Giữ lấy tiếng quê, đừng cố mà thay giọng

Lê Hoài Đức (Thế giới Tiếp thị) Thứ năm, ngày 10/07/2014 06:30 AM (GMT+7)
Là dân Quảng Trị chính gốc nhưng chưa bao giờ tôi thấy e ngại về giọng nói của mình, cho đến khi tôi lên Sài Gòn học đại học.
Bình luận 0

Lần đầu tiên tôi thấy giọng nói là một trở ngại giao tiếp là khi tôi mới xuống bến xe và vào một quán nước để nghỉ mệt, chờ anh họ đến đón về nhà trọ của anh. Do khá xa lạ với một vài thức uống, tôi cất tiếng hỏi cô chủ: “O ơi, cấy ni là cấy chi rứa?”

Đáp lại tôi là đôi mắt ngơ ngác, như không hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Tôi lặp lại một lần nữa và vẫn thấy cô đứng nhìn tôi trân trân. Mãi một lúc sau như lấy lại được bình tĩnh, cô phá lên cười và hỏi tôi: “Mới từ Trung vào phải không? Nói mà cô không nghe được gì. Con muốn uống món nào thì chỉ, cô làm cho”. Thoáng bối rối và ngại ngùng, tôi chỉ đại một món rồi quay ra bàn ngay. Tôi thấy lạc lõng ở nơi đô thị phồn hoa này!

img Rồi khi làm thủ tục nhập học, chỉ là vài câu hỏi đơn giản về thông tin cá nhân. Vậy mà tôi cũng phải nói đi nói lại gần ba bốn lần, cô giáo vụ mới có thể nghe được chính xác. Một đứa bạn quê ở Thanh Hoá, nhưng cũng vào Sài Gòn được gần một năm, chân thành khuyên nhủ: “Mày muốn sống ở đây lâu dài thì lo mà “pha” giọng đi. Mày phải tập nói giọng Sài Gòn như tao nè”.

 

Tôi nghe cũng hợp lý nên cố gắng sửa giọng mình khác đi. Nhưng cố gắng chỉ được một tuần, tôi vội bỏ cuộc vì bị đau cổ họng quá. Ngày nào cũng phải căng mình lên để nói cho giống người Sài Gòn, thật sự tôi làm không nổi.

Cũng vì từ bỏ sớm như vậy mà tôi đã gặp không ít chuyện “cười ra nước mắt”. Nhiều lúc cao hứng nói chuyện với bạn bè, thấy chúng nó cười nghiêng ngả, tôi vui lắm. Nhưng thật bất ngờ, cười xong, không biết vô tình hay cố ý, chúng nó thản nhiên hỏi lại: “Nãy giờ mày nói gì thế?” Đau thật!

Cũng từ đấy, tôi dần thu mình trong vỏ ốc, chỉ thoát ra khi gặp những đồng hương đến từ miền Trung. Tôi đâm ra ngại giao tiếp, ngại phải nói chuyện trước đám đông vì sợ bị cười chê, châm chọc. Người ta nói không sai: “Chửi cha không bằng pha tiếng”. Mỗi khi nghe đám bạn thành phố ác ý nhại lại giọng nói của mình “không răng mô”, “đi mô rứa”... tôi cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm. Nhiều lúc, tôi còn có suy nghĩ tiêu cực, giá như mình sinh ra với tiếng nói khác thì biết đâu cuộc sống của mình đã tốt đẹp hơn.

Càng bị châm chọc, tôi càng im lặng vì biết rằng mình cãi lại cũng chỉ bị nhại thêm mà thôi. Im lặng để ai nói thì người ấy tự nghe. Chính từ những thách thức không mong muốn như vậy, tôi trở nên mạnh mẽ từ lúc nào không hay. Trải qua ba năm sống và học tập ở Sài Gòn, tôi không còn ý định muốn sửa giọng nói của mình nữa. Phần vì mệt mỏi, phần cũng vì tôi cam chịu.

Miền Trung trước giờ nghèo khó, quanh năm lại phải hứng chịu bao trận thiên tai nên đã nghèo nay càng nghèo hơn, luôn đứng nép mình bên cạnh hai “người anh lớn” còn lại. Vì vậy mà dân miền Trung lúc nào cũng khắc khổ và chịu nhiều khó khăn hơn. Đôi lúc tôi tự hỏi, không biết đến bao giờ, con người ta mới có thể xoá bỏ ranh giới vùng miền, tiếng nói để xích lại gần nhau hơn?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem