Cảm nhận về hình thức tổ chức “Lễ hội đua bò Bảy Núi – An Giang” trong ngày lễ Dolta

Nguyễn Hữu Hiệp Thứ tư, ngày 24/09/2014 16:29 PM (GMT+7)
Một trong những tập tục truyền thống diễn ra tại thời điểm lễ Dolta của bà con là tục “xin nước mưa” (nếu là vùng cao đang bị nạn hạn hán), hay “rước nước” (nếu là vùng ảnh hưởng mùa nước nổi hàng năm); và “đưa nước” diễn ra vào mùa nước giựt. Cho đến nay các tập tục này không chỉ vẫn được bà con hết sức ý thức giữ gìn, phát huy mà nó còn tạo sự thu hút rất đáng kể đối với khách du lịch nước ngoài, và nhất là các dân tộc anh em Kinh, Hoa, Chăm… cùng cộng cư trên địa bàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Bình luận 0

Lễ đưa nước – rước nước

Phần lớn trong chúng ta đều chỉ hiểu một cách đơn giản rằng, đây chỉ là hình thức giúp vui thông qua những cuộc đua tài diễn ra như ngày hội “tranh giải thể thao”, “tranh cúp truyền hình” của bà con, không hơn không kém. Hiểu như thế có khi “có lỗi” với bà con. Vì sao?

img  

Chúng ta đều biết, hầu hết cư dân ở đồng bằng sông Cửu Long đều sống về nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa. Đã nói là trồng lúa thì điều kiện tiên quyết không gì khác hơn là “Nhứt nước…”. Trước đây, với cây lúa mùa, đến thời điểm xuống giống mà trời không mưa, cứ nắng chang chang, đất đồng nứt nẻ thì làm sao cày bừa, gieo sạ? Nếu cứ ngồi mà trông mưa ắt phải trễ mùa vụ. Ca dao địa phương:

 Quốc tu oa cò ma ra ruộng/ Bông đế trổ rồi, cấy muộn ăn rơm.

Thiếu nước cho vụ mùa, cái đói đã được báo trước! Chính vì vậy bà con người Khơ me Nam Bộ không thể không tụ tập lại để làm lễ  tại miếu Ông Tà. Họ tự mang đến rượu ngon, gà hoặc vịt luộc, có khi cả đầu heo, và nhang đèn, bày biện trước ngôi miếu nhỏ đơn sơ ấy, xong sắp hàng một đi quanh miếu ba vòng để “xin nước mưa” gọi là Um tuk lơ kôk. Sau đó mọi người lần lượt thắp nhang lễ bái tự do, cầu khẩn những điều mình mong ước rồi cùng đọc kinh Sôphôntô, và trước khi liên hoan tại chỗ, họ tổ chức một cuộc đua ghe trên … đất!

Ghe nói ở đây không có nghĩa là ghe xuồng thật sự như ta thường thấy diễn ra tại lễ Óc ăm bok với mũi và lái cong quớt, gọi tuk ngo  (tuk: ghe; ngo: cong), mà ghe dùng trong lễ này được tượng trưng bằng những cái vòng bằng bẹ chuối rất đơn sơ, dài khoảng 2 mét, và tất nhiên không có đáy. Cứ hai người một “thuyền”. Họ dùng dây gióng “thuyền” lên cổ, mỗi người cầm một cây dầm cũng bằng bẹ chuối hoặc nhánh cây.

Tất cả sẵn sàng khởi động theo hiệu lệnh người chỉ huy. Họ vừa quơ dầm bơi khơi trong không khí vừa la “dơ, dơ” hoặc “dơ môn, dơ môn” theo nhịp điệu, nghĩa là vừa bơi bằng tay vừa chạy bằng chân theo tiếng lắc của chuông và tiếng phèng la khua inh ỏi. Song song, họ cũng hô lên những lời khấn nguyện thành vần điệu như một câu hát ứng khẩu, mang nội dung cầu cho mưa xuống để có nước gieo sạ, đồng ruộng được xanh tốt.

Cuộc đua được diễn ra xuyên qua khắp các thửa ruộng theo một lộ trình tùy hứng của người dẫn đầu, rồi kết thúc bằng cách quay trở lại miếu. Ai nấy thở hào hển. Nghỉ mệt xong, chẳng những chỉ đàn ông mà cả đến đàn bà cũng hòa nhập cuộc “đánh chén với Ông Tà” và nhảy múa rất vui vẻ.

Thức cúng được trích ra mỗi thứ một ít, đem để xuống chiếc thuyền con làm bằng bẹ chuối thả xuống kinh rạch, trôi đi đâu thì trôi, với ý “kiếng cho Thần Nước” – có khi con rạch đã khô cạn bà con cũng vẫn làm như thế.

Cuộc đua ghe trên đất này mang cùng lúc hai mục đích: vừa trình diễn văn nghệ giúp vui Ông Tà, vừa tha thiết cầu xin Ông Tà với uy tín và chức năng của mình, mau mau tìm cách giúp cho đồng ruộng đang khô khan có thật nhiều nước mưa để cày cấy – không nước nên mới đua ghe trên đất!

Nếu chờ một thời gian lâu mà vẫn không mưa, bà con tiếp tục làm lễ một lần nữa, cũng với ý nghĩa xin nước mưa, nhưng lần này không gọi Um tuk lơ kôk mà gọi Bon sâum tưk phliêng. Lễ này được tổ chức có phần thống thiết hơn. Chủ sự là mười nhà sư và một con cá lóc. Sư đứng sắp hàng, phơi nắng và tụng kinh giữa đồng khô cỏ cháy, còn con cá lóc thì để dưới một cái hố cạn và nhỏ đào sẵn kế đó (hoặc đựng trong nồi cà om, hay việm, cũng không có nước). Tất cả đều nhằm vào mục đích làm cho động lòng Trời để Trời thương mà trút nước mưa xuống cho vạn vật nhờ.

Kinh Sôphôntô có nói rằng, con cá lóc là tiền thân đức Phật Thích Ca. Ngài sống trong một cái hồ tên là Anôtttah. Lúc bấy giờ vùng này bị hạn hán 12 năm liền, hồ Anôtttah bị khô cạn, các loài thủy sinh đều chêt hết. Ngài nghĩ: “Ta không làm hại ai, chỉ ăn rong rêu và cây cỏ mục để sống, không sát sinh, trầm tư mặc niệm, làm lành lánh dữ, tại sao Trời nỡ sát hại muôn loài và đe dọa ngay cả chính bản thân ta?” Nghĩ vậy, bè chui đầu lên khỏi bùn, tâu với Ngọc hoàng:

- Thưa Ngọc hoàng, Ngài có thấy thế gian đang thiếu nước và đang đau khổ chăng? Sao Ngài không ban xuống những giọt mưa lành cứu chúng sanh?

Tiếng kêu động Trời, Ngọc hoàng bèn cho mưa xuống cứu độ muôn loài.

Nếu hai lễ tục xin nước mưa vừa nói chỉ diễn ra trong những năm hạn hán tại từng nơi, người Khơ me Nam Bộ còn có lễ tục “tháng 8 rước nước” và “tháng 10 đưa nước” (Đại Nam nhất thống chí).

Ngày nay tuy đồng ruộng đã có hệ thống tưới tiêu tương đối hoàn chỉnh, con người có thể chủ động vấn đề nước phục vụ nông nghiệp, nhưng những lễ tục đón nước và tiễn nước mang tính lễ nghi nông nghiệp ấy người Khơ me Nam Bộ vẫn duy trì dưới dạng đua ghe ngo diễn ra tại một số nơi, chính là ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống dân gian bản địa.

Tổ chức đua bò vào ngày lễ Dolta

Nếu sống trên địa bàn vùng sông nước như ở Sóc Trăng, Trà Vinh có tổ chức đua ghe rất hào hứng trong ngày lễ Óc om bok thì, do môi trường tự nhiên ở vùng cao Bảy Núi – An Giang không có sông sâu nước chảy, và cũng do sự thích ứng văn hóa khác nhau, bà con người Khơ me Nam Bộ nơi đây tổ chức đua bò vào ngày lễ Dolta. Cách đua không giống như đua ngựa, mà là “đua bò bừa”, tức đôi bò có kéo theo cái bừa nhỏ – một trong những nông cụ làm đất chủ yếu của nghề trồng lúa nước địa phương.

Như vừa nói, do vùng Thất Sơn ở An Giang có nhiều đồi núi, địa hình không bằng phẳng, đất canh tác manh mún và có lẫn nhiều sỏi đá khiến việc sử dụng cơ giới cho đồng ruộng bị hạn chế nên bà con phải nuôi nhiều bò. Có thể nói nhà nào cũng có một vài đôi bò để dùng làm sức kéo trong nông nghiệp. Bò là con vật nuôi rất hiền lành, dễ thương, lại suốt đời cật lực đảm đương hết các việc nặng nhọc đồng áng, nên ai cũng thương cưng, quý mến. Tối giăng mùng cho bò ngủ là chuyện thường, thậm chí (trước đây) đã có không ít người cho bò vào ở chung với mình trong nhà, như một thành viên thân thiết của gia đình!

Hàng năm, cứ đến lễ Dolta truyền thống người Khơ me Nam Bộ ở An Giang đều có tổ chức những cuộc Đua bò rất hào hứng.

Đua bò (hay nói đủ là “đua bò bừa”) không áp dụng hình thức đua tốc độ kiểu như đua ngựa (cùng xuất phát tại một mức, “vận động viên” nào đến đích trước thì thắng cuộc), trong cuộc đua này, tùy theo sự thỏa thuận hoặc bốc thăm mà có một đôi bò đứng trước và một đôi bò đứng sau, cách nhau khoảng 4m. Tất nhiên đích đến của từng đôi bò cũng cách nhau một khoảng tương ứng. Chính vì vậy phải có “luật”.

img  

Luật đây là luật do dân gian đặt ra theo những quy ước nhất định, được áp dụng như một thứ tục/ lệ. Đại thể, trường đua là một khoảnh đất ruộng khá rộng như sân banh, tương đối bằng phẳng nhưng nhất thiết phải được ngập loang loáng. Bò đua thì phải là một đôi (2 con) khỏe mạnh kéo theo một cái bừa nhỏ ở phía sau, có “tài xế” (chủ bò) đứng trên gọng bừa ấy để điều khiển thông qua sợi dây vàm; tay cầm cây chàlul  là cây gậy ngắn chừng 80cm, đầu dưới có tra một mũi đinh nhọn chừng vài phân để dộng (đâm) vào mông, bò bị đau điếng nên không thể không tăng tốc.

Bắt đầu, tài xế cho bò mình chạy “vòng hô” quanh sân vài vòng, mỗi vòng khoảng 800m để “làm nóng bò”, cũng là một cách ra mắt khán giả. Hết vòng hô, họ không phải cho bò dừng lại để “so móng”, mà được tự động chuyển thẳng sang “vòng thả”, nghĩa là vấn đề tốc độ đã được đặt ra ngay ở vòng hô để nhằm làm tăng tính tích cực của “vận động viên bò”, đồng thời cũng tăng thêm độ hào hứng, sôi nổi.

Trên đường đua, người điều khiển dộng túi bụi chàlul lên mông hai con bò, có khi mạnh đến “lút cán”, liền tay như giã tiêu trong cối khiến bao giờ chúng cũng dổng đuôi tăng tốc, dám có đến 80 – 90 km/ giờ. Nhờ có hai “răng bừa bánh lái” và tuân thủ sự hướng dẫn quán tính của dây vàm xỏ ở mũi, nên bò chỉ chạy theo quy định của đường đua, không tạt bậy.

Nếu đôi sau đuổi kịp, nó không thể “qua mặt” được nên phải đạp nhầu lên thanh bừa của đôi bò trước thì xem như đã loại được đối phương ngay giữa đường đua, chuyện ăn thua đã rõ. Đây là khoảnh khắc cực kỳ nguy hiểm, vì khi đôi bò sau đạp lên bừa đôi bò trước thì chính lúc hai cặp sừng nhọn của nó cũng đã chạm và hất văng tài xế phía trước té lăn cù. Có thể bò sẽ nhanh chân tránh, không đạp lòi ruột, nhưng vẫn còn đó cây bừa phía sau, khúc gỗ vô tri kia nhất định sẽ lướt ngang, quật anh ta xuống. Tuy nhiên, chẳng rõ do “có nghề” hay phản xạ tự nhiên mà trong mọi trường hợp té bò, các bác tài dũng cảm đều văng sang một bên chứ không quỵ xuống tại chỗ, nên xưa nay không hề nghe thấy có chuyện sứt giò, mẻ trán.

Ở cuối đường đua là hai đích đến, cách nhau trước sau khoảng 4m như đã nói, vạch nào cũng có cắm cờ hai màu, trên đỏ dưới đen. Đó là mức ăn thua tốc độ, dành cho đôi trước đôi sau theo thứ tự như hồi xuất phát. Trên đường, cả hai vòng hô và thả, bất kể vì lý do gì, nếu bừa bị vuột dây, lỏng nêm, sứt càng gãy gọng; hoặc tài xế dở, không điều khiển được đôi bò của mình, để chúng “nhảy nai” ra ngoài phạm vi (biên) đường đua; hay bị trợt té… đều xem như phạm lỗi kỹ thuật. Chẳng thẻ vàng thẻ đỏ gì cả, mà tức khắc bị loại ra khỏi cuộc đua, trong khi đó đôi bò kia cứ đi tà tà về đích, cũng thắng. Bà con cho rằng “luật” không nên quy định như vậy, vì theo cách chơi truyền thống của dân gian, ngay sau đó tài xế vẫn có thể điều khiển các “vận động viên bò” ấy tiếp tục thi đấu đến cùng, dù không mang lại kết quả mong muốn họ cũng hài lòng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất trật tự, có khi làm đình trệ cuộc đua.

Đôi bò nào thắng cuộc, tất nhiên chủ của nó sẽ nhận được không biết bao nhiêu là lời tán thưởng của người xem, đồng thời cũng được vị sãi cả/ nhà chùa ban cho những lời khen đầy khích lệ, kèm theo là một số quà tặng cho đôi bò như lục lạc, dây vàm, cái xâu mũi bò, tuy giá trị vật chất không là bao nhưng với họ, đây là phần thưởng rất đáng tự hào, đầy hãnh diện.

Sau cuộc đua tất có kẻ thắng người thua. Thắng thì vui mừng, phấn khởi; thua thì rút kinh nghiệm và cố gắng chăm sóc đôi bò tốt hơn, khỏe hơn để hy vọng năm tới giành chiến thắng. Đó là chuyện của các chủ bò, còn nhân dân trong phum sóc, cứ qua mỗi cuộc đua diễn ra tốt đẹp như vậy bà con đều rất phấn khởi, ai nấy cũng in trí rằng năm nay sẽ được ơn trên phù hộ độ trì mưa thuận gió hòa, già mạnh khỏe, trẻ bình an, ruộng lúa vàng đồng… Họ thật sự an tâm sẽ có cái ăn đầy đủ mãn năm, không sợ đói.

Qua đó ta thấy rất rõ rằng, đua bò là một trong những yếu tố cấu thành và không thể thiếu trong ngày lễ Dolta của đồng bào. Chính vì vậy nó chỉ được trọng thể tổ chức một lần vào ngày lễ lớn đầy ý nghĩa nhân văn này mà thôi. Thế thì không vì lý do gì ta lại trần tục hóa một tập tục vốn rất thiêng của người Khơ me Nam Bộ cho dù là vô tình.

Có một ý kiến phát biểu mà theo tôi là rất đáng quan tâm, đại khái: Đua bò là một thành tố mang tính tín ngưỡng dân gian không thể thiếu trong ngày lễ Dolta của người Khơ me Nam Bộ. Trước đây, cứ vào ngày lễ này bà con khắp các thôn làng ở địa phương đều nô nức tham gia hội đua bò có một không hai này. Mỗi năm mới có một lần nên không ít gia đình nấu cơm sớm, cùng ăn rồi đóng cửa nhà kéo nhau đi xem đông nghịt. Nay ngày hội đua bò biến thành “Lễ hội đua bò Bảy Núi – An Giang”, mấy năm gần đây được mở rộng dưới hình thức “Tranh cúp truyền hình”. Do có treo một số giải thưởng bằng tiền, và bằng hiện vật tương đối giá trị nên đã thu hút một số đơn vị tỉnh bạn, nước bạn tham gia, thành thử hình thức tổ chức cũng quy mô hơn.

Nhưng đó là thứ quy mô khập khiểng bởi nói là “lễ hội” nhưng chẳng thấy có gì gọi là “lễ” cả! Thí dụ trước khi vào sân đua tài, mỗi “tài xế” cần dẫn đôi bò của mình đến sân chùa làm lễ; thắng cuộc cũng nên đến chùa thi lễ tạ ơn… Đàng này, cái chính của nhà tổ chức là treo giải, tức chỉ biết chuyện “ăn – thua”, bên trong thì bán vé vào cửa, bên ngoài thì phân lô cho thuê chỗ để mua bán, đều chỉ nhắm vào một mục đích: thu tiền. Đó là chưa nói đến những hình thức tiêu cực khác của những người có máu cờ bạc lợi dụng cuộc đua để “cá độ”, “quăng – bắt”…

Và, thật đáng tiếc là nhà tổ chức đã quên mất rằng đây là sản phẩm văn hóa đặc hữu của người Khơ me, do người Khơ me sáng tạo. Nó đã được định hình như một truyền thống gắn với lễ Dolta của bà con từ rất lâu đời, đáng lẽ mọi người Khơ me không phân biệt giàu nghèo đều hiển nhiên được quyền tham dự, nhưng sự thật bà con muốn đi xem đua bò đều phải mua vé. Vào cửa, chẳng những không có băng/ ghế để ngồi, phải chen lấn, mà chen lấn thì bị mấy ông “trật tự” rầy, đuổi, thành thử không ít người, nhất là các em bé phải leo lên cây ngồi vắt vẻo trên những cháng ba, thậm chí những cành nhánh nhỏ, rất nguy hiểm. Có tiền thì vậy, còn những người không tiền – đa phần bà con đều nghèo, rất nghèo – làm sao mua vé vào cửa được! Họ đành phải đi vòng vòng bên ngoài (chẳng khác nào muốn vào ngôi chùa do chính mình xây dựng để cúng Phật thì phải … đóng tiền!).

Đành rằng tổ chức càng quy mô càng tốn kém, phải có nguồn thu để chi, nhưng xét vì đua bò là một trong những thành tố cấu thành của lễ Dolta, là “tính thiêng” gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo, do người Khơ me sáng tạo và đã được định hình từ rất lâu đời trong nếp nghĩ của dân gian. Chính vì vậy, và xuất phát từ tâm tư tình cảm của bà con, nên chăng Ban tổ chức cần xem xét lại, hãy thể hiện sự trân trọng bằng cách riêng dành cho người Khơ me quyền vào cửa tự do? (Còn nếu muốn khai thác kinh doanh phục vụ khách du lịch thì nên tổ chức vào dịp khác, bất cứ ngày nào trong năm, nhưng nên tránh tổ chức thu tiền trong ngày lễ Dolta truyền thống của đồng bào).

Hai “cái lỗi” vừa lạm bàn chỉ là đôi điều cảm nhận, có thể không làm hài lòng nhà tổ chức, nhưng từ góc nhìn văn hóa dân gian, từ giác độ khoa học xã hội và nhân văn, xin viết đôi dòng ý kiến. Các ban ngành chức năng của tỉnh An Giang nên chăng cần có thêm những điều tra, khảo sát khoa học, kỹ lưỡng về tổ chức hội đua bò trong lễ hội của đồng bào Khơ me.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem