Nam kỹ sư hối hận vì lỡ "dính bẫy" mượn tên mua nhà ở xã hội

Thứ năm, ngày 29/06/2023 09:37 AM (GMT+7)
Tin tưởng người nhà hay bị "hoa mắt" bởi những khoản tiền trước mắt, không ít người lao động thu nhập thấp đồng ý đứng tên giúp để người "giàu" mua nhà ở xã hội.
Bình luận 0

Dính bẫy... người nhà đứng tên mua nhà ở xã hội

"Vì người nhà nên tôi cũng tin tưởng. Lúc đó còn nhỏ nên ai nói gì cũng nghe, hầu như mọi giấy tờ, thủ tục tôi đều không được biết. Chỉ được đến để… ký tên xác nhận thôi", anh Quang Minh (ngụ TPHCM) nhớ lại.

Năm 2015, khi anh Minh vẫn còn là một sinh viên, chưa có nguồn thu nhập, không biết khái niệm về nhà ở xã hội. Anh cũng "mù tịt" kiến thức về thị trường bất động sản.

Tận dụng sự "non nớt" của Minh, người chị họ đã gọi điện nhờ đứng tên mua nhà ở xã hội.

Nam kỹ sư hối hận vì lỡ "dính bẫy" mượn tên mua nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Nhà ở xã hội đang thu hút nhiều người lao động có thu nhập thấp tìm mua, với giấc mơ an cư, lạc nghiệp (Ảnh minh họa, nguồn D.T).

"Lúc đó tôi cũng nghĩ nhà ở xã hội là nhà của nhà nước cấp hoặc của tổ chức xã hội. Tôi có lên mạng tìm hiểu thử, nhưng vì là sinh viên mới ra trường nên không đủ kiên nhẫn tiếp thu, tìm hiểu hết luật pháp. Tôi không biết cho người khác mượn tên mua nhà là lách luật", Minh nói.

Không những vậy, vì là người thân nên anh có phần cả nể, không đề phòng. Mặt khác, người chị họ cũng bày tỏ hoàn cảnh khó khăn, gia đình lục đục, muốn chuyển ra ngoài ở để tự nuôi 2 con. Vậy nên, Minh không thể từ chối.

"Chị nói chuyện cũng niềm nở, ngọt ngào nên tôi lung lay. Chị trình bày không có khả năng mua ngôi nhà bình thường, thu nhập lại hơn 10 triệu đồng/tháng nên không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội", anh Minh kể.

Nam kỹ sư hối hận vì lỡ "dính bẫy" mượn tên mua nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Từ những lợi ích giá thấp, không ít người có thu nhập cao lợi dụng người lao động nghèo để nhờ đứng tên mua nhà giúp (Ảnh minh họa, nguồn D.T).

Quá trình tư vấn, chuẩn bị và ký tên mua nhà chỉ diễn ra trong vài tháng. Những cuộc gặp mặt giữa anh Minh, người chị họ và một người xưng là "cò" chỉ diễn ra chớp nhoáng. Anh Minh cũng chỉ được giải thích sơ bộ về nhà ở xã hội là gì, vì sao phải nhờ đứng tên giúp chứ không được nghe những rủi ro nếu anh đồng ý ký tên.

Thời điểm đó, anh Minh nhận thấy quy trình này có đầy đủ giấy tờ, có công chứng nhà nước và thầm nghĩ là nhà ở xã hội nên không cần tranh chấp. Vì vậy, anh không ngại ngần vì thủ tục có phần nhanh gọn.

"Người "cò" ấy đã làm cho tôi bộ hồ sơ giả. Họ liên hệ với một công ty không rõ danh tính, rồi nhờ xác nhận rằng tôi đã làm ở đó với mức lương 3 triệu đồng/tháng, làm việc đã 15 tháng. Người này cũng chuyển cho nơi đó 25 triệu, "phí" làm hồ sơ", anh Minh cho hay.

Một chữ ký, một người nghèo mất cơ hội sở hữu nhà ở xã hội

Anh Minh chia sẻ, thời điểm đó nhà ở xã hội vẫn chưa "rầm rộ" như hiện nay nên anh không mảy may quan tâm.

Đến giờ, khi công nghệ thông tin phát triển, anh mới "mò" lên tìm hiểu và tá hỏa biết rằng bản thân sẽ không có cơ hội mua nhà ở xã hội được nữa. Không những vậy, căn nhà mà người chị họ nhờ anh đứng tên để mua, cũng đã được bán cho người khác vào 3 năm trước.

Nam kỹ sư hối hận vì lỡ "dính bẫy" mượn tên mua nhà ở xã hội - Ảnh 3.

Nếu đồng ý đứng tên mua giúp nhà ở xã hội, người lao động nghèo khó sở hữu được loại tài sản này trong tương lai (Ảnh minh họa, nguồn D.T).

"Mọi việc chớp nhoáng lắm. Tôi nhớ lúc đó vài tháng là xong giấy tờ rồi, chỉ nghe báo lại mọi việc đã xong chứ tôi cũng không nghĩ gì nhiều", anh Minh nhớ lại.

May mắn hơn những người khác, thời điểm hiện tại, anh Minh là một kỹ sư điện tử với mức lương hơn 1.000USD. Vậy nên, nhà ở xã hội không phải tài sản mà anh nhắm tới.

"Nhưng không phải mỗi tôi mà còn nhiều người khác nữa. Có nhiều người họ sẵn sàng chi 100 triệu đồng cho người có thu nhập thấp để nhờ đứng tên mua nhà ở xã hội. Bản thân tôi không tiếc vì không mua được nhà ở xã hội, mà tiếc vì tiếp tay cho người thân lách luật", anh Minh nói.

Dù vẫn chưa chịu quá nhiều rủi ro từ việc bị mượn tên mua nhà ở xã hội, anh Minh vẫn cảnh báo nhiều người khác về tình trạng này. Anh cho hay, người được ngỏ ý mượn tên bản thân cần tìm hiểu rõ hơn về dạng nhà ở này. Bởi không chỉ mất quyền lợi sở hữu tài sản phù hợp với túi tiền, người bị "dụ" có thể vướng vào nhiều rắc rối liên quan đến pháp luật.

Cùng tâm sự như anh Minh, chị T.L. (ngụ TPHCM) cũng cho biết đã nghe rất nhiều thông tin về việc nhờ đứng tên mua nhà ở xã hội. Bản thân chị L. cũng từng bị một người thân "dụ" đứng tên giúp và hứa sẽ mua tặng một chiếc điện thoại mới. Tuy vậy, chị nhất quyết từ chối vì biết đó là hành vi trái pháp luật.

"Nếu mình chấp nhận làm việc đó thì vô tình đã cướp đi cơ hội sở hữu nhà của một người lao động nghèo, lương tâm mình không cho phép mình làm vậy. Tuy vậy, không ít người sẵn sàng làm việc đó với chi phí chỉ vài triệu đồng hoặc vài chục triệu đồng", chị L., thở dài.

Theo luật sư Trần Minh Hùng (đoàn luật sư TPHCM), Luật Nhà ở có quy định cụ thể về các đối tượng và điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Những người không thuộc các đối tượng được hưởng chính sách và không đáp ứng đủ điều kiện để hưởng chính sách, mà mượn tên người khác để mua nhà ở xã hội là hành vi vi phạm pháp luật, trái với nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

"Giao dịch khi mượn tên người khác mua nhà ở xã hội không được pháp luật công nhận. Do vậy, nếu bị phát hiện, người mượn sẽ bị cơ quan nhà nước thu hồi nhà ở xã hội đã mượn tên để mua trước đó, các giao dịch này sẽ bị tuyên vô hiệu do giả tạo", luật sư nói.

Về phía người cho mượn tên, họ sẽ không đáp ứng đủ điều kiện để có thể tiếp tục mua căn nhà ở xã hội thứ hai. Ngoài ra, họ sẽ không được hưởng các chính sách, ưu đãi, phúc lợi mà lẽ ra họ đã được hưởng.

Việc những người có tiền mượn tên người khác để mua nhà ở xã hội sẽ dẫn đến hiện tượng "đầu cơ", khiến loại hình nhà ở này mất đi ý nghĩa vốn có, không đáp ứng đúng đối tượng cần thiết.

Bên cạnh đó, người nhận tiền để làm giả hồ sơ cho người khác có thể bị xử lý hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng.

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Thảo luận tại Quốc hội về dự án Luật Nhà ở sửa đổi sáng 19/6, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, chính sách về nhà ở xã hội là một trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này. Chính sách trên được thể hiện trong các quy định chung và tại chương 6 của dự thảo luật.

Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy chính sách được thể hiện trong dự thảo chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn.

Đại biểu chỉ rõ hai vướng mắc, trong đó có những chính sách đi theo hướng cố gắng hỗ trợ nhà cho người thu nhập thấp thay vì bảo đảm nguyên tắc để người dân có quyền có chỗ ở hợp pháp.

Nhưng thực tế, người có thu nhập thấp, nhất là công nhân, người mới đi làm có thu nhập thấp hơn mức trung bình. Trong khi, nhà ở là tài sản quá lớn, quá sức với đại bộ phận người có thu nhập thấp.

Vậy nên việc mua, sở hữu một căn hộ dù là nhà ở xã hội trả góp cũng là gánh nặng tài chính quá lớn".

Do vậy, theo đại biểu, xác định mục tiêu như trên sẽ dẫn đến hệ quả là người dân khai man các điều kiện thu nhập, diện tích để hưởng lợi từ việc mua nhà ở xã hội với giá thấp.

Bên cạnh đó, người có tiền mượn tên công nhân để đăng kí mua nhà dẫn đến hiện tượng đầu cơ làm cho nhà ở xã hội không phục vụ đúng đối tượng, mất đi ý nghĩa vốn có.

Theo Nguyễn Vy (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem