Đà Lạt: Bỏ 11 siêu thị, lên núi trồng rau thủy canh lời 3 tỷ/năm

Phong Lâm Thứ hai, ngày 28/10/2019 06:30 AM (GMT+7)
Quyết tâm bỏ chuỗi 11 siêu thị tại các thành phố lớn trên cả nước để đến Lâm Đồng trồng các loại rau thủy canh, bà Nguyễn Thị Huệ 60 tuổi (khu phố Phước Thành, phường 7, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn rau sạch, thu nhập 3 tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Bỏ phố trồng rau

Biết đến bà Huệ nhờ sự giới thiệu của Hội Nông dân thông qua những tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi đã liên hệ và tìm được đến trang trại trồng rau thủy canh của bà Huệ nằm giữa vùng chuyên canh rau của thành phố Đà Lạt.

Video trang trại rau thủy canh của bà Nguyễn Thị Huệ. 

Được biết đến là người tiên phong trồng rau thủy canh trên địa bàn TP. Đà Lạt, bà Huệ say sưa kể chuyện khi dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đi tham quan trang trại rau của mình. Bà sinh ra và lớn lên tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi lấy chồng quốc tịch Mỹ bà đã từ bỏ Sài thành hoa lệ để lên phố núi Đà Lạt làm nông.

“Những năm 1990, tôi cùng chồng từ Sài Gòn lên Đà Lạt để lập nghiệp. Đến nay, đã gần 30 năm, trải qua nhiều lần thay đổi trang trại từ xã Tà Nung rồi phường 8 (Đà Lạt) đến huyện Đức Trọng. Thế nhưng, do việc thuê đất gặp quá nhiều bất cập nên chúng tôi quyết định mua 7ha tại Phước Thành, phường 7 để ổn định sản xuất. Vì chồng tôi đã làm trang trại thủy canh ở Mỹ nên tôi đã được chồng giúp đỡ khá nhiều về kỹ thuật, vì vậy tôi nhanh chóng cung cấp được cho thị trường một lượng rau lớn và ổn định”, bà Huệ chia sẻ với phóng viên.

img

Bà Huệ tự tay thu hoạch những nông sản trong trang trại của mình. Ảnh: Phong Lâm.

Bà Huệ cũng cho biết, khí hậu và đất ở Đà Lạt rất phù hợp nên bà và chồng chủ yếu lấy giống từ Mỹ về để trồng. Tuy thuận lợi là thế nhưng bà cũng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là việc sử dụng phân bón không hợp lý đã  có thời điểm khiến năng suất thấp và cây trồng yếu.

Bà Huệ đã phải dẫn cả công nhân đi tận Malaysia, Hà Lan để tập huấn kỹ thuật trồng rau thủy canh, nông nghiệp công nghệ cao. Sau đó về trang trại, bà đã mất rất nhiều thời gian để pha chế và thử nghiệm phân bón cho phù hợp với từng loại cây. Đến nay, toàn bộ cây trồng trong vườn của bà đều được sử dụng phân bón của Đức, Hà Lan.

img

Toàn bộ cây trồng trong trang trại đều được sử dụng phân bón Hà Lan, Đức. Ảnh: Phong Lâm.

Dẫn phóng viên tham quan trong trang trại, bà Huệ chia sẻ: “Tôi đã từng có chuỗi 11 siêu thị tại các thành phố lớn từ Bắc và Nam. Thế nhưng tôi vẫn từ bỏ, chỉ giữ lại một siêu thị ở Hồ Chí Minh nhưng chỉ mang tính thương hiệu. Nếu mình làm cả hơn chục cái siêu thị rồi thêm 7ha rau nữa thì không cam nổi. Với mong muốn làm rau sạch, chất lượng nên tôi đã quyết định lên Đà Lạt để làm nông”.

Thu nhập 3 tỷ/năm

Hiện nay, mỗi tháng trang trại của bà Huệ xuất ra thị trường từ 20 – 25 tấn rau, củ, quả thực phẩm các loại. Với khoảng 20 loại rau xà lách, 2 loại dưa leo, 6 loại cà rốt, 6 loại củ cải, 18 loại cà chua với các màu khác nhau, 10 – 12 loại rau gia vị thì bà Huệ đáp ứng được nhu cầu về thực phẩm cho những khách hàng khó tính nhất.

img

Bên trong trang trại với hàng chục loại rau, củ, quả khiến ai cũng thích thú khi tham quan. Ảnh: Phong Lâm.

Đặc biệt, trang trại của bà Huệ không bán lẻ mà chỉ cung cấp sỉ số lượng lớn cho một công ty khác, không qua khâu trung gian nào. Bên cạnh đó, 6 tháng một lần, bà Huệ bán cho các tàu du lịch từ nước ngoài vào Việt Nam khoảng 3 tấn rau các loại cũng mang về một khoản thu nhập lớn. Các loại rau, củ, quả trong trang trại của bà Huệ đều đạt chứng chỉ VietGAP.

Được biết, nhà kính để bà Huệ trồng rau theo phương pháp thủy canh được làm đạt tiêu chuẩn của Israel. Toàn bộ bằng khung sắt, đảm bảo chiều cao, độ thông thoáng, hệ thống tưới nước, châm phân tự động. Với công nghệ và hệ thống trên, bà Hệ phải đầu tư hàng trăm triệu đồng/1.000m2. Tuy nhiên, với hệ thống này, những túi đựng giá thể xơ dừa đều là nhựa, thời gian sử dụng ít mà lại lâu phân hủy, ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy bà Huệ đã quyết định làm những bể bằng gạch rộng 1m, sâu 40cm để trồng rau.

img

Những bể gạch giúp bà Huệ sử dụng được lâu dài hơn và chống ô nhiễm môi trường. Ảnh: Phong Lâm.

“Một số khu tôi đang chỉnh sửa, thay vì cách làm truyền thống, tôi sẽ làm bể gạch sau đó cho giá thể vào rồi trồng rau. Với cách làm này, dù lúc đầu có tốn kém hơn nhưng chúng lại bền, sử dụng được vĩnh viễn, không ảnh hưởng đến môi trường”, bà Huệ giải thích.

Bên cạnh đó, những diện tích trồng theo phương pháp thủy canh, bà Huệ làm những khung sắt hai tầng, vừa nâng cao được năng suất lại tăng được diện tích. Nếu 1.000m2 bà Huệ sử dụng phương pháp này, song song với việc bà trồng được rau trên diện tích 1.500m2.

img

Vào những lúc nhiều công việc, bên trong trang trại của bà Huệ có đến 60 công nhân làm việc. Ảnh: Phong Lâm.

Ngoài làm giàu cho bản thân, bà Huệ còn tạo công ăn việc làm cho 20 – 30 lao động thường xuyên và 50 – 60 lao động thời vụ. Vừa qua, bà Nguyễn Thị Huệ được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2013 – 2018.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem