Bóng dáng “Người tình” trong không gian nhà cổ Sa Đéc

Thứ hai, ngày 26/05/2014 15:12 PM (GMT+7)
Nếu không có "Người tình" thì có lẽ giờ đây nhà cổ Huỳnh Thủy Lê chỉ là một nhà cổ bình thường, và thiên hạ chắc chắn gọi đúng tên của nó là nhà cổ Huỳnh Cẩm Thuận.
Bình luận 0
Nếu nói về kiểu dáng mỹ thuật và mức độ hoành tráng thì nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc - Đồng Tháp không thể so sánh với nhà cổ Huỳnh Kỳ ở Cầu Kè - Trà Vinh và nhà cổ Huỳnh Phủ ở Thạnh Phú - Bến Tre. Thế nhưng, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nổi bật như một điểm đến cho du khách khi về với miền sông nước Cửu Long là nhờ chủ nhân của kiến trúc cổ kính này liên quan đến tác phẩm "Người tình" lừng danh!

Thực tế, cái tên gọi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê cũng là cách "lả lơi" theo tác phẩm "Người tình", vì ngay chính điện ngôi nhà có ghi danh chủ nhân "Huỳnh Cẩm Thuận" bằng tiếng Hoa. Nói một cách rõ ràng hơn, nhân vật Huỳnh Thủy Lê chỉ thừa kế từ cha mình - thương gia Huỳnh Cẩm Thuận, và có một thời gian không ngắn cư ngụ tại đây.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được ông Huỳnh Cẩm Thuận bỏ công bỏ của xây dựng từ năm 1895 với chất liệu gỗ mang phong cách cố hương Quảng Châu. Đến năm 1917, khi văn hóa Pháp bao trùm cả Đông Dương thì ngôi nhà gỗ được bọc thêm kiểu dáng phương Tây bên ngoài. Chính sự kết hợp này mang lại cho biệt thự một nét riêng khá độc đáo!

Nếu không có tác phẩm "Người tình" thì có lẽ giờ đây nhà cổ Huỳnh Thủy Lê chỉ là một nhà cổ bình thường, và thiên hạ chắc chắn gọi đúng tên của nó là nhà cổ Huỳnh Cẩm Thuận. Thế nhưng, ở đời có những cơ duyên kỳ lạ, bất kỳ thứ gì dù đơn sơ đến đâu mà được khoác lên huyền thoại thì đều có sức thu hút đặc biệt.

Năm 1984, khi nữ sĩ Marguerite Duras đặt dấu chấm hết cho dòng cuối cùng của "Người tình" ở ngoại ô Paris, chính bà cũng không thể ngờ đó là cuốn sách rực rỡ nhất trong số hơn 40 tiểu thuyết của mình. Và nữ sĩ Marguerite Duras cũng không ngờ cuốn sách hé lộ giai đoạn bí mật nhất trong cuộc đời của mình, đã làm phục sinh một ngôi biệt thự cổ nằm lặng lẽ bên một nhánh sông Tiền yên ả.

Ban đầu "Người tình" được xếp vào thể loại hư cấu, nhưng câu chuyện của "Người tình" và không gian của "Người tình" khiến độc giả tin rằng yếu tố sự thật lấn lướt hoàn toàn yếu tố tưởng tượng. Sau khi "Người tình" được trao giải thưởng Gouncourt uy tín và được dịch ra gần 50 ngôn ngữ trên thế giới, nữ sĩ Marguerite Duras sau đó cũng lên tiếng thừa nhận đó là tự truyện về thời thiếu nữ của bà ở Việt Nam.

Nữ sĩ Marguerite Duras sinh năm 1914 tại Sài Gòn. Thân phụ của bà là một doanh nhân Pháp sang Việt Nam làm ăn, không may bị bạo bệnh qua đời khi bà mới 4 tuổi. Thân mẫu của bà không thể tiếp tục sự nghiệp làm ăn ở đô thị, đã đưa cả gia đình bốn người về sống tại Sa Đéc - ngày ấy chỉ là một thị trấn nhỏ. Mẹ dạy học tại Trường Tiểu học Sa Đéc (nay là Trường Tiểu học Trưng Vương) còn Marguerite Duras vẫn phải lên Sài Gòn học nội trú.

img
Một cảnh trong phim "Người tình".
Cuộc sống của Marguerite Duras trôi qua trĩu nặng với người mẹ đã khô cạn khát vọng, người anh nghiện ngập và người em trai yếu đuối. Sự tẻ nhạt và túng quẫn ấy đã thay đổi khi Marguerite Duras gặp gã đàn ông người Hoa giàu có trên chuyến phà Sa Đéc - Vĩnh Long trong một lần về thăm nhà và quay lại Sài Gòn đi học!

Tất nhiên, gã đàn ông ấy không được viết rõ ràng danh tính trong tác phẩm "Người tình", nhưng những chi tiết và những tình huống đã được soi chiếu vào thực tế và độc giả dễ dàng nhận ra là Huỳnh Thủy Lê!

Trong tiểu thuyết, Marguerite Duras hé lộ lần gặp gỡ định mệnh đầu tiên diễn ra vào lúc bà "mười lăm tuổi rưỡi" còn Huỳnh Thủy Lê đã 32 tuổi. Cái cột mốc "mười lăm tuổi rưỡi" được Marguerite Duras nhắc đi nhắc lại nhiều lần, như một khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời của mình.

Cột mốc "mười lăm tuổi rưỡi", nhân vật nữ trong "Người tình" đã mong muốn "sử dụng chuyện viết lách không chỉ nhằm tái hiện sự việc dưới dạng huyền thoại mà còn là cách để tiếp cận với nhiều điều khác nữa, vẫn còn ẩn náu trong sâu thẳm tâm hồn mù quáng".

Mối tình say đắm nhưng đầy trái ngang giữa Marguerite Duras và Huỳnh Thủy Lê rơi vào bẽ bàng. Hai trái tim lãng mạn không thể gắn kết với nhau vì Huỳnh Thủy Lê phải cưới vợ theo sự sắp xếp môn đăng hộ đối của người cha, còn Marguerite Duras trở về Pháp năm 18 tuổi!

Đúng như Marguerite Duras viết trong "Người tình", Huỳnh Thủy Lê dẫu lịch lãm trên chiếc xe Limousine sang trọng và hào phóng chi tiêu, nhưng "anh sẽ không có gì cả, nếu làm trái ý cha mình". Sự chân thành của Huỳnh Thủy Lê lẫn sự rồ dại của Marguerite Duras cũng không cứu vớt được mối tình nghiệt ngã trước những định kiến phũ phàng.

Sau khi cưới vợ, Huỳnh Thủy Lê được thừa kế gia sản và có 5 người con. Huỳnh Thủy Lê sống chủ yếu ở Sài Gòn nhưng vẫn giữ biệt thự ở Sa Đéc như một kỷ niệm. Năm 1972, Huỳnh Thủy Lê qua đời, 5 người con của ông cũng ra nước ngoài lập nghiệp. Ngôi nhà ở Sa Đéc được Nhà nước quản lý từ năm 1975.

img
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Từ sức hấp dẫn của tiểu thuyết "Người tình", đạo diễn Annaud quyết định đưa tiểu thuyết này lên màn ảnh vào năm 1990. Khoảng 90% cảnh quay bộ phim "Người tình" được thực hiện tại Việt Nam, trừ những cảnh mặn nồng của cặp diễn viên chính được quay bí mật tại Pháp. Khi được mời cố vấn về văn hóa cho bộ phim "Người tình", nhà văn Sơn Nam nói với đạo diễn Annaud: "Hãy cố gắng để 50 năm sau hoặc 100 năm sau, khi hậu thế muốn biết về mảnh đất Nam Bộ giữa 2 cuộc chiến tranh, người ta sẽ tìm xem phim của ông".

Quả nhiên, đạo diễn Annaud đã làm một "Người tình" với những hình ảnh quá quyến rũ, từ cảnh mộc mạc miền Tây đến cảnh chộn rộn Chợ Lớn cuối thập niên 30 của thế kỷ XX! Trước khi mất (năm 1996), nữ sĩ Marguerite Duras cũng không ít lần ca ngợi thành công của bộ phim "Người tình" với tâm tư: "Đôi khi tôi cũng nghĩ rằng sự nghiệp viết lách của tôi bắt đầu từ đó, giữa những cánh đồng, những khu rừng, và trong sự hiu quạnh.

Có một đứa trẻ da trắng, gầy còm và lạc lõng mà người đó chính là tôi, giống người Việt hơn là Pháp, lúc nào cũng chân đất, không biết giờ giấc, không biết cách sống, thích ngắm chiều hoàng hôn trải dài trên sông, với khuôn mặt bị rám nắng".

Đến nay, "Người tình" vẫn là bộ phim nước ngoài đầu tư lớn nhất để quay tại Việt Nam. Nếu tính theo thời giá quy ra… vàng thì kinh phí làm phim "Người tình" của đạo diễn Annaud gấp đôi kinh phí làm phim "Người Mỹ trầm lặng" của đạo diễn Phillip Noyce.

Thế nhưng, dù kinh phí không hạn chế thì đạo diễn Annaud cũng không thể dàn dựng bến phà đúng không khí Marguerite Duras miêu tả dạo nào trên dòng sông Tiền mênh mông. Bến phà mà Huỳnh Thủy Lê và Marguerite Duras gặp gỡ trong phim "Người tình" được quay tại… Cát Lái - TP HCM!

Một sự thay thế bối cảnh nữa trong phim "Người tình", đó là ngôi nhà cổ. Cảnh quay không nhiều, chỉ có một trường đoạn Huỳnh Thủy Lê về thưa chuyện với cha mình để thương lượng ý định tiến xa hơn với cô gái da trắng, chứ không đám cưới theo hôn nhân định trước. Đạo diễn Annaud đến Sa Đéc và chứng kiến ngôi nhà cổ năm xưa đã bị bủa vây và xâm lấn bởi các hộ dân chen chúc xô bồ, nên cho rằng hơi nhỏ và không bắt mắt.

Đạo diễn Annaud lấy hình ảnh nhà cổ Sa Đéc và lấy hình ảnh nhà cổ Dương Chấn Kỷ ở quận Bình Thủy - Cần Thơ để tạo tác tư gia họ Huỳnh trong phim "Người tình". Khán giả khi xem "Người tình" phải rất tinh ý mới nhận ra cảnh nào của nhà cổ Sa Đéc và cảnh nào của nhà cổ Cần Thơ. Thế nhưng, sòng phẳng mà nhận xét, hình ảnh nhà cổ Cần Thơ lấn lướt hình ảnh nhà cổ Sa Đéc trong trường đoạn hiện ra trên phim "Người tình".

Khán giả theo chân "Người tình" đã đến Sa Đéc để thăm viếng ngôi nhà mà nhân vật nam ngoài đời từng sinh sống. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê định danh và thu hút du khách nhờ có bóng dáng "Người tình". Mỗi năm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê mang lại cho ngành Du lịch Đồng Tháp một khoản doanh thu tương đối lớn. Đáng tiếc, dù gần đó đã có chợ Thực Phẩm đường hoàng, nhưng việc buôn bán vẫn diễn ra bát nháo xung quanh nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, khiến những ai đến đây muốn tìm cảm giác từng thưởng thức và yêu mến tác phẩm "Người tình" đều không khỏi chạnh lòng!

Sa Đéc - Sài Gòn, 4.2014
(Theo CAND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem