Ai còn nhớ bếp xưa!

Bài, ảnh: Thanh Ly Thứ tư, ngày 04/11/2015 13:25 PM (GMT+7)
Ngày giỗ đầu, tôi về quê thắp hương cho ngoại. Như một thói quen mấy chục năm nay, tôi đi thật nhanh hướng về chái bếp. Nhưng chao ôi, trước mắt tôi là một căn phòng mới trong dãy nhà khang trang của cậu. Chẳng lẽ mới đó mà chái bếp xưa đã xa lơ, xa lắc thật rồi sao!
Bình luận 0

Tôi như muốn gào  to: “Ngoại ơi! Ngoại ơi, con về thăm ngoại  đây!”. Muốn được vòng tay qua tấm lưng còng của ngoại trên chiếc giường cột kẹt, rồi ngồi vào cái võng cói đổi màu vàng úa đu đưa mà nhìn nụ cười món mém phất phơ sợi tóc bạc của ngoại… Nhưng tất cả chỉ là kỷ niệm. Ngay chái bếp xưa, dấu ấn của cả một đời ngoại, lo lắng thổi lửa và giữ lửa cho gia đình giờ cũng không còn. Cố tìm lại cảnh xưa trong trí nhớ nhưng chỉ thấy lòng mình xót xa hơn…

Ngày trước, người làng tôi chỉ có củi hay rơm rạ dùng để nấu ăn nên nhà nào cũng có chái bếp. Chái bếp thường làm bằng vật liệu đơn giản rẻ tiền như tre, rơm rạ và đất sét. Mỗi lần kể về nguồn gốc cái chái bếp, tôi còn nhớ trên miệng bà tôi cười tủm tỉm, giọng bà trầm lại tưởng chừng  như đang thủ thỉ nói chuyện cùng ông. “Khổ thân! Trời thì nắng chang chang vậy mà ông mày vẫn cứ xuống ruộng lấy đất sét trộn rơm, làm xong cái chái bếp này ông mày vào rừng đi bộ đội luôn ”.

Ngày tôi rời xa ngoại để ra thành phố đi học và lập nghiệp, hơn mười năm mà mỗi lần về quê thăm ngoại chái bếp xưa cũng không thay đổi là bao. Vẫn con dao, vài chiếc nồi, chày cối, thúng mủng,… treo lủng lẳng bám bụi nhện. Trong số các vật dụng đó, ngoại thích nhất là cái ống thổi lửa. Đó là một ống tre già, chiều dài chừng năm tấc. Ngoại bảo, khi còn đi bộ đội, trong một lần được phép về thăm nhà, ông mang về tặng bà cái ống thổi lửa  được làm trong những ngày theo đơn vị lên rừng ứng chiến. Có ai ngờ, sau lần về phép đó ông tôi đã hy sinh trong trận càn tàn khốc của địch. Dù không nói ra, nhưng tôi biết cái ống thổi lửa là món quà  cuối cùng mà ông đã dành tặng và bà cũng thấu hiểu lời nhắn nhủ của ông qua chiếc ống thổi lửa giản dị đó “bà hãy giúp tôi thổi lửa rồi giữ lửa cho gia đình mình ấm mãi ”.

img

Chái bếp của ngoại tôi.

Những đêm mùa đông mưa dầm lạnh buốt, trong chái bếp nhỏ, bà ngồi chồm hổm, tay cầm cái ống thổi lửa, người hơi cúi về phía trước, chúm tròn miệng, thổi vào ống. Tiếng thổi lửa của bà đặc biệt lắm, chỉ một làn hơi dài đi qua cái ống nhỏ, một tiếng “phù” đùng đục, tròn trịa và rất nhẹ, nhưng luôn là âm thanh đánh thức  tôi dậy học bài mỗi sáng sớm. Có hôm, ngủ dậy lạnh quá, tôi ôm vở  xuống  bếp nhìn bà thổi lửa. Kể cũng thật kỳ lạ, nhờ hơi thổi của bà mà ngọn lửa từ từ hé nở, lớn dần và trong phút chốc làm sáng bừng cả chái bếp. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in lời bà dặn “để cho ngọn lửa nhanh đỏ phải thổi nhẹ thôi, chỉ một làn hơi mỏng là đủ rồi. Tuy nhiên, nếu không khéo lửa tắt, tro sẽ bay tung  cả lên. Thế nên, thổi lửa và giữ lửa cho gia đình là cả một nghệ thuật đó, con à!”.

Tuổi thơ tôi gắn liền với chái bếp, với nỗi  vất vả nhọc nhằn của ngoại, của mẹ, với khói rơm hăng hắc cay nồng và những đêm đông quây quần bên bếp. Có lẽ không riêng gì ngoại tôi, chái bếp vẫn sẽ là nơi vương vấn nhất của nhiều người phụ nữ  thôn quê.

Bây giờ cuộc sống văn minh, gian bếp tiện nghi hiện đại đang len lỏi vào từng ngõ ngách xóm thôn, không còn nhiều gia đình quê đun bếp rơm, bếp củi. Nhà cậu tôi cũng vậy, ngoại đã không còn, không gian cũng thay đổi, chái bếp xưa và hình bóng ngoại chỉ còn trong ký ức. Năm tháng cứ trôi nhanh, càng lúc càng xa thăm thẳm, nhưng trong lòng tôi vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh ngoại và chái bếp ngày nào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem