Kinh hãi sâu lạ cắn nát ruộng ngô, phun thuốc vẫn không diệt nổi

Trần Quang Thứ sáu, ngày 19/04/2019 13:50 PM (GMT+7)
Dù đã phun đủ các loại thuốc, dùng đủ mọi cách nhưng vẫn không thể diệt được loài sâu lạ, nhiều nông dân trồng ngô ở tỉnh Ninh Bình, Hà Nội... đành bất lực nhìn cây trồng bị tàn phá.
Bình luận 0

Tàn phá chưa từng có

Hơn nửa tháng trở lại đây, bà Phạm Thị Chiêm ở xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp (Ninh Bình) đi khắp nơi mua thuốc trừ sâu mang về phun mong cứu được 4 sào ngô của gia đình, nhưng đến giờ mọi nỗ lực cố gắng đều không có kết quả. "Tôi mua đủ loại thuốc về phun đến 4 lần nhưng càng phun sâu càng phát triển mạnh, chúng tàn phá ngày đêm khiến ruộng ngô ngày càng tan hoang hơn" - bà Chiêm ngậm ngùi.

img

 Bà Phạm Thị Chiêm bên ruộng ngô của gia đình bị loài sâu lạ tàn phá gần như xóa sổ. Ảnh: Trần Quang

"Muốn diệt trừ được loại sâu này, bà con phải tiến hành phun thuốc (thuốc trừ sâu ăn lá) vào giai đoạn đầu khi sâu ăn lá ngoài, tránh để sâu lớn 3 - 4 tuổi tấn công vào phần thân, ngọn ngô sẽ không thể diệt trừ được. Ngoài ra, sau khi thu hoạch, bà con cần dọn sạch các cây ngô bị sâu hại đưa đi đốt để diệt trừ sâu”.

Ông Nguyễn Văn Liêm

Theo bà Chiêm, mọi năm, gia đình bà rất ít khi dùng đến thuốc trừ sâu nhưng ngô vẫn cho năng suất cao. Song, đến năm nay, ngay từ lúc trồng đến khi ngô lên được 3 - 4 lá đã bị loài sâu lạ tấn công ồ ạt, nhiều diện tích bị sâu phá mạnh nên ngô chết trắng đất.

"Loài sâu này có hình thù rất lạ, cách đục phá ngô cũng rất ma quái khiến nông dân chúng tôi rất hoang mang" - bà Chiêm chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Ngần (xã Đông Sơn) cũng đang bất lực trước sự tấn công dữ dội của loài sâu lạ này. "Từ khi phát hiện sâu lạ phá ngô đến giờ đã gần 1 tháng, chúng tôi đã dùng đủ mọi cách để diệt trừ nhưng đều vô vọng, toàn bộ diện tích ngô của tôi sắp bị xóa sổ hoàn toàn" - bà Ngần nói.

Bà Ngần cho biết, qua đặc điểm nhận dạng thì loài sâu này có đầu hình chữ Y ngược, đốt gần đuôi có 4 chấm hình vuông đậm, các đốt còn lại có 4 chấm hình thang nhạt hơn, rất giống với đặc điểm của loài sâu keo mùa thu - vốn là loài dịch hại vô cùng nguy hiểm, có thể gây hại trên 81 loại cây trồng.

"Nếu đây đúng là sâu keo mùa thu thì rất nguy hiểm, rất mong các cơ quan chuyên môn Trung ương và địa phương sớm vào cuộc để khống chế giúp dân" - bà Ngần kiến nghị.

Nhiều nông dân trồng ngô ở xã Sơn Lai, huyện Nho Quan (Ninh Bình) cũng đang đứng trước nguy cơ trắng tay vì loại sâu này tàn phá. Anh Nguyễn Văn Thức - nông dân ở đây cho biết, đến thời điểm này hầu như 100% các ruộng ngô trên địa bàn xã đều bị sâu lạ đục phá, có nhiều ruộng đã bị xóa sổ.

Vẫn có thể diệt trừ

img

  Loài sâu lạ ăn, phá ngô ở Việt Nam rất giống với đặc điểm của loài sâu keo mùa thu đã phát hiện trên thế giới.  Ảnh: Trần Quang

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) đã có văn bản gửi Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố cảnh báo về nguy cơ xâm nhiễm của một loài sâu hại mới rất nguy hiểm có tên Sâu keo mùa thu vào nước ta. 

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Phạm Đình Cư - Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho hay: Hiện nay, theo thống kê sơ bộ, toàn xã có khoảng trên 10ha ngô bị sâu lạ phá hoại. Điều đáng nói là bà con và các cán bộ nông nghiệp của địa phương đã tìm đủ mọi cách nhưng vẫn không thể khống chế và diệt được loại sâu mới này.

"Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục cho cán bộ thống kê diện tích ngô bị thiệt hại và đề xuất phương án hỗ trợ lên trên, giúp bà con giảm bớt thiệt hại, sớm ổn định sản xuất" - ông Cư khẳng định.

Loài sâu lạ này không chỉ xuất hiện ở các vùng trồng ngô tại Ninh Bình mà mới đây nông dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) cũng phát hiện loài sâu này đang gây hại, lan rộng trên nhiều ruộng ngô. Bà Bùi Thị Cảnh - nông dân ở xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng cho rằng: “Nếu như các loại sâu khác chỉ phá hoại cây trồng vào ban đêm thì loài sâu mới này tấn công cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi đã dùng và phun nhiều loại khác nhau nhưng không có kết quả”.

Theo TS Vương Huy Minh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô (Hà Nội): “Ban đầu bà con nghĩ loại sâu này cũng giống như các loại sâu khác như đục thân, sâu xám... nhưng khi thấy sâu lây lan nhanh, mạnh, chúng tôi kiểm tra, mới thấy loài sâu này khá giống với loài sâu keo mùa thu”.

“Loài sâu này có tập tính đẻ tập trung vào ruộng ngô non nhiều hơn. Chúng ăn lá ngô với tốc độ rất nhanh. Nguy hiểm hơn, chỉ có thể diệt trừ loài sâu này khi chúng chưa chui vào nõn cây, nhưng khi chúng đã vào được nõn thì việc phun trừ không hiệu quả” - ông Minh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm - Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, dù là loài sâu mới rất nguy hiểm, phát tán và lây lan nhanh nhưng vẫn có thể diệt trừ được bằng biện pháp phun trừ và cải tạo đồng ruộng sau thu hoạch.

“Trước mắt, khi phát hiện loài sâu này phá ngô, bà con phải báo cho cơ quan chuyên môn ở địa phương để tiến hành khoanh vùng, xử lý nếu phát hiện đối tượng sâu lạ (chưa từng bắt gặp tại Việt Nam). Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp các cơ quan chuyên môn để điều tra và đánh giá toàn diện về loại sâu mới này để có biện pháp ngăn chặn, phòng trừ kịp thời. Chúng tôi sẽ ưu tiên sử dụng biện pháp sinh học để xử lý loại sâu nguy hiểm này" - ông Liêm nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem