây giờ, mỗi lần về quê, tôi lại đi ngang qua "Bãi chiếu bóng Ngã Ba Chè" ngày nào. Tôi mường tượng: Dáng tôi thời thơ ấu ngồi xem chiếu bóng ngoài trời vẫn đang còn in hình trên bãi cỏ này. Tôi thấy tiếc, khi bây giờ không còn những bãi chiếu bóng ngoài trời như ngày xưa nữa, chiếu bóng ngoài trời chỉ còn trong ký ức mà thôi.

Chẳng phải khi chương trình Quán Thanh Xuân chủ đề "Rạp chiếu bóng thanh xuân" phát sóng  đầu tháng 7/2019 trên VTV1, tôi mới nhớ thời chiến tranh, bao cấp, người ta rất mê xem chiếu bóng. Ngày ấy, vật chất thiếu thốn, nhưng tinh thần có lẽ giàu hơn bây giờ, vì công chúng say mê điện ảnh, sân khấu, ca nhạc, hâm mộ cuồng nhiệt và trân trọng, yêu mến diễn viên nghệ sĩ hơn các trào lưu ngày nay. Tình yêu điện ảnh cùng văn chương nảy nở trong tôi thời niên thiếu và còn tham gia phổ biến phim cách đây hơn 30 năm.

Đối với tôi - con trai cả của một gia đình nông dân, xem phim Bạch Mao nữ, bộ phim về những người nông dân Trung Quốc cách đây hơn 60 năm, cùng với dân làng thuần nông Nguyệt Lãng (xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là một trong những buổi xem phim giàu cảm xúc của tuổi thơ và nhiều ấn tượng. Tôi xúc động thực lòng, tôi tin thực lòng, tôi yêu thực lòng và tôi ghét thực lòng. Chính tuổi thơ vô tư, hồn nhiên và trong sáng ấy đã cho tôi cái "thực lòng" này. Tôi đã thực sự dấn thân vào nghệ thuật thứ bảy bằng công việc trong phòng chiếu.

Dịch và thuyết minh phim Ba Lan gây "sốt"

Tôi không chỉ là khán giả của bãi chiếu bóng ngoài trời và fan của nhiều rạp chiếu bóng, mà đã từng ở trong buồng chiếu phim trong vai trò biên dịch và thuyết minh. Tình yêu điện ảnh theo tôi đến khi trưởng thành. Thời kỳ làm việc tại Đại sứ quán Ba Lan ở Hà Nội, tôi tận dụng và chủ tâm lấy về những bộ phim hay của Ba Lan. Tôi tự ghi âm (vì không có kịch bản thoại) và tự dịch. Ngay lúc dịch, tôi đã tính thời lượng, để khớp khẩu hình diễn viên, khi chiếu phim lại tự thuyết minh, nên khán giả thích vì cảm giác như lồng tiếng. Đó là các bộ phim: Thế giới đàn bà (Khoa học viễn tưởng) gây sốt ở Hà Nội; Lối thoát khi xảy ra sự cố (Phim hài); các phim Xuân đến rồi hỡi anh trung sĩ; Thiếu tá kéo dài cuộc điều tra; Ba trăm nghìn đồng tiền mới... chiếu cho một số đơn vị quân đội, tại hội trường Sở Công an Hà Nội ở phố Trần Hưng Đạo... rất được mến mộ. Sau đó, Sở Công an mời tôi chiếu phim cho Công an quận Đống Đa, thị xã Sơn Tây và cả trại giam ở Thường Tín. Tôi còn chiếu phim ở Xưởng Phim truyện số 4 Thụy Khuê, Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật ở Hào Nam cho cán bộ xem với tính chất nghiên cứu. Đơn vị mời tổ chức chiếu, họ trả thù lao cho tôi 200 đồng/suất chiếu. Bộ Nông nghiệp mời tôi đi chiếu ở trại gà Ba Vì. Xem phim xong, họ mời cơm thịt gà và biếu 30 quả trứng gà (không có phong bì).

img

Nghệ sĩ Điền Hoa, 87 tuổi người đóng vai Hỉ Nhi trong phim Bạch Mao Nữ.  T.G

Hỏi ra tôi được biết, mùa hè năm 2017 cả thủ đô Warszawa có đến 23 bãi chiếu bóng ngoài trời, với 200 bộ phim hay phục vụ người xem. Thỉnh thoảng, người xem còn được các nhà hàng mời ăn bánh pizza miễn phí (chắc là để quảng cáo hàng). Thật tuyệt.

Tôi sẵn sàng kể rất nhiều về những sự kiện mà tôi từng chứng kiến, những câu chuyện cảm động  thắm tình Việt Nam - Ba Lan mà tôi từng đích mục sở thị. Tôi có thể kể hàng giờ đồng hồ về điện ảnh Ba Lan từng được vô cùng mến mộ ở Việt Nam với những bộ phim nổi tiếng: 4 chiến sĩ xe tăng và con chó, Pharaon, Đại tá Wlodyjowski, Thầy lang, Cướp nhà băng... Tôi hào hứng kể nhiều mẩu chuyện thú vị về việc hồi giữa những năm 80 của thế kỷ trước, tôi đã đem phim Ba Lan do tôi dịch và tự thuyết minh chiếu khắp nơi ở nội ngoại thành Hà Nội và Hà Tây. Năm 1984 - 1985, bộ phim truyện Ba Lan “Thế giới đàn bà” do tôi dịch và thuyết minh đã từng làm xôn xao dư luận công chúng Hà thành. Người ta đổ xô đi xem bộ phim. Cửa rạp Hồng Hà và cổng Câu lạc bộ quốc tế ở phố Lê Hồng Phong đã bị khán giả xô đổ để ùa vào xem bộ phim truyện viễn tưởng  này. Có đêm, tại Xí nghiệp phim Thời sự Tài liệu Trung ương (122 Hoàng Hoa Thám), tôi đã chiếu bộ phim “Thế giới đàn bà” ba ca liền, trong đó có ca chiếu vào lúc 2 giờ sáng vẫn chật cứng người xem. Tôi kể những điều đó để chứng minh: Phim Ba Lan từng được người xem Việt Nam mến mộ đến mức cuồng nhiệt.  

Ước có lại rạp chiếu bóng ngoài trời

Đầu tháng 6/2017, tôi sang Ba Lan dự Hội nghị dịch giả văn học Ba Lan toàn thế giới lần thứ IV. Một buổi chiều tối, dạo chơi trong công viên Pole Mokotowskie, ở trung tâm thủ đô Warszawa, tôi bị bất ngờ, lấy làm ngạc nhiên và thú vị, khi bắt gặp bãi chiếu bóng ngoài trời. Người xem khá đông. Theo chương trình, tối nay họ sẽ xem bộ phim “Đêm của đôi tình nhân”. Bất thình lình tôi thốt lên câu thơ: Có bao cái khoái trên đời/Không bằng ngự ở ngoài trời xem phim.

img

Dịch giả Lê Bá Thự tại buổi chiếu bóng ngoài trời ở Warszawa.  Ảnh: T.G

Hứng chí, tôi ngồi xuống ghế, nhìn lên màn ảnh để nhớ lại những ngày xem chiếu bóng ngoài trời ở quê nhà, khi tôi còn nhỏ. Việt Nam bây giờ không còn những bãi chiếu bóng ngoài trời như thế nữa. Đây là bãi cỏ rộng, sạch sẽ, thoáng đãng, rất "sinh thái", đủ ghế ngồi (ghế bố xếp) cho 300 người; ai không có ghế thì ngồi trên bãi cỏ để xem phim. Vào cửa tự do, miễn phí, ghế ngồi rất tiện dụng, có thể ngồi, thậm chí nửa nằm nửa ngồi, xem phim.

Hỏi ra tôi được biết, mùa hè năm 2017 cả thủ đô Warszawa có đến 23 bãi chiếu bóng ngoài trời, với 200 bộ phim hay phục vụ người xem. Thỉnh thoảng, người xem còn được các nhà hàng mời ăn bánh pizza miễn phí (chắc là để quảng cáo hàng). Thật tuyệt. Bất thình lình tôi nảy ra ý tưởng: Giá mà Hà Nội khôi phục lại các bãi chiếu bóng ngoài trời thì tuyệt vời biết mấy!?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem