“Ăn theo” Ba Bể ngọt lành (kỳ cuối)

Gia Tưởng Thứ tư, ngày 24/06/2015 10:00 AM (GMT+7)
Khoảng 10 năm trở lại đây, hồ Ba Bể đã đem lại một cuộc sống sung túc hơn cho những đồng bào dân tộc Tày khi họ biết coi hồ như một báu vật của cộng đồng, cùng khai thác và hưởng lợi chung.
Bình luận 0

Tìm chồng về Ba Bể

Có một chỗ ngồi bán hàng tại khu vực ao Tiên, chị Hoàng Thị Trúc (23 tuổi), làm dâu ở bản Cám được 4 năm, xởi lởi: Em là người dưới thị trấn Chợ Rã cách Ba Bể 12km nhưng lấy chồng lên đây. Đám cưới bọn em không dùng xe ô tô rước dâu, mà nhà trai dùng mấy chiếc thuyền lớn từ bản Cám đi ngược sông Năng, qua động Puông tới thị trấn Chợ Rã để đón em về nhà chồng.

Con gái khắp vùng trước kia rất sợ lấy chồng vào những xã quanh hồ này, vì chẳng có đường sá, đi lại vất vả, cuộc sống nghèo đói không đủ ăn, tuy là ở trong huyện, nhưng có khi cả tháng không ra được đến trung tâm thị trấn, có người 50 tuổi chưa biết cái chợ huyện thế nào... Nhưng hơn 10 năm trở lại đây thì khác rồi, Ba Bể không còn là một ốc đảo nữa, nhờ phát triển du lịch, đường sá cũng đã đẹp hơn, dân có thêm nghề chở đò đưa khách, nghề đánh bắt cá tôm có đầu ra. Nghề bán hàng cũng phát triển...

img

Đời sống của bà con vùng hồ Ba Bể giờ đã khác hẳn so với 10 năm trước khi chúng tôi đến đây. Cuộc sống “dễ thở” hơn bởi nhà nào cũng có ruộng, nếu thiếu gạo ăn thì làm 2 vụ, nhiều nhà chỉ cần làm một vụ là đủ ăn rồi. Đất đai bờ bãi được sông Năng bồi đắp thường xuyên hàng năm tốt vô cùng, người dân trồng ngô để kết hợp với chăn nuôi, mỗi năm xuất bán 2 lứa lợn, một lứa trâu, bò là được một món tiền tiết kiệm. “Tiền tiêu hàng ngày, nuôi con ăn học từ nguồn bán hàng cho khách du lịch. Tuy không nhiều nhưng ổn định, em cũng kiếm được 3 triệu đồng/tháng”- chị Trúc nói.

Trước kia còn nghèo, đi lại khó khăn, chẳng mấy người nghĩ cho con cái ăn học, giờ chuyện học ở đây đã đơn giản hơn, nhà nào cũng có thuyền và xe máy, bọn trẻ học hết cấp 2 ở bản là được đưa xuống thị trấn học tiếp. Đúng là nhờ nguồn thu từ dịch vụ du lịch ở hồ Ba Bể, không chỉ đời sống hàng ngày của bà con nơi đây được cải thiện mà chuyện học hành của con em trong vùng cũng được nâng lên rõ rệt.

Ra hồ là có tiền

Nhờ hồ Ba Bể mà người dân kiếm được công ăn việc làm, họ chẳng phải đi làm ăn xa nữa. Và rất nhiều thứ tưởng như bỏ đi hoặc chẳng mấy có giá trị cũng nhờ khách du lịch mà người dân đã khai thác thành hàng hóa.

Tôi theo nhóm anh Hoàng Văn Bảo gồm 4 người ở thôn Pắc Ngòi đi lấy nụ vối, mùa này đang là mùa vối đơm hoa. Không biết vì sao Ba Bể lại nhiều cây vối như thế. Cây vối ở đây rất lạ, sống trên núi đá, sống được cả những bãi sông ngập nước... Ở đâu vối Ba Bể cũng cho nụ, cho hoa rất nhiều, ngay cả lá vối ở vùng này cũng có mùi thơm và vị đậm đà khác lạ.

Chèo thuyền ra khu vực bãi sông có những cây vối cổ thụ mọc thành từng vạt lớn đang độ ra nụ trổ hoa ngào ngạt, anh Bảo và nhóm của mình thành thạo trèo lên, vít cành cây và tỉa những nhánh có nhiều nụ đang mẩy, như những hạt gạo nếp. Vừa tỉa cành tuốt nụ anh Bảo vừa nói: “Trước kia thì người dân quê mình đến mùa hoa vối chỉ lấy một ít về nhà phơi khô dùng để uống trong gia đình thôi. Uống nụ vối rất tốt cho điều hòa huyết áp, chính vì vậy người Tày mình ở đây chẳng có mấy ai bị cao huyết áp cả. Nhưng từ ngày khách du lịch đến Ba Bể nhiều, những người bán hàng cũng mời họ uống nước vối, nhiều người thích lắm. Nhiều người hỏi mua mang về uống và làm quà, thế là dân mình đi lấy bán cho khách”. Hiện tại 1kg nụ vối có giá 100.000 đồng, mỗi mùa nhóm anh Bảo cũng thu hoạch được trên dưới 300kg. Không chỉ có nụ vối mà nhiều vị thuốc của đồng bào cũng được bà con ở đây khai thác để phục vụ cho khách du lịch.

Trong những nghề ăn theo trên hồ Ba Bể thì nghề lái thuyền đưa khách tham quan là ổn định và thu nhập khá nhất. Anh Hoàng Văn Tráng (39 tuổi), làm nghề đã hơn 10 năm cho biết, chỉ cần đầu tư một chiếc thuyền khoảng 40 triệu đồng là có thể sử dụng được hàng chục năm để chở khách. Cứ một chuyến chở khách đến 4 điểm tham quan trên hồ là động Puông, thác Đầu Đẳng, ao Tiên và đền An Mạ, anh thu được 600.000 đồng, ngày đông khách thì được 2-3 chuyến. Anh Tráng cho hay, từ khi anh làm nghề chở khách còn vợ bán hàng ở bến, cuộc sống gia đình ổn định và khấm khá hơn nhiều. Ngoài làm ruộng ra thì tiền kiếm hàng ngày đủ chi tiêu và lo cho 2 con ăn học, mỗi năm cũng tiết kiệm được vài chục triệu đồng. Những người lái thuyền ở đây rất biết nhường nhịn không bao giờ tranh giành nhau hay chèo kéo khách. Họ cho rằng, mình không chở thì họ hàng mình chở, toàn người trong bản không đi đâu mà thiệt. Hiện nay tại bến có hơn 40 thuyền và thu nhập của họ khá ổn định bởi lượng khách du lịch tới Ba Bể đã tăng dần theo hàng năm.

Hiện tại 1kg nụ vối có giá 100.000 đồng và mỗi mùa nụ vối nhóm của anh Bảo cũng thu hoạch được khoảng trên dưới 300kg tùy theo từng năm. Không chỉ có nụ vối mà nhiều vị thuốc của đồng bào cũng được bà con ở đây khai thác để phục vụ cho khách du lịch.
>> Mênh mang hồ Ba Bể
>> “Độc chiêu” thuyền độc mộc săn cá trên hồ Ba Bể
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem