Một xã nhỏ ở Thanh Hóa nhưng sở hữu nhiều cái "nhất", đó là gì vậy?

Hữu Dụng Thứ tư, ngày 07/02/2024 06:19 AM (GMT+7)
Sau những ngày dài vươn khơi bám biển, những con tàu cập bến, mang theo quà của biển cả và sự đoàn viên. Không khí tết đã tràn ngập xã đảo Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Lúc này, mọi người trong xã lại cùng kể cho nhau nghe chuyện về những cái nhất của xã mình.
Bình luận 0

Xã có mật độ dân số cao nhất Việt Nam

Ngư Lộc (hay gọi tên khác từ xưa là làng Diêm Phố) là 1 trong 5 xã ven biển của huyện Hậu Lộc được nhiều người biết đến với những con số đặc biệt: Xã không có đất canh tác nông nghiệp; diện tích toàn xã nhỏ nhất - chỉ với 0,46km2; mật độ dân số cao nhất với 40.000 người/km2.

Một xã nhỏ ở Thanh Hóa nhưng sở hữu nhiều cái "nhất", đó là gì vậy?- Ảnh 1.

Toàn cảnh xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ngư Lộc là 1 trong 5 xã ven biển của huyện Hậu Lộc được nhiều người biết đến với những con số đặc biệt: Xã không có đất canh tác nông nghiệp; diện tích toàn xã nhỏ nhất; mật độ dân số cao nhất Việt Nam. Ảnh: H.D.

Chiếu theo số liệu điều tra dân số năm 2019, mật độ cư dân sinh sống ở Ngư Lộc cao gấp 15 lần Hà Nội và 8,25 lần so với TP.HCM. Thậm chí, quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới là Monaco cũng chỉ đạt 20.000 người/km2.

Theo ông Nguyễn Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, xã hiện có 3.332 hộ và 19.530 khẩu, được xem là xã có mật độ dân số thuộc hàng cao nhất Việt Nam.

Về Ngư Lộc, điều nhiều người ngạc nhiên là những ngôi nhà san sát nhau, con đường dẫn vào trung tâm xã vòng vèo, những con ngõ, ngách nhỏ quanh co, lẩn quẩn (có nơi rộng chỉ 1-1,5m) khiến cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

Do điều kiện kinh tế khó khăn, không có đất canh tác nên mỗi gia đình ở xã Ngư Lộc luôn phải bám lấy nghề "cha truyền con nối" là nghề biển. 

Dân số sinh sôi nảy nở theo từng năm nhưng diện tích đất ở thì không sinh sôi nên trung bình một nhà có ít nhất 5-6 người, cao nhất là 10-11 người. Từ thế hệ cụ, ông bà, bố mẹ, con cháu, chút sống trong những căn nhà nhỏ bé, chật kín.

Sống nhờ vào nghề truyền thống

Theo ông Nguyễn Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, từ bao đời nay người dân quê ông sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá - được xem là nghề cha truyền con nối từ đời này sang đời khác với hơn 85% hộ dân làm nghề đánh bắt hải sản.

Theo thống kê của UBND xã, tính đến hết tháng 11/2023, toàn xã có 212 phương tiện nghề cá (giảm 70 phương tiện so với năm 2022) với tổng số lao động nghề cá là 1.540 người.

Một xã nhỏ ở Thanh Hóa nhưng sở hữu nhiều cái "nhất", đó là gì vậy?- Ảnh 4.

Những con đường nhỏ quanh co rộng từ 1-1,5m ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ngư Lộc được cho là nơi có mật độ dân số cao nhất Việt Nam. Ảnh: H.D.

Trước khi chuyển hẳn sang nghề biển, Ngư Lộc (Diêm Phố xưa) là làng hỗn canh, nhưng sau này đất sản xuất của làng bị xâm thực và nhiễm mặn đã không cho phép người dân nơi đây trồng trọt, làm nghề muối, nuôi trồng như các xã ven biển lân cận. 

Bên cạnh đó điều kiện tự nhiên lại ưu đãi cho người dân nơi đây nghề đánh bắt và khai thác hải sản, với ngư trường rộng lớn và phong phú về các loài hải sản.

Trong nhiều năm qua, xã Ngư Lộc luôn xác định kinh tế biển là ngành kinh tế chủ đạo. Lãnh đạo xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, để phát triển kinh tế biển, Ngư Lộc đã nghiên cứu khảo sát, xây dựng đề án cụ thể và có chiến lược, chính sách trước mắt và lâu dài cho phát triển kinh tế biển gắn với các dịch vụ hậu cần một cách đồng bộ. 

Về phát triển thủy sản, xã Ngư Lộc tập trung phát triển theo hướng đa con, đa canh, tăng giá trị sản xuất. 

Xã Ngư Lộc tập trung cải tiến, ứng dụng kỹ thuật mới về giống, công nghệ khai thác, chế biến... và được ngư dân, các cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp tiếp nhận, đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng thủy sản.

Cùng với đó, xã Ngư Lộc xây dựng các đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển hình thức tổ tàu thuyền hỗ trợ nhau trong khai thác và phòng tránh thiên tai. 

Xã đã chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu con giống, khai thác có hiệu quả nuôi trồng nhuyễn thể vùng triều; quy hoạch khu chế biến hải sản; xây dựng một số mặt hàng có giá trị thương hiệu như: Cá thu nướng, tôm nõn, mực khô, nước mắm, mắm tôm, ngao... 

Đến nay xã Ngư Lộc có 2 sản phẩm OCOP 3 sao được duy trì và phát triển mạnh là sản phẩm cá thu nướng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem