Chế tạo máy 3 trong 1, chàng trai 8X "cân" hết 7ha lúa nhàn tênh

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 26/04/2019 14:15 PM (GMT+7)
Với chiếc máy “3 trong 1” vừa phun thuốc, bón phân, phun hạt giống, Lương Văn Trường, (SN 1989), chủ nhân của nông trại Cờ Đỏ, thôn Đồng Lư, xã Tân Thịnh (Nam Trực, Nam Định) có thể “cân” cả cánh đồng 7ha.
Bình luận 0

1 chiếc máy bằng 10 lao động

Chia sẻ về ý tưởng sáng chế máy “3 trong 1”, Trường cho biết, nông trại Cờ Đỏ có diện tích sản xuất 7ha, đối tượng sản xuất chính là cây lúa. Do làm theo cánh đồng mẫu nên trong quá trình sản xuất, việc xử lý sâu bệnh yêu cầu phải đồng bộ và kịp thời. Sau khi tìm hiểu các loại máy móc trên thị trường, Trường quyết định bắt tay vào nghiên cứu, sáng chế chỉ vì một lý do duy nhất: Những chiếc máy có thể tích hợp được các công đoạn sản xuất rất đắt đỏ.

img

 Lương Văn Trường bên cánh đồng trồng giống lúa tím đặc sản. Ảnh: K.N

"Với bằng ấy công việc trong suốt mùa vụ, để chăm sóc được 7ha lúa, chỉ tính riêng chi phí thuê lao động thủ công đã lên đến khoảng 82 triệu đồng, trong khi sử dụng máy chỉ hết 10 triệu đồng, lại không bị áp lực tiến độ và mùa vụ. Chi phí chế tạo máy khá thấp, chỉ 45 triệu đồng”.

Lương Văn Trường

“Với phương châm tận dụng những thứ sẵn có, thay đổi và tích hợp phù hợp để tạo ra cái mình cần, tôi bắt đầu hành trình tạo ra chiếc máy cho riêng mình” - Trường nói.

Vậy là chỉ từ những vật dụng, thiết bị sẵn có, sau một thời gian mày mò, chiếc máy phun thuốc, bón phân, phun hạt giống của Trường cũng ra đời. Khung thân máy bằng sắt chạy động cơ xe máy được thiết kế phù hợp với đặc thù ruộng trũng, lầy, lúa cao cây.

Sàn máy được chế tạo cơ động để lắp đặt các thiết bị phù hợp cho từng mục đích, 1 dàn phun được chế từ máy rửa xe và động cơ bơm nước nhỏ chạy xăng tiết kiệm nhiên liệu phục vụ phun phòng trừ bệnh. Sải phun 13,5m, mỗi lượt phun có thể mang 200 lít nước và thuốc, thời gian phun 1 mẫu ruộng (3.600m2) chỉ 20 phút…

“Với ưu điểm dễ vận hành, trọng lượng máy nhẹ giảm lún, gầm máy cao vượt đỉnh lúa tránh gây tổn thương cho cây lúa, chiếc máy này đang đảm nhiệm giúp tôi những công việc khó khăn nhất như phun thuốc phòng trừ dịch bệnh, phun rải hạt giống sạ lúa hoặc kéo ống sạ lúa theo hàng, làm sục bùn cào cỏ” - Trường chia sẻ.

img

Lương Văn Trường vận hành máy trên cánh đồng.

Không chỉ dễ vận hành, từ khi có chiếc máy này, chi phí sản xuất của Trường giảm đáng kể.

Từ hiệu quả thực tế mà chiếc máy mang lại, nhiều đơn vị, cá nhân đã tìm đến Trường đặt hàng sản xuất. Người dân xung quanh nông trại cũng thường xuyên thuê lại máy để tự vận hành phục vụ cho tổ hợp tác của mình.

Hướng đến sản xuất hữu cơ

Ít ai biết, trước khi về quê đầu tư trồng lúa đặc sản, Lương Văn Trường từng có 4 năm làm Phó Chủ tịch UBND xã Lử Thẩn, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) theo Dự án thí điểm đưa 600 trí thức trẻ, có trình độ đại học về làm Phó chủ tịch UBND các xã đặc biệt khó khăn tại 64 huyện nghèo trên địa bàn cả nước của Bộ Nội vụ.

Trong suốt 4 năm gắn bó với Lử Thẩn, Trường đã cùng lãnh đạo địa phương triển khai được nhiều dự án như: Vận động bà con nuôi gà, heo; trồng cây ôn đới; phát triển du lịch sinh thái.

img

Chiếc máy giúp Trường giảm đáng kể chi phí sản xuất.

Đang làm Phó Chủ tịch UBND xã Lử Thẩn, năm 2016, Trường đi đến một quyết định táo bạo: Về quê trồng lúa và bắt tay vào đi tìm diện tích đất đủ lớn để thực hiện ước mơ trồng lúa đặc sản. Quê ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) nhưng Trường phải đến tận xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực (Nam Định) để thuê đất vì ở đó mới đủ điều kiện để tích tụ diện tích đủ lớn.

Rất may là Trường nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo xã khi anh thuê được 7,2ha đất ruộng bị bỏ hoang hóa với giá 400.000 đồng/sào trong thời gian 5 năm. Khi đã có đất trong tay, Trường hăm hở cải tạo để xuống giống những hạt lúa đầu tiên.

Ngay từ đầu, Trường đã xác định cho mình một con đường mới, khác hoàn toàn với những gì ông bà, cha mẹ và những người nông dân quê anh đã và đang làm từ bao đời nay, đó là trồng lúa đặc sản theo hướng hữu cơ.

“Tại sao bà con mình phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật vì quy trình trồng, chăm sóc chưa chuẩn, rất lãng phí giống, phân bón. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến lúa bị sâu bệnh nhiều là: Ruộng ngập nước, bón nhiều đạm và trồng quá dày. Tôi hạn chế bằng cách gieo sạ thưa, không dùng phân bón hóa học, cây lúa cứ thế lớn lên khỏe mạnh. Vụ này lúa bị đạo ôn nhẹ nên tự khỏi, tôi có dùng thêm chế phẩm vi sinh trừ sâu với quan điểm chỉ cần khống chế lượng gây hại vừa đủ để sâu bệnh không làm chết lúa là được” - Trường chia sẻ.

Trường vẫn đang trên đà phủ kín 7,2ha diện tích bằng các giống lúa đặc sản như tám xoan, dự, nếp, lúa tím… nhưng chàng trai trẻ vẫn tin vào hướng đi của mình.

“Tôi đã hứa với lãnh đạo xã sẽ xây dựng cho địa phương một sản phẩm theo chương trình “Mỗi xã, phường sản phẩm (OCOP)”, đồng thời, sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình chăm sóc để vừa đảm bảo sạch vừa cải thiện năng suất, về lâu dài sẽ xin được cấp giấy chứng nhận lúa hữu cơ cho sản phẩm của mình” - Trường khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem