Nâng cao giá trị yến Cần Giờ để giải bài toán mỏi mắt tìm đặc sản

Việt Dũng Thứ năm, ngày 18/04/2024 06:00 AM (GMT+7)
Việc hình thành vùng nuôi chim yến tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm sẽ xây dựng thương hiệu yến Cần Giờ thành đặc sản của TP.HCM, góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa phương.
Bình luận 0

TP.HCM mỏi mắt tìm đặc sản

Với diện tích rừng ngập mặn lớn, môi trường trong lành và khí hậu ôn hoà, Cần Giờ là ngôi nhà tự nhiên lý tưởng, mang đến nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào và chất lượng cho chim yến phát triển.

Điều kiện tự nhiên ở Cần Giờ mang đến nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào và chất lượng cho chim yến phát triển. Ảnh: Việt Dũng

Điều kiện tự nhiên ở Cần Giờ mang đến nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào và chất lượng cho chim yến phát triển. Ảnh: Việt Dũng

Hiện nay, huyện Cần Giờ có gần 520 nhà yến, có thể cung cấp sản lượng yến sào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Uớc tính, giá trị sản xuất yến sào Cần Giờ khoảng 250 tỷ đồng/năm.

Thế nhưng, việc tìm một sản phẩm của riêng TP.HCM để làm quà tặng là bài toán mà lãnh đạo thành phố đặt ra nhiều năm nay. Trong đó, Cần Giờ được chọn để xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu như yến Cần Giờ.

Một trong những thách thức của ngành nuôi yến Cần Giờ hiện nay là phần lớn chỉ sản xuất và bán tổ yến thô. Trong khi đó, giá trị của việc bán những sản phẩm yến chế biến sâu cao gấp 10-13 lần so với việc bán yến thô.

Ông Lê Việt Bảo – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cho biết, nghề nuôi chim yến ở TP.HCM đã có từ năm 2008. Tuy nhiên số nhà yến chuyên dụng chỉ chiếm 23,1%; còn lại 76,8% nhà nuôi yến kết hợp với nhà ở.

Việc xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ chưa thật sự mang tính đặc trưng. Sản phẩm này vẫn chưa tiếp cận được các thị trường lớn, ông Bảo nói.

Ngành nuôi yến Cần Giờ phần lớn chỉ sản xuất và bán tổ yến thô. Ảnh: Việt Dũng

Ngành nuôi yến Cần Giờ phần lớn chỉ sản xuất và bán tổ yến thô. Ảnh: Việt Dũng

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, tiềm năng nghề nuôi yến Cần Giờ chưa được phát huy hết. Nghề nuôi yến Cần Giờ đi trước nhưng về sau so với nhiều tỉnh thành khác.

Cần Giờ quên mất câu chuyện xây dựng thương hiệu riêng. Vì thế, dù được đánh giá có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng ít người biết đến yến Cần Giờ. "Địa phương cần có những điểm khác biệt trong việc xây dựng thương hiệu", ông Phương nói.

Dưới tán rừng ngập mặn, tổ yến Cần Giờ vươn tầm

Bà Trần Thị Lan Anh - Giám đốc Công ty TNHH Yến Đảo Cần Giờ cho biết, sự phát triển của ngành nuôi yến ngày càng phổ biến. Điều này cũng tạo điều kiện cho sự xuất hiện của yến giả ra đời với nhiều mức giá khác nhau. Người tiêu dùng khó phân biệt và không yên tâm về nguồn gốc sản phẩm.

Tổ yến Cần Giờ chủ yếu bán cho các thương lái thu mua, chưa thực sự tạo dựng được thương hiệu riêng đủ mạnh để chinh phục thị trường.

Vừa qua, Công ty Yến Đảo Cần Giờ đã hợp tác cùng Trường Đại học Công thương TP.HCM (tiền thân là Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm yến sào mang thương hiệu Cần Giờ.

Dây chuyền chế biến sản phẩm ở Công ty Yến Đảo Cần Giờ. Ảnh: Việt Dũng

Dây chuyền chế biến sản phẩm ở Công ty Yến Đảo Cần Giờ. Ảnh: Việt Dũng

TS. Trương Ngọc Hòa - Giám đốc Trung tâm phân tích quốc tế Trường ĐH Công Thương cho biết, yến Cần Giờ được các chuyên gia đánh giá là có chất lượng tốt, xanh sạch và được thị trường quốc tế định giá cao hơn sản phẩm cùng loại từ các quốc gia khác.

Trường Đại học Công thương TP.HCM đang cung cấp cho doanh nghiệp các giải pháp về công nghệ chế biến, kiểm tra chất lượng, bảo quản và đóng gói yến sào, giúp cho các sản phẩm của Yến Đảo Cần Giờ đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và xuất khẩu.

Ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung phát triển thương hiệu yến Cần Giờ theo hướng gia tăng giá trị và hiệu quả lâu dài.

Huyện sẽ quy hoạch vùng nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái, đăng ký cấp mã số vùng nuôi phục vụ việc truy xuất nguồn gốc. Đồng thời huyện Cần Giờ sẽ hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim yến cho các cơ sở, chú trọng xây dựng quy trình sản xuất khép kín, kiểm soát chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn hóa chất lượng.

Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, UBND Thành phố đã có Tờ trình số 6149/TTr-UBND ngày 07/12/2023 gửi Thường trực HĐND đề nghị xây dựng Nghị quyết ban hành Quy định vùng được nuôi chim yến trên địa bàn TP.HCM.

Theo Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2030, vùng nuôi chim yến trong nhà ở huyện Cần Giờ cũng được quy hoạch phát triển, gắn với xây dựng sản phẩm OCOP.

Nghề nuôi chim yến trong nhà ở huyện Cần Giờ sẽ được quy hoạch phát triển, gắn với xây dựng sản phẩm OCOP. Ảnh: Việt Dũng

Nghề nuôi chim yến trong nhà ở huyện Cần Giờ sẽ được quy hoạch phát triển, gắn với xây dựng sản phẩm OCOP. Ảnh: Việt Dũng

Theo đó, vùng nuôi chim yến phải cách biệt với các công trình dân sinh, phù hợp với quy hoạch chung của Thành phố. Quá trình nuôi phải ứng dụng công nghiệp tiên tiến, bảo tồn đàn chim yến tự nhiên, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh và phát triển các sản phẩm OCOP từ tổ yến.

Ngành chức năng hướng dẫn các hộ nuôi yến ở khu dân cư di dời đến vùng quy hoạch hoặc chuyển đổi nghề nuôi. Các hộ có nhà nuôi yến phù hợp với quy hoạch tiến hành đăng ký, nâng cấp đạt tiêu chuẩn và quản lý theo quy định.

Thành phố cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách về nuôi chim yến trong nhà. Trong đó có chính sách tín dụng, đầu tư, thuế hỗ trợ phát triển nghề nuôi chim yến, xây dựng mô hình làng nghề nuôi chim yến và phát triển các sản phẩm từ tổ yến. TP.HCM phấn đấu đến năm 2025, sản lượng yến đạt khoảng 20.000 kg và đến năm 2030 đạt khoảng 25.000 kg.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem