Làng bún Thanh Lương: Tự hào khi nói về làng mình

Hồng Vũ Thứ bảy, ngày 10/10/2015 11:02 AM (GMT+7)
Những năm trước, làng bún Thanh Lương, xã Bích Hòa (Thanh Oai, Hà Nội) được nói đến như một làng nghề có nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Nhưng giờ đã khác, nhờ có nguồn nước máy, bà con dân làng đã phấn khởi, tự hào khi nói về làng mình.
Bình luận 0

Tại làng bún Thanh Lương hai năm qua, bên cạnh tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường nguồn nước cùng dự án nước sạch đã được triển khai ở xã... đã giúp bà con làng nghề yên tâm và phấn khởi chế biến các sản phẩm bún, bánh tráng an toàn.

Làm bún giờ nhàn lắm

Gia đình chị Bùi Thị Quyên ở thôn Thanh Lương có 3 thế hệ làm nghề sản xuất bún, chuyên cung cấp cho chợ đầu mối Long Biên và các chợ trong vùng. Chị chia sẻ: “Một ngày gia đình nhà làm tới 3 tạ bún. Trước đây chưa có nước sạch, mỗi lần cần chế biến phải bơm nước lên bể rồi lọc qua cát, vì nếu không lọc bún sẽ thâm mà cũng không ngon. Nay có nước máy rồi nên chất lượng bún sáng hơn, ngon và sạch hơn. Từ ngày có nước sạch về, làm bún sướng lắm, nhàn đi bao nhiêu”.

img

Từ khi có nước sạch về, công việc sản xuất bún của gia đình chị Quyên nhàn hơn trước rất nhiều. (Ảnh: Hồng Vũ)

Gia đình nhà ông Bùi Văn Tăng cũng có hai chục năm làm nghề sản xuất bún lại chọn riêng một cách để giảm ô nhiễm nguồn nước. Ông Tăng cho hay: “Tận dụng mảnh đất rộng còn thừa sau nhà, tôi xây mương 2 ngăn cao 30 cm, Mỗi ngày sản xuất 2 tạ bún thì nước thải của gia đình xả vào mương sau đó dùng chế phẩm sinh học xử lý rồi mới thải ra môi trường”. Được biết gia đình ông Tăng là một trong những hộ gia đình được xã Bích Hòa áp dụng thí điểm sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước thải.

Nước sạch cho sản phẩm sạch

"Nước sạch để chế biến bún sau đó dùng nuôi lợn. Tận dụng như thế vừa tiết kiệm lại sạch môi trường”.
Chị Bùi Thị Quyên 

Tại thôn Thanh Lương hiện tại có hơn 50 hộ làm sản phẩm bún và bánh tráng, trung bình mỗi ngày sản xuất 2-3 tạ bún cung cấp cho thị trường. Những năm trước, nước thải từ làm bún, bánh tráng, nước thải chăn nuôi chưa được các xử lý, đã xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước sông, và những cánh đồng quanh xã. Ông Bùi Tiến Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Bích Hòa cho biết: “Đến nay, toàn bộ đường trong thôn đã được bê tông hóa, cống rãnh cũng được sửa sang để không đọng lại nước thải. Tháng 6.2014, dự án nước sạch đã đưa nước về tận các gia đình để bà con có thể dùng nước sạch chế biến ra sản phẩm sạch”.

Được biết, năm 2012, thành phố có dự kiến xây nhà máy xử lý nước thải làng nghề tại xã Bích Hòa, đã thấy đo đạc, quy hoạch đất nhưng đến nay dự án vẫn chưa thấy triển khai. Ông Dũng cũng cho biết thêm, cuối tháng 10.2014 Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố đã cùng với xã thực hiện thí điểm sử dụng chế phẩm sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước từ làng bún Thanh Lương, đã mang lại hiệu quả tích cực trong xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Tuy nhiên, việc thí điểm này chỉ mới áp dụng ở số hộ, vì bà con phải tự bỏ tiền túi ra để mua sản phẩm nên việc áp dụng phương pháp này vẫn chưa được nhân rộng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem