Vụ lợn chết nổi lềnh phềnh ở Bắc Giang: 2 tỉnh ngồi bàn cách xử lí

Long Xuân Thứ sáu, ngày 17/05/2019 07:43 AM (GMT+7)
Sau chuyến kiểm tra bất ngờ của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và cuộc họp trực tuyến của Bộ NN&PTNT về dịch tả lợn châu Phi, chiều qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn 2 tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên đã ngồi lại họp bàn giải pháp xử lí vụ xác lợn chết nổi lềnh phềnh những ngày qua trên kênh thủy lợi ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, nơi tiếp giáp địa phận tỉnh Thái Nguyên.
Bình luận 0

img

Đưa lợn chết vì dich tả heo châu Phi xuống hố chôn lấp. Ảnh: L.X

Không còn tình trạng mỗi ngày vớt hàng tấn xác lợn trôi trên kênh như thời điểm cách đây cả tháng, nhưng trong không khí khu vực xung quanh kênh mương xã Đại Thắng, huyện Hiệp Hòa tiếp giáp địa phận tỉnh Thái Nguyên trong sáng ngày 16/5, PV ghi nhận vẫn còn đọng lại mùi hôi từ nước trên kênh và tại những hố chôn xác lợn được vớt lên từ kênh.

img

Những con lợn chết vì nhiễm dịch tả heo châu Phi được đưa vào hố chôn đã đào sẵn

img

Các lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang phải huy động máy xúc để tiến hành chôn lấp lợn chết. Ảnh: L.X

Mồ hôi ướt đẫm áo, gương mặt đỏ gay gắt dưới cái nắng nóng gần 40 độ C, ông Dương Quang Thể, thôn Hoàng Liên, xã Hoàng An (huyện Hiệp Hoà - Bắc Giang) cho biết hàng ngày, ông vẫn miệt mài từ sáng đến chiều tối vớt rác trên kênh và chăm chú quan sát xem có xác lợn trôi để báo chính quyền địa phương chôn lấp kịp thời.

"Xác lợn có mấy loại, xác mới trương, thứ hai là xác lợn vừa chết vẫn còn máu. Những xác lợn này từ thượng nguồn ở kênh mương huyện Phú Bình, Thái Nguyên trôi về. Mong các cấp chính quyền có giải pháp làm sao ngăn chặn tình trạng này, đồng thời cũng mong người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường chung" - ông Thể nói.

Theo phản ánh của người dân xã Đại Thắng, do ở cuối kênh nên tình trạng rác thải và xác động vật ở thượng nguồn thường trôi dạt về khu vực này, nhất là thời điểm đầu tháng 4, mỗi ngày người dân nơi đây vớt được từ 3 đến 4 tấn lợn chết.

Ngoài việc số lợn chết này phát tán mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi, chúng còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân địa phương.

img

Người dân túc trực để vớt rác và xác lợn chết trôi trên kênh. Ảnh: L.X

Chị Trần Thị Trang, thôn Bảo An, xã Hoàng An cho biết: Xác động vật trôi về gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, xác động vật phân hủy trong nguồn nước, từ đó thẩm thấu vào nguồn nước ngầm, gây các bệnh về đường hô hấp cho trẻ em và người già ở địa phương.

Theo ghi nhận của PV, đến nay, 10 huyện, thành phố của tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với số lượng lợn phải tiêu hủy hơn 87.000 con, tổng trọng lượng hơn 5.000 tấn.

img

Vừa tổ chức chôn lấp gần 1 tấn lợn trong sáng 16/5, ông Nguyễn Sơn Động, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Phong thông tin: Gần đây, ngày nào trên địa bàn xã cũng có lợn chết, dịch tả này có đường lây truyền rất phức tạp. 

Trong khi đó, ông Đoàn Văn Tới, Trưởng Thú y xã Lương Phong chia sẻ: "Từ khi xảy ra dịch bệnh, trên địa bàn có lợn chết bất kể ngày đêm, do vậy khi nhận được báo của trưởng thôn, thứ nhất về thời gian là không ấn định - đó là khó khăn hiện nay, khi có tin báo thú y phải đến ngay để xác minh, thứ hai là lấy mẫu xét nghiệm, nếu phát hiện virus dịch tả lợn châu Phi sẽ báo cáo Ban chỉ đạo tổ chức tiêu hủy kịp thời".

Ông Nguyễn Đức Việt, ở thôn Tứ, xã Lương Phong - hộ dân vừa bị tiêu hủy những con lợn cuối cùng trong đàn lợn khoảng 80 con mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi bày tỏ: "Đợt dịch này gia đình tôi không chống cự được nữa. Không còn gì nữa. Chúng tôi mong muốn chính quyền và ngành chức năng nghiên cứu, có cơ chế hỗ trợ là khoanh nợ ngân hàng cho gia đình, giúp chúng tôi khôi phục sản xuất sau dịch bệnh để ổn định cuộc sống".

img

Khu vực hố chôn lợn chết vớt lên từ kênh Đại Thắng, huyện Hiệp Hoà. Ảnh: L.X

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Bắc Giang cho biết, Chi cục đã thành lập 10 tổ trực tiếp có mặt tại 10 huyện, thành phố và chịu trách nhiệm xác minh, hướng dẫn các biện pháp chống dịch tại các huyện với phương châm xử lý nhanh, khoanh vùng kịp thời tiêu hủy lợn mắc bệnh trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện. Đồng thời làm việc với các chủ trang trại để tập huấn, hạn chế tối đa việc những người tiếp xúc trực tiếp với môi trường chăn nuôi giao lưu rộng rãi ngoài môi trường để hạn chế nguồn lây nhiễm.

ề chính sách hỗ trợ lợn mắc bệnh bị tiêu hủy, Chi cục đã và đang tham mưu UBND tỉnh có cơ chế kịp thời. Người dân cũng cần phối hợp cùng chính quyền địa phương, nâng cao nhận thức không vứt xác lợn chết ra môi trường.

img

Từ khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, trên địa bàn huyện Hiệp Hoà hầu như ngày nào cũng có lợn chết. Ảnh: L.X

Tuy nhiên, ông Lê Văn Dương cũng băn khoăn, khi toàn tỉnh đang nỗ lực chống dịch, thậm chí người chăn nuôi còn bị hạn chế giao lưu tiếp xúc với môi trường bên ngoài thì nguồn nước bị ô nhiễm trở thành kênh truyền dịch rất khó ngăn chặn. Hiện, huyện Hiệp Hòa cũng đã thành lập một tổ thường trực để thực hiện trục vớt và chôn lấp xác lợn.

"Chúng tôi chủ động làm việc với tỉnh Thái Nguyên để giải quyết dứt điểm tình trạng xác lợn trôi dạt trên kênh địa phận giáp ranh 2 tỉnh. Quan điểm là tập trung tuyên truyền dọc 2 bờ kênh để người dân hiểu được mức độ nguy hại của dịch tả lợn châu Phi. từ đó bà con chủ động phối hợp phòng chống dịch với chính quyền các địa phương, tránh tình trạng vứt xác lợn ra môi trường" - ông Dương nói. 

    

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem