Nuôi, trồng vẻ như "ôm đồm" mà từ hộ nghèo thành gia đình tỷ phú

Duy Hậu Thứ bảy, ngày 12/08/2017 06:30 AM (GMT+7)
Bằng mô hình đa cây, đa con, vẻ như "ôm đồm" mà hộ ông Trần Minh Phong, huyện Ea H’leo, tỉnh Đăk Lăk thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chỉ sau 3 năm áp dụng mô hình này, ông đã có vốn tích lũy mở rộng sản xuất. Đến nay, sau gần 15 năm, từ một hộ nghèo, ông Phong đã trở thành tỷ phú với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Đa canh, đa con giúp giảm bớt thiệt hại

Năm 2003, ông Trần Minh Phong (SN 1957) quyết định bỏ làm công nhân cao su, bán mảnh đất nhỏ ở nông trường Cư K’Pô (Krông Puk, Đăk Lăk) để vào vùng đồi hoang ở thôn Ea Yu, xã Ea Sol (huyện Ea H’leo, Đăk Lăk) định cư, lập nghiệp. Về Ea Yu, ông Phong chỉ dành một khoản tiền nhỏ dựng căn nhà tạm để vợ chồng cùng 4 đứa con sinh sống, số tiền còn lại, ông dồn hết để mua 2ha cà phê chuẩn bị thu hoạch.

img

Việc canh tác theo hướng bền vững đã giúp vườn cà phê của ông Phong phát triển tốt, năng suất luôn ổn định. Ảnh: D.H

Để đạt được những kết quả như ngày hôm nay, gia đình tôi đã tự thân không ngừng cố gắng vươn lên. Ngoài ra, gia đình tôi cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ,  quan tâm của anh em họ hàng, bà con lối xóm và các tổ chức chính trị, xã hội. Đặc biệt, tôi đã được Hội Nông dân các cấp tạo điều kiện để tiếp cận khoa học kỹ thuật. Đây chính là chìa khóa vàng giúp việc sản xuất, chăn nuôi của gia đình luôn đạt được những kết quả rất tốt”.

 Ông Trần Minh Phong 

Sau khi có đất đai, ông Phong  đem toàn bộ kiến thức đã học được từ những lớp tập huấn do Hội nông dân các cấp tổ chức áp dụng vào canh tác sản xuất. Không những nông dân thời bấy giờ, ngay từ khi bắt tay vào trồng cà phê, ông Phong đã ý thức việc cho ra những sản phẩm sạch. Do đó, thay vì sử dụng phân bón hóa học, ông Phong chọn phân vi sinh cho vườn cây. Cùng với đó, ông Phong bắt đầu gầy đàn lợn, mua thêm bò, dê về nuôi để lấy phân bón cho cây trồng. Sau 3 năm gầy dựng, đàn gia súc của ông Phong đã có thể cung cấp đủ phân bón cho vườn cà phê và cho một khoản lợi kha khá. Ngoài ra, ông tận dụng những khoảng đất trống trong vườn cà phê để trồng xen canh tiêu.

Bốn năm sau, từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp này, ông Phong đã chính thức thoát nghèo, trở thành một hộ khá với thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Từ đó, ông Phong bắt đầu mua thêm đất đai, mở rộng sản xuất. Chỉ sau 10 năm khởi nghiệp, ông Phong đã có trong tay 6ha tiêu, 4ha cao su cùng đàn gia súc (lợn, bò, dê) hàng chục con, thu nhập mỗi năm sau khi trừ chi phí đạt hơn 1,5 tỷ đồng.

Hỏi về bí quyết thành công, ông Phong chia sẻ: Ngoài việc chịu khó, cố gắng lao động thì nông dân cần phải trang bị cho mình những kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Ngoài ra, cách phát triển kinh tế theo hướng đa canh, đa con sẽ giúp nông dân giảm bớt thiệt hại. Hiện nay, sau nhiều năm nghiên cứu học hỏi, gia đình đã áp dụng thành công và khá hiệu quả mô hình cà phê xen tiêu. Với mô hình này, gia đình tiết kiệm được một phần chi phí đầu tư, ngược lại cả cà phê và tiêu đều cho năng suất ổn định và có phần vượt trội hơn so với việc độc canh. Quan trọng hơn, lợi thế của việc đa canh, đa con chính là cách giúp nông dân giảm bớt áp lực từ tác động từ thị trường. Chỉ cần đảm bảo năng suất, việc rớt giá không còn là vấn đề quá nghiêm trọng. Bởi nếu cây này mất giá thì đã có cây, con khác bù lại, nông dân sẽ không bị cụt vốn để tái đầu tư.

Ông thôn trưởng hết lòng vì dân

Về Ea Yu được vài năm, ông Phong đã được người dân trong thôn tin yêu bầu vào ban cán sự thôn. Chính nhờ sự tin tưởng này mà ông Phong đã cùng ban cán sự thôn vận động được 150 hộ dân góp tiền kéo đường điện hơn 1,2 tỷ đồng vào thôn. Các phong trào trong thôn, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới dưới thời ông Phong làm thôn trưởng được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Riêng bản thân, ông Phong đã gương mẫu góp hàng chục triệu đồng để xây đường nông thôn mới.

img

Nhờ trồng xen mà ông Phong giảm bớt được chi phí, không chỉ thế, cả tiêu và cà phê đều phát triển tốt và cho năng suất vượt trội. Ảnh: D.H

Ở Ea Yu, ông Phong còn được người dân biết đến như là “kho sách” về khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Bất cứ ai cần hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… ông Phong đều tận tình giúp đỡ, chỉ bảo. Có thể nói, nhờ sự tích cực tuyên truyền, hướng dẫn của ông Phong mà đa phần nông dân ở Ea Yu đã biết canh tác sản xuất theo hướng bền vững, góp phần bảo vệ môi trường.

Từ việc sản xuất của gia đình, hàng năm ông Phong đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng và khoảng 80 công lao động thời vụ với mức thu nhập từ 150.000 - 250.000 đồng/ngày khi vào mùa vụ. Ngoài ra, ông Phong rất tích cực đóng góp để giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn. Hàng năm, ông trích 300 triệu đồng để giúp hộ nghèo trong thôn có vốn sản xuất kinh doanh.

Chính từ những hoạt động xã hội tích cực mà từ năm 2007 đến nay, ông Phong đã nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Đặc biệt, trong 5 nay, ông Phong là một trong năm người được Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk đề cử để Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen. Đồng thời, ông Trần Minh Phong cũng được bầu chọn là một trong 63 nông dân xuất sắc của cả nước năm 2017. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem