Nhà thầu thi công dự án vận chuyển đất trái phép

Nguyễn Đức - Hoàng Chiên Thứ sáu, ngày 29/03/2024 20:16 PM (GMT+7)
Thời gian qua, khi thực hiện dự án, một số nhà thầu có dấu hiệu chở đất thải đổ không đúng quy định. Theo luật sư, khi khai thác tài nguyên đất phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, cũng như giấy phép khai thác khoáng sản trong những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép khai thác.
Bình luận 0


Nhà thầu thi công dự án vận chuyển đất trái phép- Ảnh 1.

Một dự án đang thi công trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đức.

Đổ đất thải dự án phải đúng vị trí quy định

Theo quy định pháp luật, đất thải khi thực hiện dự án phải được đổ đến bãi thải, vị trí do cơ quan chức năng quy định. Tuy nhiên, khi thực hiện một số dự án trên địa bàn TP Hà Nội nhà thầu có dấu hiệu đổ đất thải không đúng vị trí quy định. 

Theo ghi nhận của PV, tại một dự án, trong nhiều ngày, xe tải chở đất thải không được đổ đến địa điểm đã được cấp phép. Thay vào đó, các chuyến xe chở đất thải tỏa đi các huyện ngoại thành Hà Nội như Chương Mỹ, Hoài Đức, Thạch Thất, ...

Tại đây, có những người chờ sẵn hướng dẫn xe tải đổ đất vào rồi san gạt, lu lèn cho chặt. Hiện tượng này thường xảy ra vào thời điểm tối muộn, nửa đêm. Đến sáng hôm sau, bãi đất đã được san gạt gọn gàng. 

Tiếp nhận thông tin, đại diện Ban QLDA cho biết sẽ kiểm tra, rà soát và xử lý các vi phạm (nếu có) của các nhà thầu thực hiện dự án. 

Có thể bị xử phạt

Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt, Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay: Theo quy định của pháp luật hiện hành, đất là một loại khoáng sản. Khi khai thác tài nguyên đất phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, cũng như giấy phép khai thác khoáng sản trong những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép khai thác.

Việc chở đất thải từ Dự án đổ không đúng nơi quy định và hành vi bán khoáng sản (đất) trái phép cho các cá nhân nhằm thu lợi bất chính, có thể dẫn đến trốn thuế, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản của quốc gia.

Chủ đầu tư Dự án có trách nhiệm lựa chọn các tổ chức, cá nhân đủ năng lực theo quy định để thực hiện thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng, thí nghiệm, kiểm định chất lượng công trình (nếu có) và các công việc tư vấn xây dựng khác đã được Quy định nêu rõ tại điều 112 Luật Xây dựng 2014.

Luật sư Ma Văn Giang phân tích hành vi khai thác đất phục vụ công trình xây dựng thuộc dự án và sử dụng không đúng mục đích thì pháp luật có quy định cụ tại  khoản 2, khoản Điều 64 Luật khoáng sản 2010.

Trong đó, quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản trong các trường hợp: Khai thác trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó và phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó.

Nhà thầu thi công dự án vận chuyển đất trái phép- Ảnh 2.

Khi thi công các dự án, lượng lớn đất thải sẽ được bốc, xúc đi nơi khác để lấy mặt bằng thi công. Ảnh: Văn Hoàng

Như vậy, đất được khai thác trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó và phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Với chế tài hình sự, hành vi sau khai thác khoáng sản đem bán cho tổ chức, cá nhân khác mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên theo quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo đó, đối với cá nhân, khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo khoản 1 Điều 227 BLHS; Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 theo quy định tại khoản 2 Điều 227 BLHS. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 227 BLHS.

Đối với pháp nhân thương mại: khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 227 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017; Khung hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 227 BLHS 2015. 

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 227 BLHS 2015.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem