Một cuốn sách đưa ra bán không phải là cái rổ, cái rá...

Nguyễn Quang Thân Thứ bảy, ngày 13/12/2014 09:40 AM (GMT+7)
Một cuốn sách đưa ra bán không phải là cái rổ, cái rá. Rổ rá hư hỏng, có lỗi thì chỉ người mua chịu thiệt. Nhưng một cuốn sách? Nó lưu lại trong thư viện hàng thế kỷ, trong người đọc nhiều thế hệ kế tiếp...
Bình luận 0

 Tôi rất sốc khi đọc tin trên Báo NTNN là Nhà xuất bản (NXB) Văn hóa Thông tin có hàng loạt vi phạm trong việc in ấn, xuất bản 60 cuốn sách chỉ tính từ tháng 1.2014 lại đây.

Con số 60 lần vi phạm trong gần một năm trong nghề xuất bản của 1 NXB làm chúng ta giật mình sửng sốt. Các cụ thường nói “quá tam ba bận”, nghĩa là con số 3 là giới hạn cho những hành động sai trái. Số 3 là điểm cuối của sức chịu đựng, của lòng kiên nhẫn với một sai lầm được lặp lại, một lời hứa cuội viển vông hay một cái gì tương tự như thế.

Ví dụ, người nông dân cấy giống lúa X, trong mùa đầu năng suất kém, có thể nghĩ không phải do giống mà do phân bón không tốt, không đủ. Lần hai, sau khi đã bổ sung, thay thế phân bón mà năng suất vẫn thấp, vẫn có thể nghĩ là do cấy hay sạ sai thời vụ hay do tưới tiêu không kịp thời, không hợp lý. Mùa thứ ba, vẫn kiên trì gieo giống X sau khi đã làm tốt các khâu nước, phân, chăm sóc trong bốn khâu quan trọng nhất của nghề nông (nước, phần, cần giống), mà năng suất vẫn thấp thì không còn cách nghĩ nào khác là phải thay giống, mất mùa là do giống không oan sai.

Tôi không biết trong năm nay (2014) và những năm trước đó NXB này cho ra thị trường bao nhiêu cuốn sách. Nhưng chưa trọn một năm mà bị sai sót phải phạt vạ đến 60 lần thì có thể nói là quá đáng!

Một cuốn sách đưa ra bán không phải là cái rổ, cái rá. Rổ rá hư hỏng, có lỗi thì chỉ người mua chịu thiệt. Nhưng một cuốn sách? Nó lưu lại trong thư viện hàng thế kỷ, trong người đọc nhiều thế hệ kế tiếp. Và có thể nói, trong ba loại “sách” phổ biến nhất loài người thường dùng để ghi lại ký ức hay truyền bá văn hóa là bia đá (văn bia) bia miệng (văn truyền khẩu) và sách (văn sách, ngày nay còn bao gồm phương tiện tin học như đĩa CD...) thì sách là thứ quan trọng bậc nhất. Bia đá có thể mòn, hỏng không đọc được và thường chỉ có một bản. Bia miệng tuy ngàn năm trơ trơ nhưng có thể tam sao thất bản, sai lạc hay bị quên lãng. Phương tiện tin học có thể bị lạc hậu làm hậu thế không đọc được. Nhưng sách thì được lưu giữ hàng ngàn chỗ, trong các gia đình, trong thư viện và nếu cần người ta có thể in lại hàng ngàn, hàng vạn bản gìn giữ hàng ngàn năm.

Sai lầm của một cuốn sách được thể hiện nhiều mặt. Nội dung sai là cái sai lớn nhất. Chính tả sai cũng thuộc về nội dung, có thể làm thay đổi tiếng nước nhà theo chiều hướng xấu. Và cuối cùng là hình thức trình bày (ảnh minh họa, họa tiết trang trí...) Sai mặt nào cũng là cái sai chết người! Vì như, cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của Vũ Chất. Cuốn sách “có nhiều chỗ giải thích sai nghĩa, sai bản chất từ ngữ”. Vậy mà cũng bán ra, cũng dám cho trẻ con dùng, tức là chẳng khác nào bôi mực bẩn lên tờ giấy trắng suốt đời khó gột rửa. Cuốn sách gây chấn động dư luận và bị thu hồi là chính xác. Hay như cuốn “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc”, ngoài nhiều nội dung sai, sót còn đưa cả hình minh họa rẻ tiền của games, của sách kiếm hiệp ra bôi bác nhân vật lịch sử.

Điều lạ là, tại sao không chỉ 3 lần mà phải đến 60 lần NXB này mới bị kiến nghị ngừng làm hàng kém chất lượng, thậm chí độc hại?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem