Với 18.000 tấn mỗi ngày, đến năm 2050 thức ăn của cá sẽ là nhựa?

Danh Hùng Chủ nhật, ngày 29/04/2018 07:30 AM (GMT+7)
Đó là một trong những con số đáng báo động được các chuyên gia môi trường đưa ra và nếu tính dân số Việt Nam là 93,7 triệu người (theo thống kê 2017 của Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế), thì lượng rác thải nhựa thải ra là gần 18.000 tấn mỗi ngày.
Bình luận 0

Bà Quách Thị Xuân - Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững Đà Nẵng - cho biết trung bình mỗi người Việt Nam thải ra 1,2kg rác, với 93,7 triệu người, mỗi ngày người Việt Nam đang thải ra môi trường 18.000 tấn.

img

Con số 18.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày thực sự là con số đáng báo động. Ảnh IT

Cũng theo bà Xuân, vấn đề hiện nay là số lượng rác thải nhựa được tái chế còn rất thấp, nên số rác nhựa còn lại vẫn tồn tại trong môi trường và đi ra đại dương.Theo nhiều nghiên cứu, nếu không hành động ngay bây giờ thì đến năm 2050, đại dương sẽ nhiều rác hơn là cá.

Trong khi đó, tại Việt Nam, biển tạo ra sinh kế cho hàng triệu con người, đồng thời cung cấp thức ăn cho cả Việt Nam.

"Tình trạng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam đang rất nghiêm trọng. Nhựa đang gây ra những “vùng chết” trên đại dương, gây tổn hại đến trữ lượng cá - bà Xuân báo động - Ở Việt Nam đã có trường hợp rùa biển bị chết do mắc vào lưới đánh cá hoặc ăn phải rác thải nhựa".

img

Đến năm 2050, rất có thể rác thải nhựa ở đại dương sẽ nhiều hơn cá. Ảnh IT

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Linh - giám đốc Tổ chức Hành động vì môi trường và phát triển tại Việt Nam (ENDA Vietnam), nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới trên 109 quốc gia chỉ ra rằng Việt Nam đứng thứ 17 trên bảng "thành tích" về rác thải nhựa.

Không chỉ vậy, Việt Nam được biết đến là có số lượng rác thải nhựa thải ra gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp.

"Sự tích tụ của các mảnh rác vụn dưới biển là một vấn đề do con người tạo ra, vì vậy nó đòi hỏi một giải pháp đến từ con người. Đây thật sự là một thời điểm rất đáng để suy ngẫm khi mà sự tích tụ chất thải trong đại dương ở đảo rác Thái Bình Dương đã đạt mức quá lớn", bà Mary Tarnowka, tổng lãnh sự Mỹ, phát biểu.

Hiện tại, đảo rác Thái Bình Dương (vòng xoáy rác thải ở trung tâm Bắc Thái Bình Dương) đã có kích thước lớn gần gấp 6 lần Việt Nam với 90% rác thải là nhựa, theo tiến sĩ David Saiia, nhà đồng sáng lập Tổ chức Reuse Everything Institute.

Mới đây, Bộ TN&MT vừa có văn bản về việc tổ chức chuỗi hoạt động thuộc Tháng Hành động về môi trường, hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới năm 2018 trên phạm vi cả nước.

img

Rác thải làm ô nhiễm môi trường biển - vấn nạn không riêng quốc gia nào. Ảnh IT

Nhiều hoạt động cộng đồng sẽ được tổ chức như: Chiến dịch "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần"; ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước; tổ chức các lớp học giáo dục môi trường, thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi ni lông tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư... nhằm khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa, túi nilon và từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khối lượng nhựa thế giới thải ra mỗi năm đủ để trải 4 lớp quanh Trái đất. Trong khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ, phần lớn không được xử lý ở các bãi chôn lấp.Ước tính, với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050. Một phần lớn trong số đó sẽ bị thải ra các đại dương và tồn tại trong nhiều thế kỷ, gây ô nhiễm môi trường và nhiều hệ lụy khác. Do đặc tính khó tiêu hủy trong tự nhiên, chất thải nhựa đang trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem