Dân Cao Phong hốt bạc tỷ từ giống cam lòng vàng

Hà Hoàng Thứ năm, ngày 10/10/2019 19:05 PM (GMT+7)
Đến thăm vườn cam lòng vàng của gia đình bà Đặng Thị Thu, Khu 2 (thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) nhiều người không khỏi choáng ngợp trước hình ảnh 1.500 gốc cam sai trĩu quả rủ xuống đất. Vườn cam lòng vàng của bà Thu rộng hơn 2,2 ha, sau khi trừ chi phí mỗi năm bà lãi gần 2 tỷ đồng.
Bình luận 0

Nói về cơ duyên đến với nghề trồng cam lòng vàng, bà Đặng Thị Thu, tâm sự: "Trước đây tôi trồng ngô, nuôi gia súc, gia cầm, do giá cả lên xuống thất thường nên hầu như toàn thua lỗ. Tình cờ tôi xem ti vi thấy bà con ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) trồng cam lòng vàng cho năng xuất và thu nhập cao. Sau đó, tôi xuống tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm trồng cam từ các nhà vườn lớn ở dưới Hưng Yên.Trở về tôi cải tạo lại 2,2ha đất nương để trồng cam phát triển kinh tế gia đình...".

img

Nhờ cách chăm sóc tốt, vườn cam lòng vàng của gia đình bà Thu sai trĩu quả.

"Tôi mua 1.500 cây giống lòng vàng mang về trồng tại nương rẫy. Để có đủ lượng nước tưới cho vườn cây, tôi đầu tư vốn mua máy bơm lắp đặt hệ thống ống dẫn nước từ suối Bưng về tưới tiêu cho toàn bộ vườn cam.Việc lắp đặt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vườn cam sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Tôi trồng khoảng 3 năm thì cho quả bói, lúc đó thu nhập hầu như không đáng kể. Bước sang năm thứ 4, thu nhập kinh tế của gia đình tôi cao hẳn lên so với ngô, sắn và chăn nuôi gia súc, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình đã có của ăn của để”- bà Đặng Thị Thu chia sẻ.

img

Ông Bùi Đức Biên, Chủ tịch Hội nông dân huyện Cao Phong (từ trái sang) đang trao đổi kỹ thuật chăm sóc cam với bà Thu tại vườn.

Từ khi trồng cam lòng vàng đến nay, bà Thu không ngừng học hỏi nâng cao kỹ thuật trồng cam, quy trình chăm sóc vườn cam tại các lớp tập huấn của Hội Nông dân Huyện Cao Phong (Hòa Bình). Không những thế, bà Thu còn tìm hiểu qua mạng internet, sách, báo để tìm ra cách chăm bón cho cây cam lòng vàng phát triển và sai quả nhất.

img

Bà Thu vui mừng, khi năm nay vườn cam lòng vàng cho năng suất và sản lượng cao.

Bà Thu chia sẻ kinh nghiệm trồng cam lòng vàng: "Tôi chủ yếu dùng phân bón hữu cơ kết hợp với phân chuồng,; tôi ngâm ngô trong bể  gần 6 tháng, sau đó lấy nước bón cho cây cam tại vườn. Thời điểm cam ra hoa, tôi tiến hành phun thuốc sinh học để cây không bị sâu bệnh và tỷ lệ đậu quả cao hơn. Nhờ cách chăm sóc bài bản như vậy, mà vườn cam của gia đình tôi luôn sinh trưởng tốt, ít dịch bệnh, cho quả xum xuê quanh năm...".

Sau 1 vụ thu hoạch quả, bà Thu cắt tỉa cành khô đi, để lại những cành cam lòng vàng khỏe mạnh để năm tiếp theo cây cho quả và tiếp tục bón phân hữu cơ và 1 lượng phân NPK, tạo điều kiện cho cây bù đắp lại chất dinh dưỡng sau một thời gian nuôi quả.

img

Hiện nay vườn cam lòng vàng của bà Thu có 1.500 gốc đã cho thu hoạch.

Hàng năm, cứ đến vụ thu hoạch cam lòng vàng, các thương lái trong tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Nam... đều đến tận vườn cam gia đình bà Thu thu mua, nên đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định và bán được với giá cao. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình bà Thu có lãi gần 2 tỷ đồng từ việc bán cam lòng vàng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Thu còn tạo công ăn việc làm cho 2 người dân địa phương với mức lương 5 triệu đồng/ tháng. Bên cạnh đó, bà còn nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế nông nghiệp, làm giàu, giảm nghèo ở địa phương.

img

Khu trồng cam lòng vàng của bà Thu rộng 2,2 ha tại khu 2, (thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình).

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Đức Biên, Chủ tịch Hội Nông dân Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, cho biết: Là một huyện miền núi nhưng Cao Phong lại là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế – xã hội cũng như công tác giảm nghèo của tỉnh Hòa Bình. Đóng góp cho thành quả này không thể không nhắc đến việc phát triển thành công cây cam đặc sản. Cam Cao Phong không chỉ thơm ngon mà còn thay đổi diện mạo của một huyện vùng cao.

img

Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Thu còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội của địa phương phát động.

Với khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, phù hợp sự sinh trưởng và phát triển nên cam, quýt ở huyện Cao Phong nổi tiếng thơm ngon, mọng nước, vị ngọt, quả màu vàng óng. Những năm gần đây, người dân Cao Phong áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, vì vậy sản lượng cam lòng vàng ngày càng cao, chất lượng đảm bảo. Cam đã trở thành giống cây làm giàu của đồng bào các dân tộc nơi đây.

"Gia đình bà Đặng Thị Thu là 1 tấm gương tiêu biểu ở thị trấn Cao Phong, có nguồn thu nhập cao từ cam lòng vàng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở lớp tập huấn hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, để tăng cao sản lượng cam, giúp bà con phát triển kinh tế...", ông Biên khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem