Một kiếp người đằng sau bản án oan

Thứ tư, ngày 30/04/2014 13:38 PM (GMT+7)
Có những người không may bị kết án oan nhưng sau đó họ được cơ quan tố tụng tố tụng xin lỗi, bồi thường để rồi từ đó họ làm lại cuộc đời.
Bình luận 0
Nhưng với trường hợp của ông Vũ Thanh Hải (SN 1962) - nguyên Trưởng phòng Công chứng số 3 Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, điều đó không thể xảy ra.

Sinh nghề, tử nghiệp

"Có ai ngờ vợ chồng chúng tôi học ngành luật, công tác trong ngành luật, hiểu rõ pháp luật mà không sao đấu tranh trước việc oan sai xảy đến với mình" - bà Hoàng Thị Vui (SN 1963, vợ ông Hải, hiện đang sinh sống ở Bà Rịa – Vũng Tàu (BR - VT) mở đầu câu chuyện bất hạnh của gia đình bà.

Bà Vui và con trai trong lần về quê Thái Bình.
Bà Vui và con trai trong lần về quê Thái Bình.

Bà Vui là người Hải Dương còn ông Hải ở Thái Bình, họ quen và nên duyên chồng vợ dưới mái trường ĐH Pháp lý, nay là ĐH Luật Hà Nội. Bà học khóa 1984 -1988, còn ông Hải học sau một khóa.

Theo lời kể của ông Vũ Thanh Hà (em ruột ông Hải), anh trai ông là người rất có nghị lực. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ông Hải trở về mới ôn thi và đỗ ĐH. Sau khi ra trường, ông kết hôn với bà Vui rồi vào Thừa Thiên- Huế công tác tại Viện KSND huyện Phong Điền. Năm 1994, cả gia đình chuyển vào BR -VT, ông Hải công tác trong Ban Tổ chức chính quyền, năm 1995 trở thành Trưởng phòng Công chứng số 1 (sau đó sang Phòng Công chứng số 3). Còn bà Vui công tác ở Trường Chính trị tỉnh.

Nói về phong cách làm việc của chồng mình, bà Vui nhớ lại: “Anh ấy là người rất mẫn cán, công tâm, trách nhiệm với công việc. Tôi cũng bận việc nhưng luôn phải dành thời gian để cơm nước đúng giờ. Nhiều hôm anh ấy đi làm về mệt quá, trong lúc chờ cơm chỉ chợp mắt mà ngủ một mạch luôn". Cuộc sống gia đình đang hạnh phúc, công việc đang thuận lợi thì tai họa bất ngờ ập xuống. Bắt nguồn từ hồ sơ ông Hải công chứng hợp đồng mua bán nhà đất cho ông Nguyễn Văn Tuân (BR -VT) năm 1996, tranh chấp đã xảy ra.

Ngày 19.4.2004, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh BR-VT khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Tuân về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, còn ông Vũ Thanh Hải bị khởi tố về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, ông Hải được hưởng tại ngoại để điều tra.

"Tôi hiểu rõ sự việc này. Trước khi cơ quan tố tụng tiến hành khởi tố anh Hải, tôi đã đi gặp từng người có trách nhiệm để giải thích, chứng minh rằng vụ việc của ông Tuân và chồng tôi chỉ là vấn đề dân sự nhưng chẳng có ai nghe. Họ đã hình sự hóa một vụ việc dân sự" - bà Vui ngậm ngùi nhắc lại những tháng ngày đau buồn.

Ngay sau khi bị khởi tố, ông Hải đã sốc nặng nên ngay lập tức phát bệnh tâm thần. "Anh ấy chạy cứ lông nhông trên đường, tôi đuổi theo giữ không được, ngày nào cũng như vậy kiệt cả sức. Không quản nổi, tôi đưa chồng vào bệnh viện tâm thần để điều trị. Đến khi lặn lội vào thăm chồng thì lại phải chứng kiến cảnh những người tâm thần cùng phòng đánh lộn nhau, chồng tôi bị đè xuống sàn nhà, người thì nằm lên, người thì đánh túi bụi" - bà Vui khóc nói.

"Tôi không đồng tình việc chỉ cử cán bộ cấp trưởng phòng đến xin lỗi, đã là đại diện thì phải là Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng. Về khoản bồi thường tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để yêu cầu Viện KSND tỉnh BR -VT giải quyết. Vụ việc của chồng tôi không giống các trường hợp khác, trước khi bị khởi tố anh ấy là người khỏe mạnh, sau khi bị khởi tố đã sốc nặng mới phát bệnh rồi sau đó tự tử”.

Bà Hoàng Thị Vui

Thương chồng, bà đành phải xin cho ông Hải về chữa trị, nhưng rồi trong căn nhà của mình ông Hải đã tìm đến cái chết để lại vợ và 2 con nhỏ (đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ mới 5 tuổi). "Gia đình tôi không hề có tiền sử về bệnh tâm thần, anh Hải đã bị sốc nặng quá, tuyệt vọng nên anh ấy mới làm điều dại dột như vậy" - ông Vũ Thanh Hà, em ông Hải cho biết.

Đội đơn kêu oan cho chồng

Gia đình rơi vào cảnh bất hạnh, bà Vui phải nghỉ lên lớp ở Trường Chính trị 2 năm. "Tôi làm sao còn đủ tự tin mà lên lớp giảng bài, mình dạy về pháp luật cho toàn những cán bộ mà chồng mình như vậy nói còn ai nghe" - bà Vui tâm sự. Sau thời gian tạm nghỉ để ổn định tâm lý sau cái chết của chồng, bà Vui đã xin nghỉ hẳn để chuyển ra ngoài làm việc cho một doanh nghiệp, một mình nuôi hai con ăn học.

Để nỗi bất hạnh gia đình không ảnh hưởng đến hai con, bà Vui đã mang tro của chồng vào chùa để gửi. Mỗi năm đến ngày giỗ của chồng, người phụ nữ này lại lặng lẽ một mình đến chùa khấn vái, cầu mong linh hồn chồng sớm được siêu thoát.

Vừa làm việc, chăm lo cho hai con, bà Vui vừa đi gõ cửa kêu oan cho chồng. Bà bảo: "Anh ấy không còn nhưng phải được minh oan được thì linh hồn mới siêu thoát. Vợ con, anh em trong gia đình không phải mang tiếng nhà có người chết để trốn tội".

Vụ việc của gia đình bà Vui tương tự như vụ của ông Phạm Đức Bình (SN 1956) ở phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (báo NTNN đã đăng). Năm 2006, ông Bình được TAND Tối cao trả lời ông bị kết án oan và được xin lỗi bồi thường theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sự việc đã rõ ràng nhưng ông Bình vẫn phải gõ cửa khắp các cơ quan bao năm trời. Mãi tới gần đây, ngày 4.4.2014, sau cả một quá trình dài kiên nhẫn không mệt mỏi, ông Bình mới được TAND TP.Hà Nội tổ chức xin lỗi công khai. Ông Bình từng than: "Sự bế tắc đã làm tôi mòn mỏi trong tuyệt vọng, nhiều lúc cũng đã nghĩ đến cái chết để buông hết mọi thứ".

Đến tháng 4.2006, TAND tỉnh BR-VT xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Nguyễn Văn Tuân 11 năm tù. Sau khi ông Tuân kháng cáo, tháng 12.2006, TAND Tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đã tuyên ông Tuân không phạm tội. Sau đó, ông Tuân đã được TAND tỉnh BR-VT xin lỗi công khai và bồi thường oan sai. Bản án trên là cơ sở pháp lý để khẳng định ông Hải bị khởi tố là sai, thế nhưng Viện KSND tỉnh BR -VT vẫn làm ngơ. "Tôi cầm đơn đi đến đâu người ta lại đùn đẩy trách nhiệm của người này, người kia, không ai chịu giải quyết" - bà Vui bức xúc.

Với trách nhiệm quá lớn từ người chồng mất đi đè nặng lên vai, bà Vui không dám nghĩ đến điều tiêu cực. Bà không thể nhớ đã gửi bao nhiêu đơn tới các cơ quan chức năng, bao nhiêu lần lặn lội từ BR -VT ra Hà Nội. Chỉ riêng Viện KSND Tối cao, bà đã gửi hàng chục lần đơn, chưa kể Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội...

Trong hoàn cảnh khó khăn, éo le của mình nhưng bà Vui vẫn nuôi hai người con trai ăn học tử tế. "Hai con tôi thương mẹ nên rất ngoan và chịu khó học. Cháu cả Vũ Thanh Khoa Điền vừa tốt nghiệp ĐH Ngoại thương TP.HCM, còn Vũ Thanh Sơn Lâm đang học phổ thông" - bà Vui nói, thoáng vui hiện lên trong ánh mắt mênh mang buồn.

Sự tranh đấu kiên cường của bà sau 8 năm cuối cùng cũng đã cho quả ngọt. Ngày 18.4.2014, tại phường Kỳ Bá, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình, đại diện Viện KSND tỉnh BR -VT đã tổ chức buổi công khai xin lỗi gia đình bà theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước vì đã kết án oan cho chồng bà – ông Vũ Thanh Hải.

"Để có được ngày hôm nay, không thể đong đếm được bao nhiêu công sức, tiền của, mồ hôi và cả nước mắt tôi đã bỏ ra bấy nhiêu năm trời. Vì thế, tôi chỉ mong rằng đừng ai bị oan sai như chồng tôi, để rồi cả gia đình phải ly tán. Tôi đề nghị không chỉ các cơ quan tiến hành tố tụng ở BR-VT, mà trên cả đất nước này phải quan tâm đến số phận con người, khi khởi tố điều tra phải có trách nhiệm với việc làm của mình" - bà Vui gạt nước mắt rắn rỏi đề nghị.
Ngọc Lương (Ngọc Lương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem