Một lễ hội mù mờ

Đức Hoàng (Dòng đời) Thứ tư, ngày 03/09/2014 09:38 AM (GMT+7)
Người ta muốn tổ chức sinh nhật cho Hai Bà Trưng – dù không ai biết Hai Bà Trưng sinh chính xác ngày tháng năm nào. Chuyện nghe như đùa. Nhưng nói thẳng ra, nếu có tiền, nếu sung túc, thì “đùa” lúc nào cũng được, chẳng sao.
Bình luận 0
1 Tháng 7.1951, thành phố Paris tổ chức sinh nhật 2.000 năm. Thật khó mà tưởng tượng nổi đại lễ tầm vóc cỡ ấy của kinh đô ánh sáng, nơi sự phù phiếm đã trở thành huyền thoại có thể hoành tráng ra sao. Hãy thử đọc một đoạn mô tả về đại lễ 2.000 năm này trên tờ Sydney Morning Herald của Úc số ra ngày 9.7.1951: “Dọc mọi đại lộ và con phố, trên những quảng trường lớn và các ngõ nhỏ, thủ đô nước Pháp đã trang hoàng cho ngày Chủ nhật rực rỡ. Lễ hội nối tiếp lễ hội – các cuộc thi đấu, vũ hội hóa trang, diễu binh tái hiện lịch sử”. 
img Áp phích cho lễ kỷ niệm 2000 năm thành phố Paris, năm 1951. IT 

Nhưng có một vấn đề ở đây: Năm ấy, ai cũng biết thừa rằng Paris không phải 2.000 tuổi. Thật ra thành phố đã được ra đời từ quãng năm 250 trước công nguyên. Thời đó, bộ tộc Parisii bắt đầu xây dựng thủ phủ của họ ở đây, với một xã hội tương đối hoàn chỉnh. Họ thậm chí còn có đồng tiền riêng. Sau này, tên của Paris cũng được lấy theo tên của bộ tộc Parisii – như một minh chứng rành rành rằng Paris đã 2.300 tuổi vào cái năm “đại lễ” ấy. Thế mới khôi hài.

Năm 52 trước công nguyên là một cái mốc khác. Năm đó, Julius Caesar của La Mã đánh bại những người Parisii, chiếm lấy vùng đất này và bắt đầu xây dựng ở đây một đô thị lớn, với nhà hát, đền đài, nhà tắm công cộng... Nói cách khác, là năm một Paris “phồn hoa” ra đời.

Ai cũng biết điều đó. Báo chí cũng nhắc tới. Chính quyền cũng chẳng biện minh. Nhưng họ vẫn tổ chức đại lễ rất hoành tráng và vui vẻ, báo chí quốc tế đăng tải với những dòng ngợi khen. Bây giờ nhìn lại sự kiện ấy thì có vẻ như là dân Paris bỗng dưng muốn... lễ thế thôi. Họ cần chọn một cái mốc đẹp để tổ chức một sự kiện ăn chơi. Có vẻ rất hợp với tính cách của nước Pháp. 

Vì thích nên làm thôi, chứ không hề có ý định “lập lờ” về lịch sử. Paris vẫn 2.300 tuổi, phải, chúng tôi biết. Nhưng chúng tôi thích vẽ ra sự kiện đấy, có vui không? Vui chứ, khán giả gật gù. Vừa kết thúc Thế chiến 2 đầy gian khổ, tổ chức một dịp ăn chơi tất nhiên là ổn.

Nếu một sự kiện như thế mà được tổ chức ở nước ta thì không hiểu là phản ứng của dư luận sẽ như thế nào. Không thể tưởng tượng nổi. Ai lại lấy cái ngày bị La Mã xâm chiếm ra mà tổ chức đại lễ hả giời?

2 Vấn đề cơ bản là người Paris có tiền thì họ thích vẽ ra lễ hội nhân dịp gì cũng được. Họ kỷ niệm một vạn năm ngày Paris được thành lập cũng chẳng sao, vì có bằng chứng khảo cổ cho thấy con người cư trú ở vùng đất này vào quãng năm 9.000 trước công nguyên. Vấn đề cơ bản, là dân chúng cảm thấy thoải mái với việc tổ chức lễ hội.

Trong bối cảnh kinh tế và chính trị Pháp đang khủng hoảng như năm 2014 này thì có thể lễ hội ấy sẽ không được “welcome” lắm. Và tất nhiên, trong bối cảnh của Việt Nam năm 2014, thì một lễ sinh nhật của Hai Bà Trưng, mà theo rất nhiều chuyên gia là “tưởng tượng” ra ngày sinh của Hai Bà, cũng không được chào đón. Ý tưởng đó nhận phản ứng mạnh mẽ từ dư luận.
Hai Bà Trưng rất có thể đã sinh năm 14. Hẳn là thành phố Hà Nội cũng đã sưu tầm được một vài truyền thuyết hay cơ sở gì để đưa ra cái mốc ấy. Hai bà đánh giặc năm 40 sau công nguyên, như vậy là không có gì bất hợp lý về tuổi tác. 

Hãy tưởng tượng rằng chúng ta đang trải qua những gì nước Pháp đang trải qua năm 1951, khi kinh tế đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Trong vòng 5 năm sau khi kết thúc Thế chiến 2, kinh tế Pháp tăng trưởng ở mức không tưởng là trung bình 10%/năm. Năm 1951, Pháp, Đức, Ý và nhiều nước Tây Âu khác, những kẻ thù cũ trong Thế chiến 2, cùng ký “Hiệp ước Paris” thắt chặt hợp tác kinh tế và ngoại giao, chia sẻ tài nguyên khoáng sản, mở đầu cho một tiến trình phát triển kinh tế bền vững.

Nếu đất nước đang ở trong bối cảnh thịnh vượng ấy, thì bạn có “lăn tăn” rằng Hai Bà Trưng sinh ngày tháng năm nào hay không? Hay nếu có đề xuất về việc tổ chức một đại lễ ghi nhận công lao của hai vị anh hùng dân tộc, nếu đại lễ hứa hẹn sẽ vui như... Paris, thì bạn sẽ tặc lưỡi: Thôi chọn lấy một cái mốc mà kỷ niệm cũng chẳng sao.

Câu chuyện ở đây không phải là sinh nhật Hai Bà Trưng, mà là thái độ dè chừng, nếu không muốn nói là sợ hãi của người dân trước cái gọi là “lễ kỷ niệm”.
Thứ khiến “Sinh nhật Hai Bà Trưng” bị phản đối không hẳn là việc không xác định được ngày sinh thực của hai bà. Đó là bởi trong tiềm thức, dư luận đã sờ sợ khi nghe đến một lễ hội.

3 Sự lãng phí trong việc tổ chức lễ hội đã trở thành một “đặc sản” của nước ta và thậm chí đã được đưa ra bàn trước Quốc hội, được đưa vào nghị quyết. Chúng ta đã chạy theo chủ nghĩa hình thức đến mức mà ngay cả việc “dùng phù hiệu, nơ, hoa cài ngực”, kính thưa kính gửi bao nhiêu lần cũng phải được quy định trong nghị định của Chính phủ. Tỉ mỉ đến như thế, là đủ hiểu tính chất vấn đề. Như người ta dạy trẻ con – không có ý thức tự giác – tập ăn tập nói.

Lãng phí, nhưng không vui. Lễ hội trở thành một dịp chen lấn xô đẩy, một khung cảnh nhốn nháo thiếu tổ chức, chỉ vất vả các cô lao công đi dọn rác sau lễ và béo bở kẻ gian. 
Đúng là dân ta thiếu chỗ để chơi, thiếu thứ để giải trí, nên những dịp lễ vẫn đổ ra đường, chen lấn đến gần sân khấu, nhưng không phải vì thế mà nó trở nên có ý nghĩa.

Thứ khiến “Sinh nhật Hai Bà Trưng” bị phản đối không hẳn là việc không xác định được ngày sinh thực của hai bà. Đó là bởi trong tiềm thức, dư luận đã sờ sợ khi nghe đến một lễ hội.
Và đặc biệt là trong bối cảnh mà xã hội đang nảy sinh quá nhiều vấn đề, với hạ tầng đô thị, trường học, bệnh viện động đến là “rối như tơ”, trong bối cảnh người ngư dân không có con tàu sắt, chỉ có tàu gỗ để lũ “cướp biển” đâm tang thương thì việc chi ngân sách để tổ chức một lễ hội mù mờ khiến người ta hoảng hốt. Chưa bao giờ, cái bài toán “từng này tiền là bao nhiêu con tàu sắt, bao nhiêu trường học, bao nhiêu bệnh viện” được đặt ra nhiều như bây giờ.

Lễ hội mù mờ chỉ dành cho nước Pháp năm 1951, khi nền kinh tế tăng trưởng 10% trong 5 năm liên tục thôi. Năm 1951 ấy, giả thử Hãng Air France vừa bị “tái cơ cấu” với khoản nợ 8 tỷ USD xem người ta có dám “đánh lận con đen” mà tổ chức đại lễ cho... sướng hay không?
Kính mừng sinh nhật Hai Bà Trưng

Ai cũng biết Hai Bà Trưng là những bậc nữ lưu anh kiệt trong lịch sử nước ta. 

Sắp tới, nghe nói UBND huyện Mê Linh và Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội định tổ chức kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh của Hai Bà Trưng, nhưng bị UBND thành phố Hà Nội ra công văn hỏa tốc đình lại, phóng viên bổn báo đã có một bài phỏng vấn nhân sự kiện lạ lùng này.

Phóng viên (PV): Kính thưa Hai Bà, có dự định tổ chức kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh của Hai Bà, hay còn gọi là tổ chức sinh nhật, chúng con mạn phép xin hỏi Hai Bà có ý kiến gì ạ?

Trưng Trắc: Các cháu dùng từ lạ quá. Ta nghe không hiểu gì hết. Kỷ niệm cái gì mới được chứ? Em Nhị có biết không?

Trưng Nhị: Dạ thưa chị Trắc, em cũng không biết.

PV: Dạ cháu xin lỗi. Vì theo thư tịch cổ truyền lại, thì Hai Bà ra đời cách nay 2.000 năm, nay làm lễ kỷ niệm sự kiện đó, nhằm tôn vinh công đức của Hai Bà với dân tộc, đất nước.

Trưng Nhị: À, ra vậy. Ta xin đa tạ. Nhưng kỷ niệm như thế là kỷ niệm cho chị ta, chứ không phải cho ta. Làm cho một người mà lại gom lại là “Hai Bà Trưng”, coi sao được? Dù gì thì chị em chúng ta ít ra cách nhau một năm tuổi chứ. Gom chung làm một lễ, té ra chị em ta sinh đôi à?

Trưng Trắc: Em Nhị nói đúng. Chúng ta đâu có yêu cầu lễ lộc gì, nhưng nếu đã làm thì phải hợp lý chứ.

PV: Hai Bà dạy chí phải. Chúng cháu đọc sách vở ghi lại bà Trưng Trắc sinh năm 14 sau công nguyên, năm nay kỷ niệm sinh nhật 2.000 năm chẳn thì đúng rồi. Vậy không rõ bà Trưng Nhị sinh năm nào để sắp tới lại tổ chức thêm một lễ nữa ạ?

Trưng Trắc: Nói thật với các cháu, ta sinh năm nào ta cũng không biết. Em Nhị cũng thế. Mà cha mẹ ta có sống lại, cũng chưa chắc còn nhớ. Thời đó quản lý hộ tịch còn sơ sài lắm, chưa biết làm khai sinh nên khó nhớ đúng ngày. Vả lại, thời ta, chỉ có cúng giỗ, chứ làm gì có chuyện kỷ niệm sinh nhật. Có cúng thì cúng giỗ chung với các anh hùng nghĩa sĩ đã hy sinh cùng hai ta vậy.

Trưng Nhị: Nhưng nếu các cháu muốn tổ chức vui vẻ, thì cứ tổ chức, khỏi phải nhân danh sinh nhật hai ta mà… sai bét đấy.
PV: Vâng, chúng cháu cảm ơn Hai Bà ạ.

TỬNG
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem