Nên làm gì khi con ta ăn cắp vặt?

Thứ năm, ngày 24/04/2014 12:31 PM (GMT+7)
Ở bài viết này, tôi xin nói đến hành động ăn trộm của trẻ con và thú ăn cắp vặt của người lớn.
Bình luận 0
LTS: Tuần vừa qua, tất cả các phương tiện truyền thông đều phản ánh câu chuyện một siêu thị ở huyện Chư Sê (Gia Lai) bắt trói một học sinh nữ, ép em đeo tấm bảng “Tôi là kẻ ăn trộm”. Những nhân viên ấy mang tội “làm nhục người khác”, vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em, điều đó quá rõ rồi. Nhưng chính sự bạo hành tinh thần đó đối với em bé còn nói lên một bộ phận người lớn sống trong sự nghèo nàn, khiếm khuyết về mặt nhân cách.

Một comment dưới bài báo còn viết rằng: “Trong số chúng ta có ai khẳng định mình chưa bao giờ lấy của ai một vật gì? Tại sao bắt em mang tấm bảng kia?” Chuyên đề kỳ này, TGTT xin gửi đến bạn đọc những chia sẻ của các bậc cha mẹ và cả chính từ những đứa trẻ cùng trang lứa với em học sinh đã bị xâm hại.

Đọc sách là một thói quen đáng quý được cha mẹ tập cho con cái. Nhưng lấy cắp sách cần phải nhìn nhận cũng là một phần thiếu sót khi dạy về tính trung thực của trẻ. Ảnh: TL
Đọc sách là một thói quen đáng quý được cha mẹ tập cho con cái. Nhưng lấy cắp sách cần phải nhìn nhận cũng là một phần thiếu sót khi dạy về tính trung thực của trẻ. Ảnh: TL

Có thể trong chúng ta, ai ai lúc còn nhỏ cũng từng lỡ lấy của người khác một vật gì đó, một món đồ chơi, một cây viết, một cái kẹp tóc… Cũng có thể sau đó chúng ta tự động mang trả lại vì lương tâm cắn rứt, vì cảm giác có lỗi và rồi mãi mãi từ bỏ hành động không đẹp ấy. Nhưng cũng có không ít người thì việc “cầm nhầm” đồ của người khác trở thành một thói quen khó bỏ. Họ không còn chút cảm giác mặc cảm, có lỗi. Việc “cầm nhầm” với họ đã thành một cái thú. Thói quen ăn cắp là một thói quen cực kỳ nguy hiểm, không chỉ cho cộng đồng xung quanh mà còn cho chính bản thân họ.

Còn nhớ, trong cơ quan tôi ngày trước có một cô bé rất xinh đẹp tên Th. Cô có một vóc dáng, một làn da mà bất kỳ cô gái nào cũng mơ ước. Thế nhưng từ khi Th. xin vào làm thì cơ quan truyền thông chỉ có trên 20 người của tôi liên tục mất tiền và điện thoại. Mọi người bắt đầu “khoanh vùng đối tượng” và kẻ đáng nghi ngờ nhất dĩ nhiên là Th. Thế là các bạn tôi bắt đầu lập kế hoạch bắt quả tang.

Hôm đó, sắp đến giờ cơm trưa, một cái điện thoại khá đắt tiền “xuất hiện” ngay gần ổ điện cắm dây sạc pin. Mọi người mau chóng rời phòng, riêng Th. còn nán lại. Cả phòng nhón chân quay trở lại nhìn qua cánh cửa khép hờ. Quả thật, Th. lấy chiếc điện thoại kia bỏ vào giỏ của mình và đi ra. Chỉ chờ có thế, cả phòng ùa vào, lục giỏ xách của Th. và la toáng lên, sỉ vả đủ điều. Suốt hai tuần sau đó, không một ai trò chuyện, không ai rủ Th. đi ăn cơm. Ai cũng lướt qua xem cô như là người vô hình. Bị cô lập và khinh rẻ, dù lương khá cao, Th. vẫn phải xin nghỉ việc. Số phận cô đi về đâu, không ai rõ.

Một câu chuyện đau lòng hơn xảy ra với bạn của anh tôi. Ngày còn là sinh viên y khoa, anh tôi ở cùng phòng với một anh chàng khá đẹp trai tên H. Nghe anh tôi kể, H. học khá giỏi hầu hết các môn và do tính tình cởi mở nên bạn bè thầy cô quý mến. Đôi khi, ba mẹ H. từ Vũng Tàu chạy xe riêng vào thăm H. Nghe đâu cả hai người đều là bác sĩ, nhà H. giàu có và H. là con một. Rồi bất ngờ có tin lan ra, phòng ký túc xá của anh tôi có vài người mất tiền. Mọi người nghi kỵ và đề phòng lẫn nhau.

Rất tình cờ, tối bữa đó, trong khoa y có một buổi văn nghệ, ai cũng đi chơi khuya nhưng có người trong phòng không đi. Lúc họ chập chờn chưa ngủ thì bắt gặp H. đang lục túi áo họ lấy tiền. Họ tri hô lên. Cả phòng họp mặt rồi cùng nhau lên án hành động của H. rất nhiều, bởi lẽ anh khá giả hơn hầu hết mọi người trong phòng sao anh nỡ lấy đi tí tiền còm mà ai cũng tiện tặn dành cho nhu cầu thiết yếu. Năm ngày sau H. nhảy lầu tự vẫn để lại lá thư xin lỗi cha mẹ. H. không chết nhưng vì chấn thương khá nặng ở đầu anh chẳng bao giờ có thể tiếp tục học được nữa. Sau khi điều trị nhiều tháng trời, cha mẹ đón H. về, anh trong tình trạng của một đứa trẻ lên hai lên ba.

Dù cũng có những người bị “bệnh ăn cắp vặt” nhưng qua câu chuyện trên, việc dạy một đứa trẻ sống trung thực, không có tật “táy máy” là một việc mà các bậc cha mẹ cần làm ngay từ khi con bắt đầu tập đi, tập nói. Cha mẹ cũng không bao giờ được phép “cầm nhầm” đồ của người thân trong gia đình hay – dù nhỏ đến vô hại –trong nhà hàng, khách sạn khi đi cùng trẻ. Trẻ sang nhà hàng xóm thường có ý thích cầm đồ chơi của bạn về. Chúng ta nên cương quyết bắt trẻ trả lại cho bạn và kiên nhẫn giải thích rằng lấy đồ của người khác là sai, là không nên.

Dấu ấn thuở ấu thơ chính là một điều trẻ không bao giờ quên. Cái đúng, cái chuẩn mực cũng từ đó mà hình thành như một giá trị tự thân của trẻ. Sự xuê xoa của các bậc cha mẹ trong trường hợp này và từ tuổi này là một tiền lệ vô cùng nguy hiểm cho tương lai về sau của con, trở thành mầm mống, là “nhân” của một câu chuyện đau xót (quả) như tôi vừa kể trên. Điều đó cũng lý giải tại sao nhiều người giàu có vẫn mang tật ăn cắp, ăn cắp không phải vì đói khát mà vì thèm muốn.

Và trong câu chuyện này cha mẹ của em bé gái lỡ lấy cắp sách cũng một phần thiếu sót vì có lẽ họ cũng quên nhắc con về sự trung thực là giá trị tự thân của em. Em chưa biết kiềm chế bản thân, còn nhập nhằng giữa cái nên và không nên. Và một lần nữa, bài học đau lòng trên khiến cho các bậc làm cha mẹ chúng ta cần ngồi lại và tự hỏi: “Ta dạy con ta đủ chưa?”
Bảo Nhi (Thế giới Tiếp thị) (Bảo Nhi (Thế giới Tiếp thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem